Đường lên địa đầu Tổ quốc

Đường lên địa đầu Tổ quốc

Không chỉ với khách du lịch từ TPHCM mà ngay tại thủ đô Hà Nội, nhiều người cũng ao ước được một lần đặt chân tới mảnh đất Hà Giang ở địa đầu Tổ quốc, để được tận mắt cảm nhận vẻ đẹp độc đáo của cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc, chụp ảnh cùng những em bé Mông, Dao, Giáy, Lô Lô... ngộ nghĩnh, bên những vách đá tai mèo, những ngôi nhà đất bé nhỏ sau hàng sa mộc mờ sương khói. Chuyến đi này để lại cho chúng tôi nhiều trải nghiệm và trăn trở...
TP Hà Giang nhỏ bé, đang trong giai đoạn phát triển thương mại và du lịch, với những dãy nhà lô nhô dọc bờ sông Lô, nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 300km (tương đương từ Hà Nội lên khu du lịch Sa Pa - Lào Cai). Trước đây, từ Hà Nội lên tới Hà Giang thường phải mất trọn 1-2 ngày, nhưng bây giờ nhờ có cao tốc Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ mở rộng nên từ Hà Nội chạy xe lên Hà Giang chỉ mất độ 5-6 tiếng đồng hồ (có thể nghỉ ngơi, ăn trưa ở Tuyên Quang). Nếu xuất phát từ sân bay Nội Bài để đi Hà Giang, quãng đường sẽ gần hơn khoảng 30km.

Từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai, để rẽ ngang lên Tuyên Quang - Hà Giang ở phía Bắc thì phải xuống tại nút giao IC9 (giao cắt giữa cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường Hồ Chí Minh) ở đầu thị xã Phú Thọ. Từ Phú Thọ chạy thêm 30km tới ngã ba Đoan Hùng (nơi có thương hiệu bưởi ngon nổi tiếng) là sang tới đất Tuyên Quang. Ăn trưa xong thì tiếp tục chạy một mạch lên Hà Giang với quãng đường khoảng 150km. Trước khi dừng chân qua đêm tại khách sạn Đinh Gia ở đầu TP Hà Giang, chúng tôi đã đến thắp hương, thăm viếng các liệt sĩ đang nằm ở nghĩa trang lịch sử Vị Xuyên (cách trung tâm chừng 15km).

Trong khoảng 10-15 năm trước, Hà Giang vẫn là một thành phố nhỏ, dân thưa, nhịp sống diễn ra chậm rãi. Khách sạn lớn thì chưa có, chủ yếu là nhà nghỉ, khách sạn cũ 2-3 tầng, lác đác. Nhà hàng, quán cafe cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vài năm gần đây nhờ có du lịch, số lượng homestay, nhà nghỉ ở đây mọc lên như nấm. Bắt đầu có những khách sạn lớn, 8-9 tầng, 3-4 sao. Quanh khu vực bến xe Hà Giang còn có hàng trăm cơ sở hostel, cho thuê xe máy để các nhóm trẻ đi phượt Đồng Văn - Mèo Vạc, với giá thuê khoảng 150.000-200.000 đồng/xe/ngày. Vào mùa hoa đào hoa mận nở (sau Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng) hoặc lễ hội hoa tam giác mạch (mùa thu), nhiều cơ sở còn “cháy phòng”, “cháy xe” (hoạt động du lịch chỉ tạm ngưng lắng trong hai năm nay do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng hiện nay đang dần sôi động trở lại).

Hôm sau sau khi ăn sáng ở quán “Phở Giang” có thâm niên và được nhiều “phượt thủ” khen ngon trên đường Nguyễn Trãi, chúng tôi đi bộ sang check-in “cột mốc số 0” trong công viên sát bờ sông. Cột mốc không có gì đặc biệt, nhưng dường như ai cũng muốn lưu lại vài kiểu ảnh “làm bằng chứng” đã đặt chân tới mảnh đất địa đầu đất nước. Km số 0 là điểm khởi đầu của hành trình ngược lên cao nguyên đá tai mèo dài hơn 170km. Do đó, hầu hết các đoàn du khách thường phải dừng chân qua đêm ở TP Hà Giang để bắt đầu một ngày mới, một chặng đường mới với cao nguyên đá từ cột mốc này.
Rời TP Hà Giang, cứ theo Quốc lộ 4C thì điểm đến đầu tiên sẽ là Quản Bạ (cách TP Hà Giang khoảng 50km), cúng tôi đã gặp dòng chữ lớn trên núi cao” Chào mừng tới công viên đá Đồng Văn quốc gia”. Ngay tại Quản Bạ cũng đã có chi chít điểm tham quan, nhưng địa điểm check-in không thể bỏ qua là đèo (cổng trời) Quản Bạ để từ lưng đèo chiêm ngưỡng kỳ quan “núi đôi cô tiên” bên dưới thị trấn Tam Sơn. Trước khi lên đèo Quản Bạ, có một cung đèo đầu tiên để thử tay lái của mỗi phượt thủ là dốc Bắc Sum (cách đèo Quản Bạ khoảng 20km).

