Đường hẻm tối đèn

Tình hình trật tự an toàn xã hội tại TPHCM gần đây có diễn biến phức tạp, nạn cướp giật lộng hành. Bóng tối đồng lõa với tội phạm, nên những con hẻm về đêm thiếu ánh đèn càng khiến người dân lo âu hơn. Nhiều bạn đọc phản ánh tình trạng đèn chiếu sáng dân lập trong nhiều con hẻm bị chập chờn, hư hỏng không được thay thế kịp thời.
Đường hẻm tối đèn

Tình hình trật tự an toàn xã hội tại TPHCM gần đây có diễn biến phức tạp, nạn cướp giật lộng hành. Bóng tối đồng lõa với tội phạm, nên những con hẻm về đêm thiếu ánh đèn càng khiến người dân lo âu hơn. Nhiều bạn đọc phản ánh tình trạng đèn chiếu sáng dân lập trong nhiều con hẻm bị chập chờn, hư hỏng không được thay thế kịp thời.

  • Nơi sáng nơi tối

Trong các cuộc đối thoại với dân do UBND quận 6 tổ chức, có không ít ý kiến bức xúc phản ánh về tình trạng chập chờn của hệ thống đèn chiếu sáng dân lập. Cư dân khu phố 2 phường 10 cho biết, còn nhiều con hẻm bị thiếu sáng do bị kẻ trộm cắt mất dây điện đèn. Cư dân khu phố 2 phường 1 kiến nghị để đảm bảo ánh sáng đèn trong các con hẻm, nên thiết kế chung hệ thống đèn chiếu sáng dân lập, không thể tồn tại tình trạng lúc có lúc không, nơi sáng nơi tối, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống cư dân trong các con hẻm.

Trong khi nhiều con hẻm thiếu đèn chiếu sáng dân lập, con hẻm dẫn vào nhà hàng Bình Xuyên (C3/16 Phạm Hùng, Bình Chánh, TPHCM) được nhà hàng giăng nhiều đèn kéo dài suốt 500m và bật đèn khi ngoài trời còn rất sáng, lãng phí điện. Ảnh: ANH TUẤN

Trong khi nhiều con hẻm thiếu đèn chiếu sáng dân lập, con hẻm dẫn vào nhà hàng Bình Xuyên (C3/16 Phạm Hùng, Bình Chánh, TPHCM) được nhà hàng giăng nhiều đèn kéo dài suốt 500m và bật đèn khi ngoài trời còn rất sáng, lãng phí điện. Ảnh: ANH TUẤN

Ở các quận nội thành, nhiều hẻm có đèn chiếu sáng dân lập, trong khi đó, tại các quận ven và huyện ngoại thành vẫn còn nhiều đường hẻm, đường nội bộ đêm đêm chìm trong bóng tối. Tại cuộc họp các ban điều hành khu phố ở quận Thủ Đức, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tình trạng chưa phủ kín đèn chiếu sáng dân lập.

Chị Nguyễn Thị Băng Tâm, ở phường Bình Thọ, nhận xét: “Bây giờ đèn đường sáng hơn trước nhiều, nhưng đèn trong hẻm chưa đủ. Ở khu phố tôi, đèn dân lập đã hư hơn một tháng, đã báo cho tổ, cho phường rồi mà vẫn chưa được sửa”. Mới đây, trong cuộc đối thoại với người dân do UBND quận 9 tổ chức, cư dân ở khu phố 1 phường Phước Bình, than phiền: “Bà con rất rầu vì chuyện đèn chiếu sáng cứ đứt bóng hoài. Phản ánh lên phường mấy tháng trời nhưng chẳng ai giải quyết, rốt cuộc người dân phải góp tiền mua bóng mới”. Cư dân ở khu phố 1 phường Hiệp Phú và khu phố 3 phường Tân Phú phản ánh ở khu phố có nhiều con đường mới mở, có tên hẳn hoi như đường Phan Chu Trinh, đường số 6, đường 141…, nhưng ban đêm rất tối tăm do thiếu đèn chiếu sáng dân lập. Cư dân các phường Phước Long A, Long Trường… cũng khá bức xúc: “Vì sao đèn dân lập hư mà không ai sửa chữa?”.

  • Trách nhiệm thuộc về ai ?

Theo phân cấp, tại các đường phố do thành phố quản lý có hệ thống đèn chiếu sáng công cộng do ngành GTVT TP quản lý. Còn hệ thống đèn chiếu sáng dân lập do địa phương tự quản lý với sự góp sức của người dân, ngành điện lực chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đấu nối đường dây, gắn điện kế đo đếm để đảm bảo an toàn điện, tránh thất thoát điện năng. Thực tế cho thấy, nơi nào chính quyền địa phương phối hợp tốt với ngành điện thì hệ thống đèn chiếu sáng dân lập phủ khá rộng và hoạt động ổn định.

Ông Mai Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Điện lực Gò Vấp, cho biết công ty đã cử công nhân thi công miễn phí hệ thống đèn chiếu sáng dân lập, vật tư thiết bị do địa phương cung cấp theo chuẩn của ngành điện, bóng đèn compact do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng hỗ trợ, nên hệ thống đèn chiếu sáng dân lập ở Gò Vấp nói chung khá tốt.

Tại quận 10 và 11, ngành điện đã phối hợp với địa phương để thay 100% bóng đèn công suất lớn bằng bóng compact tiết kiệm điện, gắn 118 điện kế cho hệ thống đèn chiếu sáng dân lập, tập trung tại các chung cư, khu vực đông dân cư, giao cho tổ dân phố hoặc hội phụ nữ trông coi, quản lý.

Hệ thống đèn chiếu sáng dân lập được đầu tư từ nguồn kinh phí do người dân đóng góp và địa phương tự cân đối. Những nơi hệ thống đèn chiếu sáng dân lập còn chập chờn, phủ chưa kín, là do chưa huy động đủ kinh phí để đầu tư lưới điện. Tại quận Thủ Đức, có đến 721 điện kế tổng đã lắp đặt chờ đấu nối và ngành điện đang phối hợp với 12 phường trong quận để đẩy nhanh tiến độ đấu nối.

Ông Lê Công Trình, Giám đốc Công ty Điện lực Thủ Thiêm, cho biết, 109 điện kế tổng đã có sẵn nhưng chưa đấu nối được vào lưới do địa phương chưa có kinh phí kéo lưới điện. Tại nhiều quận - huyện cũng đang tồn tại tình trạng tương tự. Kinh nghiệm của UBND phường 8 quận 6 là phường phải tích cực vận động người dân đóng góp kinh phí, rồi chủ động liên hệ Trung tâm Tiết kiệm năng lượng giúp sức thiết kế, nên mới làm được, thậm chí còn tiết kiệm được 40% lượng điện so với trước đây. Đây là cách làm cần được nhân rộng. 

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục