Song những ngày qua, công trình này đã thu hút rất đông du khách, người dân Huế đến vãn cảnh, chụp hình… đồng thời tiếp tục là tâm điểm với nhiều ý kiến trái chiều.
Hiện các lối dẫn xuống tuyến đường đi bộ lót sàn gỗ lim dọc theo bờ sông Hương tạm thời bị phong tỏa để các đơn vị tiếp tục thi công những hạng mục đường điện, trụ đèn, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, cây cảnh… và dự kiến bàn giao công trình cho tỉnh Thừa Thiên - Huế để đưa vào sử dụng từ ngày 30-10.
Thực tế, hạng mục đường đi bộ do KOICA tài trợ với tổng kinh phí 6 triệu USD, rộng 4m, dài 400m; thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ thống cọc bê tông; mặt trên lát gỗ lim dày 5cm, tổng diện tích 2.438m². Dự toán tổng chi phí gỗ lim lót sàn là 5,14 tỷ đồng, được nhập khẩu hợp pháp từ Nam Phi, hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương bảo vệ rừng của Chính phủ Việt Nam.
Trong quá trình thiết kế dự án, các chuyên gia, tư vấn Hàn Quốc và Việt Nam đã nghiên cứu kỹ nhiều phương án như đá granit, gỗ tổng hợp sản xuất tại Việt Nam, gỗ tổng hợp sản xuất tại Hàn Quốc, gỗ lim. Qua đó, tư vấn xem xét, đánh giá kỹ về các yếu tố: thân thiện môi trường, cảnh quan; ít biến dạng, bền vững với thời gian; màu sắc hài hòa, góp phần tạo nét đặc trưng; kinh phí đầu tư… đã chọn gỗ lim Nam Phi. Ban Quản lý KOICA phối hợp Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức công bố, lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với phương án thiết kế dự án “Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía bờ Nam sông Hương” từ ngày 4-7-2016 đến ngày 25-7-2017. Trong đó, đối với nội dung lấy ý kiến về kết cấu, vật liệu có 29/32 phiếu (chiếm 90,62%) đồng ý sử dụng gỗ lim để lát sàn. Ban Quản lý dự án KOICA còn yêu cầu tư vấn xem xét kỹ hơn về việc sử dụng gỗ lim; rà soát, đề xuất một số phương án sử dụng vật liệu khác ngoài gỗ lim để có sự phân tích, so sánh cụ thể. Trên cơ sở đó, tư vấn đã phân tích, so sánh đối với 4 loại vật liệu có thể dùng để lát sàn cầu đi bộ dọc sông Hương và cuối cùng chọn gỗ lim.
Chính quyền TP Huế cho rằng, tuyến đường đi bộ ngắn này sẽ tạo điểm nhấn cho bờ Nam sông Hương. Tuy nhiên, ngay từ khi được khởi công vào tháng 2-2018, dư luận đã bày tỏ lo ngại về tính bền vững của tuyến đường lót sàn gỗ lim do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều ở Huế… Trong khi đó, cũng có ý kiến ủng hộ con đường lót sàn gỗ là việc làm tạo sản phẩm mới để thu hút du lịch đến Huế.
Xoay quanh những ý kiến trái chiều liên quan đến dự án này, tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức, ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng đây là dự án nhằm tăng thu ngân sách từ du khách. Nó tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận gần sông Hương nhất, trong một khung cảnh tương xứng với vẻ đẹp đẳng cấp của sông Hương. Nó phải được thiết kế làm sao đó để thu hút càng nhiều du khách càng tốt. Hiệu quả kinh tế được tính trên cơ sở lợi ích mang lại trừ đi giá trị đầu tư (hiện đang được cho không) và trừ đi chi phí bảo trì trong từng khoảng thời gian nhất định. “Tiềm năng, lợi thế là những yếu tố có tính chất lịch sử. Tiềm năng, lợi thế không được phát huy kịp thời sẽ bị cạnh tranh và mất đi… Lót gỗ lim đường đi bộ thành phố Huế: điểm nhấn không là những thớ gỗ lim mà là ở tầm nhìn và góc nhìn”, ông Phan Thiên Định nhấn mạnh.