“Núi đôi” như hai trái đào tròn trịa là tặng phẩm của thiên nhiên, trở thành biểu tượng du lịch của Hà Giang, được nhiều nhiếp ảnh gia chụp, in lên các tấm tranh khổ lớn để quảng bá về du lịch. Được ngắm hai trái đào tiên cũng phải có may mắn (ạ). Vào ngày mù sương, gió thổi hun hút qua cổng trời, đứng trên đỉnh đèo không thể trông rõ. Chuyến đi này của chúng tôi gặp thời tiết thuận, nhưng vẫn không có cơ hội được ngắm núi đôi do đang thi công dự án mở đường, nổ mìn phá đá trên đèo, nên ô tô phải rẽ vào đường Tùng Vài ở ngã ba gần chợ Quyết Tiến, để vòng lên trung tâm huyện Quản Bạ, tránh cổng trời. Nếu không sẽ phải xếp hàng cả chục ki-lô-mét, mất khoảng 3-4 tiếng đồng hồ chờ đường thông. Bù lại, đường tránh Tùng Vài - Tam Sơn quanh co nhỏ hẹp cũng mang lại cho chúng tôi thêm trải nghiệm.

Mất chừng 2 tiếng đồng hồ ở đường tránh Tùng Vài, cuối cùng xe cũng lên tới Tam Sơn - Quản Bạ. Ở cuối thị trấn Tam Sơn có con đường nhỏ dẫn vào làng homestay Nậm Đăm của người Dao chàm, nhưng chúng tôi quyết định đi thẳng lên huyện Yên Minh để kịp lịch trình khám phá các địa điểm đẹp ở Đồng Văn trong ngày thứ hai.

Cung đường Quản Bạ lên Yên Minh cũng chừng 50km. Phong cảnh bắt đầu đẹp hơn. Nhiều đoạn Quốc lộ 4C chạy sát sông Miện nước trong leo lẻo. Đương xuân nên hoa xoan nở tím rặp từng mảng, hoa gạo cũng nở đỏ rực bên đường. Qua cầu Cán Tỷ, người ta đang xây một điểm dừng chân cho du khách. Từ đây, nếu đi xuôi về phía nam theo tả ngạn dòng sông Miện là tới ngôi làng dệt lanh Lùng Tám, sau đó nếu cứ dong thẳng đường DT181 rồi đường men sông là lại quay về TP Hà Giang (gặp Quốc lộ 4C tại Km9) sau khi vượt qua điệp trùng cổng trời, đèo dốc, cua tay áo...

Nhưng đích đến của chúng tôi là Đồng Văn - Mèo Vạc, nên đi qua cầu Cán Tỷ, xe tiếp tục hướng lên phía Bắc. Cách cầu khoảng 300-400m có tấm biển nhỏ chỉ dẫn hai hướng đi lên Yên Minh: Nếu đi thẳng Quốc lộ 4C sẽ qua rừng thông là 42km, còn rẽ phải là đường tắt (vừa mở 4-5 năm nay) chỉ 22km. Tức là gần hơn một nửa. Cung mới mở này sau khi đi qua địa điểm check-in “Cây cô đơn Hà Giang” mà các nhóm phượt thường kháo nhau, sẽ là những con đèo dốc uốn lượn cheo leo vắt vẻo như rồng như rắn qua các dãy núi. Cung đường này còn mới nên rất nhiều đoàn khách du lịch không biết, hoặc bị lạc hoặc không tìm lại được khi từ cao nguyên đá trở về Quản Bạ.

