Đường sách, đường hoa ngày Tết cổ truyền - Toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc

Từ dấu ấn 54 dân tộc...
Đường sách, đường hoa ngày Tết cổ truyền - Toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc

Mỗi năm đến hẹn, cứ dịp Tết cổ truyền của dân tộc, người dân TPHCM lại háo hức chờ đón các hoạt động lễ hội tết, trong đó được chú ý nhất là chương trình lễ hội đường hoa và đường sách Nguyễn Huệ.

Biểu tượng chủ quyền biển đảo.

Biểu tượng chủ quyền biển đảo.

Từ dấu ấn 54 dân tộc...

Năm nay, lễ hội đường sách có chủ đề “Sách và 54 dân tộc” hướng đến tinh thần đoàn kết, vun đắp lòng tự hào dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước và cổ vũ các phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ toàn vẹn biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc.

Ngoài các khu vực như khu thiếu nhi, khu trưng bày sách, cà phê sách, không gian tri thức… đã trở thành thông lệ thì đường sách năm nay có thêm nhiều nét mới, tiêu biểu như việc dành một khu vực riêng để giới thiệu tư liệu hình ảnh về văn hóa, ngôn ngữ, nơi cư trú của 54 dân tộc anh em, trưng bày các tư liệu quý hiếm về chủ quyền biển đảo Việt Nam, triển lãm hình ảnh 54 dân tộc anh em cùng đoàn kết chung sức bảo vệ chủ quyền, biên giới…

Đường sách năm nay được tổ chức từ ngày 7-2 (27 tháng chạp) đến 13-2 (mùng 4 Tết) tại trục đường Mạc Thị Bưởi (từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ) qua Nguyễn Huệ (từ Mạc Thị Bưởi đến Ngô Đức Kế) và Ngô Đức Kế (đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ).

Theo dự trù, tổng kinh phí lễ hội “Đường sách” năm nay khoảng 3,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP chiếm 50%, phần còn lại được huy động từ các nguồn xã hội hóa.

... đến “Trái tim Việt Nam”

Đó là tên gọi chủ đề chính của đường hoa năm nay. Hình ảnh trái tim được tái hiện tại khu vực tượng đài Bác Hồ với 54 cột hoa đại diện cho 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam, mỗi dân tộc một màu hoa thể hiện nét đặc trưng riêng, tất cả kết thành hình trái tim bao quanh tượng Bác tượng trưng sự đoàn kết thống nhất của các dân tộc.

Năm nay, không gian đường hoa được chia thành 7 đại cảnh, trong đó điểm nhấn chính là 3 đại cảnh thể hiện 3 địa hình quan trọng của đất nước là vùng rừng núi, vùng đồng bằng và biển đảo.

Vùng rừng núi kéo dài từ đường Lê Lợi đến Mạc Thị Bưởi. Tại đây, những đặc trưng của miền núi rừng được tái hiện như rừng hoa, cầu vồng hoa, đàn tơrưng hoa, trống Paranưng hoa, cồng hoa, chiêng hoa… Vùng đồng bằng (Mạc Thị Bưởi - Ngô Đức Kế) là hình ảnh một hồ sen, việc đưa hồ nước vào giữa đường hoa những năm gần đây được xem là nét độc đáo của riêng đường hoa Nguyễn Huệ. Vùng biển đảo (Ngô Đức Kế - Tôn Đức Thắng) là nơi có diện tích lớn nhất đường hoa, rất thuận tiện tái hiện hình ảnh bao la hùng vĩ của biển khơi.

Ở đây, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng biển hoa, thuyền hoa, những xóm chài, ruộng muối… Điểm nhấn quan trọng nhất ở đại cảnh này là rừng cờ hội ngũ sắc phấp phới, trên mỗi lá cờ gắn các câu chúc và lời đón xuân, vừa thể hiện không khí ngày hội vừa là sự khẳng định chủ quyền, tự chủ của người dân Việt với vùng biển đảo quê hương.

Cũng như mọi năm, người dân đang rất tò mò, không hiểu việc tạo hình con giáp tiêu biểu sẽ như thế nào. Đây là một bài toán khó cho các nghệ nhân; con hổ, con rồng thì dễ tạo nhờ sự dũng mãnh; con heo, con mèo dễ thương, con trâu, con dê mộc mạc. Thế nhưng một số con khác thì khá phức tạp như con chuột hay con rắn của năm Quý Tỵ 2013.

Năm nay, linh vật của năm sẽ chào đón du khách với hình ảnh một đôi rắn tình nhân quấn vào nhau thể hiện mong ước một “Xuân yêu thương”, điều này càng thêm ấn tượng khi đúng dịp mùng 5 Tết cũng là ngày lễ Tình nhân (14-2). Đôi rắn sẽ được làm bằng chất liệu đặc trưng vỏ cừ tràm, đây là một hình ảnh quen thuộc của đường hoa, tạo hình linh vật bằng chất liệu truyền thống. Hai bên cổng vào đường hoa là hai cánh sen hồng khổng lồ, tạo ấn tượng mùa xuân rực rỡ.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục