* Bạn đọc mua hơn 2 tỷ đồng tiền sách tại đường sách dịp tết
Trước đây, nhắc đến tết cổ truyền, người ta thường nghĩ đến những bữa tiệc vui, những lễ hội xuân… mà ít khi nhắc đến sách. Có lẽ, trong tiềm thức nhiều người, ngày xuân không phải để dành cho chuyện đọc sách. Thế nhưng, vài năm gần đây, cùng với việc TPHCM mở ra “Đường sách”, văn hóa đọc ngày xuân đã dần trở thành một nét mới, góp phần đem đến sự đa dạng văn hóa cho ngày xuân.
Sôi động đường sách
Ghé vào đường sách chiều 29 Tết, thật ngạc nhiên khi đã là chiều cuối cùng của năm cũ, vậy mà đường sách vẫn đông người tham quan. Chị Hoàng Tố Oanh, Việt kiều Canada, đang ngồi đọc sách tại quán cà phê mở ngay đầu đường sách, cho biết: “Mọi năm về ăn tết quê hương, dạo đường hoa một lát là hết, hàng quán, nhà sách đều đóng cửa, ghé thăm người quen thì không tiện vì giờ này ai cũng bận nên toàn phải ngồi không trong phòng khách sạn. Mấy năm nay có đường sách, lại toàn sách hay nên tôi đều đến đây, xem như là một thú vui tao nhã ngày tết”. Chị Anh cũng cho biết thêm, ngồi đây một lát là gặp toàn bạn bè Việt kiều cũng ra đây tìm sách đọc.
Sáng mùng 1, đường sách đông đến bất ngờ, hỏi ra mới biết ngày đầu năm ngại xông đất nên nhiều gia đình đưa con ra đường hoa, đường sách. Đường hoa chụp ảnh xong là thôi, đến đường sách, những cô cậu bé bị cuốn vào các cuốn sách nên các bậc phụ huynh cũng hòa theo, tìm sách đọc cùng con nên không khí ở đây mang một hương vị khác đường hoa, lắng đọng hơn.
Mà khác mọi năm, năm nay những đơn vị tham gia đường sách như Fahasa, NXB Trẻ, Kim Đồng, Tổng hợp, Nhã Nam… có kinh nghiệm hơn sau 2 năm thực hiện đường sách. Sách trưng bày giới thiệu đều là những cuốn sách được tuyển chọn kỹ lưỡng của mỗi đơn vị. Ấn tượng nhất năm nay có lẽ phải kể đến tủ sách biển đảo. Đường sách nằm trên 3 con đường thì ngay mỗi đầu đường đều có một tủ sách cao hơn 2m, tạo hình theo cuốn sách “Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý - Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” của NXB Trẻ thực hiện với bìa đỏ rực cùng hàng chữ vàng chiếm gần trọn trang bìa. Tủ sách trưng bày gần như đầy đủ những bản sách về biển đảo hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để bạn đọc có dịp tiếp cận với nguồn kiến thức phong phú về chủ quyền biển đảo quê hương.
Trong 7 ngày đường sách hoạt động, đã có hơn 2 tỷ đồng tiền sách được bán ra. Theo ban tổ chức, ước tính có khoảng 20.000 lượt người đến với đường sách. Thế nhưng, con số này hoàn toàn mang tính chủ quan, thuần túy ước lượng theo số sách bán ra. Nhưng đến đường sách đâu chỉ có mua sách, với rất nhiều người, đến đường sách còn là để đọc sách, xem sách, coi hình ảnh, nghiên cứu bản đồ, sách xưa… Trên thực tế, số người thực sự đến đường sách tối thiểu cũng gấp 10 lần con số ban tổ chức đưa ra. Chỉ có thế mới giải thích được sự tấp nập đông vui của đường sách những ngày đầu xuân Quý Tỵ.
Nhộn nhịp online
Ngoại trừ nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ mở trọn vẹn 3 ngày tết thì hầu như không còn nhà sách nào hoạt động dịp này. Thế nhưng, đó là tính với hệ thống nhà sách truyền thống. Năm nay, còn có một hệ thống nhà sách khác vẫn hoạt động tấp nập dịp tết là hệ thống nhà sách bán sách điện tử (ebook) trên mạng. Các nhà sách lớn như sachweb của NXB Tổng hợp, Ybook của NXB Trẻ, Alezza… đều hoạt động sôi nổi, cung cấp cho bạn đọc một kênh phát hành sách quan trọng dịp tết.
Bạn đọc có nick wings trên diễn đàn ethuvien kể: “Tôi ở Quảng Trị, tết này trời mưa suốt, không khí giá rét ngại ra đường. Thế là lên mạng, đặt mua một loạt ebook, đưa về máy đọc trong dịp tết”.
Cùng với các đơn vị lớn vào cuộc, ebook năm nay phong phú về nội dung, đẹp và hoàn chỉnh về hình thức, nhất là khi đọc trên các thiết bị chuyên dụng. Đặc biệt là hình thức thanh toán đơn giản, thường là thông qua thẻ cào điện thoại nên rất tiện lợi cho người mua. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực phát hành, nếu không có gì biến động, năm 2013 sẽ là năm của ebook, dù chưa thể thay thế sách giấy nhưng đọc ebook sẽ trở thành một nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển văn hóa đọc trong nước.
| |
Tường Vy