Lên tới thị trấn Yên Minh khoảng tầm 11 giờ trưa, chúng tôi quyết định đi thẳng lên huyện Đồng Văn. Cung đường từ Yên Minh lên Đồng Văn mới thể hiện rõ sắc thái và sự hùng vĩ của cao nguyên đá. Bắt đầu là những khúc cua tay áo rất gắt. Hai bên đường chỉ có đá. Trên đá dưới đá. Những ngôi nhà cũng xây bằng đá. Cổng, tường nhà cũng xếp đá. Trên các hốc đá, người Mông phải vạch từng vạt đất mỏng để gieo từng hạt cải, hạt bắp. Đá nhiều hơn đất. Càng lên gần các xã Sà Phìn, Ma Lé, Lũng Cú, Lũng Táo... đá tai mèo càng dày đặc. Hòn đứng, hòn ngồi la liệt như ếch, như cóc.
Dốc Thẩm Mã là nơi chúng tôi dừng lại sau một buổi sáng lắc lư qua hàng trăm cua uốn lượn, lên xuống để check-in chụp ảnh, tặng quà cho những đứa trẻ người Mông ở Vần Chải, Phố Cáo. Trước đây, tại địa điểm này, chỉ có lác đác dăm đứa trẻ leo lên đèo chờ xin kẹo của khách du lịch. Đứa nào cũng mặt mũi thò lò, thậm chí cởi truồng, người nhỏ như cái phích nước. Nhưng vài năm nay, lũ trẻ ở đây đã biết “làm du lịch” hơn những chỗ khác, bằng cách tết những gùi hoa cải vàng rực rỡ, đứng chụp ảnh cùng du khách, khiến dốc Thẩm Mã trở thành địa điểm check-in thú vị hơn, nhiều kỷ niệm hơn với nhiều đoàn lên cao nguyên đá. Có lẽ tụi trẻ ở đây ngoan hơn, không lẽo nhẽo bám du khách vòi tiền, ép mua hàng như ở Sa Pa.

Các đoàn phượt thủ thường mua kẹo bánh từ dưới TP Hà Giang để mang lên đây chia cho chúng. Hạnh phúc của chúng là được lao xao chìa tay nhận những gói kẹo từ những du khách xa lạ ở miền xuôi lên. Cũng có đoàn khách cho lũ trẻ tiền, nhưng theo nhiều người, nên tặng kẹo bánh cho chúng thay vì cho tiền, để tránh làm trẻ bị tha hóa như tình trạng ở Sa Pa.
Ấn tượng nhất trong đám trẻ là cô gái Lò Thị Xay (Mỷ) mới 19 tuổi, nụ cười xinh như hoa rừng, nhưng đã có 2 đứa con thơ và sắp có đứa thứ ba. Chồng Mỷ từng có đời vợ trước. Dân bản bảo chồng Mỷ chỉ ở nhà, say khướt. Cuối tuần Mỷ địu đứa bé 2 tuổi lên dốc chờ quà ở dưới xuôi lên, ngày thường lại lên nương làm lụng nuôi con. Mỷ không từ chối bất cứ ai mời chụp ảnh chung và luôn nói cảm ơn khi được tặng bánh kẹo.
Rời dốc Thẩm Mã, chúng tôi đi sang Phố Cáo rồi xuống đèo Phó Bảng để vào thăm ngôi nhà cổ làm bằng đất ở thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là. Ngôi nhà vốn là dinh cơ của một gia đình giàu có, nhưng được dùng làm bối cảnh của phim điện ảnh “Chuyện của Pao”, nên khách du lịch quen gọi là “Nhà của Pao”. Khách có thể chụp ảnh với bất cứ góc máy nào, nhưng quy định ở đây là không được ngồi giữa bậu cửa. Có thời điểm để vào thăm nhà của Pao phải mua vé. Sủng Là và Phố Cáo là những xã khởi đầu của thiên đường hoa đào, hoa mận ở cao nguyên đá.

