Duy trì chăm lo trẻ em mồ côi, người neo đơn vì Covid-19

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động rất lớn đến kinh tế và đời sống người dân TPHCM. Hàng ngàn trẻ em đã trở thành trẻ mồ côi và nhiều người cao tuổi mất con, mất người trực tiếp nuôi dưỡng. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM đã có cuộc trao đổi với Báo SGGP về công tác chăm lo trẻ em mồ côi và người già neo đơn vì Covid-19.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM

- Phóng viên: Đến thời điểm hiện nay, TPHCM có bao nhiêu trẻ em mồ côi và người già neo đơn vì Covid-19?

Ông LÊ MINH TẤN: Trước hết, tôi xin được gửi lời chia sẻ với những đau thương, mất mát của người dân TPHCM, nhất là các gia đình có người thân qua đời vì Covid-19. Rất nhiều hoàn cảnh thương tâm khiến trái tim mỗi chúng ta thắt lại khi nghĩ đến các bé và các cụ. Đến nay, toàn thành phố có 637 người cao tuổi không có người thân, người chăm sóc; có 1.392 trẻ em (dưới 16 tuổi) và 600 thanh thiếu niên (16-18 tuổi) mồ côi vì Covid-19. Trong đó, có nhiều trẻ em mồ côi cả cha, mẹ hoặc từ nhỏ ở với ông bà và bây giờ ông bà cũng qua đời vì Covid-19. Có 67 bé dưới 2 tuổi, trong đó có 9 bé là trẻ sơ sinh, con của sản phụ mắc Covid-19 và tử vong khi sinh con...

- TPHCM có hướng chia sẻ, hỗ trợ, chăm lo như thế nào đối với các trẻ em mồ côi và người già neo đơn này?

TPHCM đang trợ cấp xã hội; các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, mạnh thường quân... cũng chung tay đùm bọc, chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ người cao tuổi neo đơn và trẻ mồ côi vượt qua khó khăn. Nhưng trước nỗi đau quá lớn, không ít trẻ em đối diện với sang chấn tâm lý, chưa ổn định tinh thần, rất cần được nuôi dưỡng, giáo dục, học hành. Không ít cụ cao tuổi giờ không còn người chăm sóc càng thêm cô quạnh cũng cần được sẻ chia, phụng dưỡng. Để chăm lo chu đáo và lâu dài, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức, các cơ sở bảo trợ xã hội đều thống kê, rà soát cụ thể hoàn cảnh các trường hợp. Sở LĐTB-XH TPHCM đang tham mưu xây dựng chương trình huy động nguồn lực hỗ trợ, chăm lo cho người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi do dịch Covid-19.

Thành phố nỗ lực đảm bảo tất cả người cao tuổi neo đơn và trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Dù vậy, thành phố cũng rất cần sự chung tay chăm lo cả vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng xã hội đối với các cụ già neo đơn, các trẻ mồ côi vì Covid-19, thông qua UBND phường, xã, thị trấn, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cấp cơ sở. Đến nay, có 215 trẻ được các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu từ 1-3 triệu đồng/tháng/trẻ, thời gian hỗ trợ từ 1 đến 15 năm.

Các ngành chức năng ở huyện Bình Chánh thăm hỏi, động viên trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 trên địa bàn huyện

- Nhiều trẻ em còn nhỏ tuổi, rất cần sự dìu dắt, chăm sóc trong hành trình dài sắp tới. Lộ trình chăm lo dự kiến ra sao, thưa ông?

Từ nay đến cuối năm 2021, TPHCM cố gắng hỗ trợ tất cả người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi vì Covid-19 đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng (380.000 đồng, 540.000 đồng và 900.000 đồng/người/tháng, tùy đối tượng); được hỗ trợ sữa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và học bổng tiếp sức đến trường… TPHCM cũng vận động mạnh thường quân, ngân hàng mở tài khoản cá nhân, sổ tiết kiệm cho các trẻ. Trẻ em là con của sản phụ mắc Covid-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27-4 đến ngày 30-9 sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/cháu; trẻ em mồ côi, trẻ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được hỗ trợ 2 triệu đồng/cháu từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Tiếp đó là các giải pháp hỗ trợ lâu dài. Trong năm 2022, người già neo đơn, trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, nhận học bổng, được hỗ trợ pháp lý… Từ năm 2023 trở đi, việc chăm lo, hỗ trợ sẽ tiếp tục được duy trì.

Sự chăm lo, hỗ trợ toàn diện cả tinh thần và vật chất nhằm góp phần ổn định tâm lý cho người cao tuổi, trẻ em để có thể tạo lập cuộc sống mới sau sang chấn. Riêng đối với trẻ em, sẽ chú trọng hỗ trợ chi phí học tập, trao học bổng hàng năm và dài hạn đến hết bậc phổ thông trung học, cao đẳng, đại học (đến năm 22 tuổi). Trẻ em được tư vấn, hướng nghiệp khi học hết bậc trung học cơ sở. Một vấn đề cũng rất cần được lưu tâm là bảo vệ pháp lý, nhất là hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em trong việc thừa kế tài sản như sổ tiết kiệm của cha, mẹ, con, người trực tiếp nuôi dưỡng; chủ quyền nhà, đất; xe và tài sản có giá trị khác.

- Nhiều cá nhân, tổ chức đang có tâm nguyện giúp đỡ, muốn nhận các trẻ mồ côi làm con nuôi, muốn nhận phụng dưỡng các cụ già neo đơn. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

Nghĩa cử của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp muốn giúp đỡ người già neo đơn và trẻ em mồ côi là rất đáng trân trọng. Các cụ già neo đơn và trẻ em mồ côi vì Covid-19 có thể được giải quyết chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi người thân (bác, chú, cô, cậu, dì…) hoặc cộng đồng trong tổ, ấp, làng xóm nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; hoặc việc cho nhận nuôi con nuôi hay chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội.

Đối với các cụ già, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức thành viên vận động nguồn lực phối hợp với Sở LĐTB-XH tổ chức nhận phụng dưỡng hàng năm đến trọn đời. Về việc cho nhận nuôi con nuôi, phải thực hiện theo Luật Nuôi con nuôi; Nghị định 19 quy định một số điều của Luật Nuôi con nuôi; Nghị định 24 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 19.

Để công tác chăm lo được chu đáo, kịp thời, công khai, minh bạch và đúng pháp luật, tất cả các hoạt động hỗ trợ của tổ chức, cá nhân thiện nguyện nhằm chăm lo cho người già neo đơn và trẻ em mồ côi vì Covid-19 phải thông qua sự quản lý, điều phối của UBND phường, xã, thị trấn. Trong chăm sóc sức khỏe tinh thần, Hội Người cao tuổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành đoàn TPHCM phối hợp với khoa tâm lý các trường đại học, các viện, các trung tâm tư vấn tâm lý thường xuyên thăm hỏi, động viên, tổ chức cuộc sống mới sau sang chấn cho người già neo đơn và trẻ em mồ côi.

Tin cùng chuyên mục