Đường đi của chất tạo nạc: Vì lợi, lờ luật

Kẽ hở từ nhập thức ăn chăn nuôi
Đường đi của chất tạo nạc: Vì lợi, lờ luật

Từ việc cơ quan chức năng liên tục bắt giữ nhiều vụ nhập chất tạo nạc để chăn nuôi heo, trong đó chủ yếu do các công ty lợi dụng việc nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hoặc thức ăn chăn nuôi thành phẩm để tuồn chất tạo nạc. Thực trạng này đang đặt ra nghi vấn về những đường dây nhập lậu chất tạo nạc.

Các cơ quan chức năng kiểm tra việc buôn bán chất tạo nạc tại Đồng Nai. Ảnh: D.Thành

Các cơ quan chức năng kiểm tra việc buôn bán chất tạo nạc tại Đồng Nai. Ảnh: D.Thành

Kẽ hở từ nhập thức ăn chăn nuôi

Trước đây, nhiều người vẫn cho rằng tình trạng có chất tạo nạc trong các sản phẩm thịt heo là do người chăn nuôi nhỏ lẻ đã lén lút trộn thêm chất cấm vào thức ăn gia súc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi các đoàn kiểm tra của Bộ NN-PTNT và các địa phương khẳng định tình trạng sử dụng chất tạo nạc đã giảm mạnh thì các cơ quan điều tra lại liên tục bắt quả tang các vụ nhập lậu chất tạo nạc hoặc nghi là chất tạo nạc với khối lượng khá lớn ở cả miền Nam và miền Bắc.

Mới đây nhất, vụ nhập 7,5 tấn chất nghi tạo nạc ở tỉnh Hưng Yên đã bị Bộ NN-PTNT và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường bắt quả tang. Trước đó, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cũng đã thu giữ 1,4 tấn Gold Protein Peptide (SSI) - theo quy định của Bộ NN-PTNT được phép sử dụng trong chăn nuôi. Nhưng doanh nghiệp lại trộn thêm cả chất tạo nạc là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Đây là lô hàng của một công ty có trụ sở tại  TPHCM nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo nhận định của Cục Hải quan Hải Phòng và một số cơ quan chức năng, không chỉ một công ty tham gia nhập khẩu SSI về làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà hiện nay còn một số công ty khác. Liệu đây có phải là con đường để đưa chất cấm tạo nạc vào nước ta rồi xé lẻ, bán cho người tiêu dùng. Lợi dụng kẽ hở, một số công ty nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã trà trộn, đưa chất cấm về nước tiêu thụ.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, ban đầu các công ty xin cấp phép nhập khẩu SSI. Bộ NN-PTNT đã kiểm tra chất SSI và đạt chất lượng. Kể từ năm 2006 đến nay, SSI bắt đầu được nhập khẩu vào Việt Nam. “Việc Bộ NN-PTNT cho nhập SSI hoàn toàn đúng bởi khi kiểm tra chất lượng rất tốt” - ông Dương nói. Nhưng điều đáng nói, do việc quản lý lỏng lẻo trong khâu hậu kiểm đối với hàng nhập khẩu bấy lâu nay đã tạo kẽ hở nên một số doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận đã đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Ông Dương cho biết thêm, chất nào đã có trong danh mục cho phép khi nhập khẩu không cần xin phép các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cứ đăng ký kiểm tra chất lượng với cơ quan hải quan. Hải quan sẽ kiểm tra tùy theo yêu cầu. Có lẽ do kẽ hở này chất cấm đã tuồn vào nước ta khá dễ dàng.

Còn theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, có thể trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp đã lợi dụng sự cho phép nhập SSI để pha trộn thêm chất cấm vào sản phẩm này. Kết quả kiểm tra vừa qua mới dựa trên định tính đã phát hiện chất cấm, nếu kết quả kiểm tra định lượng phát hiện, doanh nghiệp nhập khẩu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật.

Kiểm soát chặt nguồn gốc

Liên quan đến việc liên tục phát hiện các vụ nhập chất tạo nạc, ngày 12-4, Bộ NN-PTNT đã có văn bản trả lời chính thức về vấn đề này. Theo đó, hồ sơ đăng ký nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi SSI do Công ty TNHH sản xuất thương mại chăn nuôi Nam Hoa đăng ký tại Cục Chăn nuôi ngày 20-6-2005, SSI là sản phẩm protein của hạt đậu tương đã được thủy phân, giúp cải thiện tổng hợp protein dễ tiêu hóa, ngoài ra không có chứa chất hóa học nào khác.

Bởi vậy, sau khi xem xét hồ sơ đăng ký nhập khẩu và kết quả phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm SSI năm 2005, Cục Chăn nuôi đã trình Bộ NN-PTNT bổ sung mặt hàng này vào “Danh mục nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam”. Tuy nhiên, hiện nay có một số sản phẩm này trên thị trường bị phát hiện có chứa chất cấm Clenbuterol và Salbutamol, các cơ quan có chức năng đang xác minh làm rõ nguồn gốc và truy cứu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Xuân Dương thừa nhận Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên hiện nay, Bộ NN-PTNT đang tăng cường kiểm tra chất cấm vì nguy cơ vẫn còn rất nhiều. Theo ông Dương, hàng năm Bộ NN-PTNT đều có chương trình kiểm tra, giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi, nhưng làm không xuể. Để khắc phục kẽ hở, Bộ NN-PTNT vừa ban hành Thông tư 66, có hiệu lực từ 1-7-2012, theo đó tất cả các lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải kiểm tra chất lượng. Hàng rào pháp lý tuy muộn nhưng còn hơn thả nổi thị trường thức ăn chăn nuôi trong thời gian qua.

Văn Phúc


Truy tận gốc việc sử dụng chất tạo nạc beta-agonist

Trước tình trạng một số cơ sở chăn nuôi heo sử dụng chất tạo nạc bị cấm sử dụng, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh TP chỉ đạo đơn vị trực thuộc triển khai ngay các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng sử dụng chất tạo nạc beta-agonist cấm sử dụng trong chăn nuôi. Các địa phương lập đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp với chính quyền địa phương thanh kiểm tra, truy nguyên nguồn gốc, phát hiện sớm các vi phạm về kinh doanh, sử dụng chất beta-agonist ngay tại các cơ sở kinh doanh thuốc thú y; cơ sở chế biến, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; trang trại chăn nuôi; cơ sở giết mổ; cơ sở kinh doanh thịt đầu mối tại địa phương; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm đặc biệt là các hành vi kinh doanh, sử dụng chất beta-agonist trong chăn nuôi. Công khai rộng rãi các vi phạm sử dụng chất này trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng.

Ng.Quốc

Tin cùng chuyên mục