Người ta bảo rằng, hoa đào Đồng Văn có màu đỏ thẫm, nụ to, cánh dày hơn hẳn hoa đào nơi khác. Ngay trong sân “nhà Pao” và những ngôi nhà hàng xóm cũng có những cây đào rừng như thế. Khi chúng tôi đến, mùa hoa đào mận đã mãn, nhưng vẫn kịp mùa hoa lê nở trắng muốt dọc lối dẫn vào thôn Lũng Cẩm, cánh đọng sương rung rinh. Trong bìa rừng, những hàng sa mộc như những mũi tên, mọc trầm mặc trong gió lạnh 10-13 độ C. Các phượt thủ kể, vào mùa thu, thung lũng Sủng Là còn là thiên đường hoa tam giác mạch. Khắp cánh đồng phủ một màu trắng muốt. Sau một tuần hoa chuyển màu tím thẫm. Người dân ở đây trồng tam giác mạch để thu hoạch hạt làm bánh tam giác mạch. Trước cổng nhà Pao, bánh tam giác mạch được bán rất nhiều, còn nóng hơi lửa. Giá 10.000 đồng/cái. Ăn bùi bùi, có vị giống bánh bao.
Ở gần Sủng Là còn có hai địa chỉ check-in nữa là thị trấn cửa khẩu Phó Bảng và làng cổ Lao Sa (thiên đường hoa cải). Nhưng do lịch trình có hạn, cung đường không tiện cho xe ô tô, nên chúng tôi rời Sủng Là lên thẳng dinh vua Mèo ở xã Sà Phìn bên trên khoảng 3-4km.

Lên cao nguyên đá không thể không tới cột cờ Lũng Cú và dinh vua Mèo. Đây là một dinh thự lớn nằm trên gò đất, bên dưới thung lũng Sà Phìn. Quanh biệt thự trồng rất nhiều cây sa mộc cổ, vanh lớn. Mặc dù chạm đục không tinh xảo nhưng dinh thự được thiết kế khá độc đáo, với phong cách kiến trúc kết hợp ảnh hưởng của Trung Quốc, người Mông và Pháp.
Theo wikiPedia, toàn bộ dinh thự rộng gần 3.000m2, được khởi công năm 1898. Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay. Dinh vua Mèo đã được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1993. Hiện vé tham quan là 10.000 đồng/người.
Hình ảnh mà tôi không thích là khi bước vào, trên bàn thờ vua Mèo, du khách cài, đặt la liệt các loại tiền lẻ, thi nhau chắp vái, cầu xin phù hộ độ trì được mua may bán đắt, quyền cao chức trọng, thi cử đỗ đạt... không khác gì ở các đình - đền - chùa - phủ dưới xuôi, những nơi vốn là di tích lịch sử văn hóa thuần khiết nhưng đã bị thương mại hóa, dị đoan hóa. Điều này là không nên với Hà Giang.
Trước, ngay cổng dinh thự họ Vương là chợ Sà Phìn (còn gọi là phiên chợ lùi). Từ 2-3 giờ sáng, người từ khắp cao nguyên đá đã đổ về, dắt theo trâu bò, ngựa, heo, chó... để mua bán. Trong chợ bố trí những quầy chuyên bán rượu ngô men lá. Họ uống bằng bát, bằng gáo. Uống suông hoặc uống với thắng cố. Có người đến chợ chỉ để uống rượu. Đến trưa khật khưỡng ra về, lăn ra vệ cỏ ven đường ngủ. Vợ ngồi bên, chờ khi nào chồng tỉnh lại mới cùng về. So với ba cái chợ lùi còn lại thì Sà Phìn mang đậm bản sắc vùng cao hơn cả. Nhưng hiện nay huyện Đồng Văn đã cho xây dựng khu chợ mới ở ngay ngã ba Sà Phìn đi cột cờ Lũng Cú, thay thế cho khu chợ cũ, dù khang trang hơn nhưng không thú vị như chợ cũ.
Ăn trưa muộn và nhanh gọn tại nhà hàng Hoa Đá ở ngã ba Sà Phìn có view nhìn xuống thung lũng nhà Vương. Sau đó chúng tôi thẳng tiến cột cờ Lũng Cú để một lần được sở thị biên cương đất nước với trùng điệp núi non hiểm trở từ trên đỉnh cao 1.500m so với mặt biển.

Cột cờ nằm ở xã Lũng Cú, cách ngã ba Sà Phìn 22km và cách thị trấn Đồng Văn khoảng 25km nếu đi đường tắt. Từ ngã ba lên, đường nhỏ hẹp hơn, quanh co dọc các bờ vực cheo leo. Hoàng hôn buông xuống, ánh nắng sâu hun hút. Cảm giác sung sướng nhất của du khách là được leo lên đỉnh cột cờ, chụp ảnh với lá đại kỳ tung bay trong gió, để cảm nhận sự thiêng liêng của bờ cõi quốc gia, niềm tự hào về chủ quyền đất nước, yêu quê hương Việt Nam hơn trước vẻ đẹp lạ của giang sơn gấm vóc.

Vì lẽ đó, cột cờ Lũng Cú là điểm check-in không thể bỏ qua khi tới Đồng Văn. Vào mùa cao điểm, từ sáng tới chiều cuối tuần, ở đây hầu như nườm nượp bạn trẻ, nhất là phượt thủ. Từ trên cột cờ có thể view xuống ngôi làng thơ mộng của người Lô Lô, có tên là “Lô Lô Chải” với những ngôi nhà thấp nhỏ, hoàn toàn bằng đất và đá. Ngôi làng hiện nay vẫn còn cơ bản giữ được nét kiến trúc cũ, tạo thành quần thể đồng nhất, nhiều ngôi nhà đã được đầu tư làm homestay, quán cafe... rất thu hút khách (nhất là du khách nước ngoài).
Điều bất ngờ là khu bên dưới cột cờ Lũng Cú, hiện đường và cơ sở hạ tầng đang được đầu tư quy hoạch, mở ra rất lớn. Nhưng đề nghị chính quyền tỉnh Hà Giang và Bộ VH-TT-DL cần giám sát để bảo tồn những ngôi nhà cổ và sự đồng nhất về kiến trúc, đảm bảo giữ tính quần thể, giàu bản sắc của những ngôi làng như này, không để bị đô thị hóa, bê-tông hóa như ở nhiều khu vực khác, dẫn đến những xót xa nuối tiếc mà không thể phục hồi, tái tạo lại như cũ.

Tiếp nối thành công những năm qua, Lễ hội chợ tình Khâu Vai năm nay sẽ được tổ chức trong từ 25 -27 tháng 4 (tức ngày 25-27 tháng 3 Âm lịch) tại khu vực Mê cung đá, xã Khâu Vai và sân vận động huyện Mèo Vạc, với chủ đề: Phiên chợ tình ca.

Lễ khai mạc và đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ diễn ra từ 20 giờ – 21 giờ 30 ngày 26-4 (tức ngày 26-3 âm lịch) tại sân khấu Mê cung đá, xã Khâu Vai. Lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV (hoặc VTC) và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Giang. Đồng thời phát trên nền 3 tảng số của tập đoàn FPT, Đài PT-TH Hà Giang, Báo Hà Giang điện tử, cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang TTĐT du lịch Hà Giang tại sân khấu Mê cung đá, xã Khâu Vai.

Đến với Lễ hội chợ tình Khâu Vai năm 2022, du khách sẽ được tham gia, trải nghiệm, khám phá các hoạt động đặc sắc, hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang như: Hội thi người đẹp miền Cao nguyên đá; Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; Lễ cầu duyên tại khu vực miếu Ông, miếu Bà Lễ cầu an.

Giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống: Trình diễn thổi khèn Mông của xã Sủng Trà và thị trấn Mèo Vạc; Hát dân ca dân tộc Nùng; Hát dân ca dân tộc Giáy; Múa trống đồng, múa kéo nhị của dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc; Múa nón, múa khăn của dân tộc Giáy thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà; Múa kiếm của dân tộc Giáy xã Nậm Ban; Múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô, xã Xín Cái; điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc; Múa trống của dân tộc Giáy thôn Nà Trào, xã Tát Ngà; Hát đối giao duyên qua ống dây của dân tộc Mông các xã: Lũng Pù, Giàng Chu Phìn; Múa, thổi khèn đơn, khèn đôi của dân tộc Mông xã Sủng Trà.

Bên cạnh đó, còn có các hoạt động trò chơi dân gian truyền thống để du khách tham quan, trải nghiệm khám phá thung lũng hoa Tam giác mạch, hoa Sao nhái tại Mê cung đá (xã Lũng Pù, Khâu Vai); tham quan, trải nghiệm khám phá chinh phục tuyến đi bộ Vách đá thần Mã Pì Lèng; tham quan, chụp ảnh Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 ngắm hẻm vực Tu Sản - Mã Pì Lèng; tham quan, chụp ảnh cầu tình yêu tại Mê cung đá, xã Khâu Vai.

Lễ hội chợ tình Khâu Vai được tổ chức nhằm phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc và góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang. Đồng thời, đây cũng là hoạt động văn hóa, du lịch tạo điểm nhấn để giới thiệu, quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Hà Giang, nhằm thực hiện giải pháp phục hồi ngành du lịch sau tình hình dịch Covid -19 cơ bản được kiểm soát trên địa bàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục