Còn khoảng 10 ngày nữa là kết thúc mùa cao điểm kinh doanh thị trường bánh Trung thu 2016. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, sức mua năm nay rất chậm. Tại nhiều điểm bán, người bán vẫn đông hơn người mua.
Quá yếu
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp (DN), chưa có năm nào sức mua chậm như năm nay. Chủ một cơ sở sản xuất bánh (đề nghị giấu tên) có thâm niên gần 50 năm cho biết, tại thời điểm này, cơ sở mới chỉ nhận được đơn hàng từ các đối tác là siêu thị, DN đạt khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, lượng bánh bán lẻ ra thị trường cũng rất thấp. Chủ cơ sở này tỏ ra rất lo lắng vì với mãi lực như hiện nay, nhiều khả năng DN sẽ “trắng tay” trong mùa Trung thu năm nay.
Tại một số DN có sản lượng bánh chi phối lớn trên thị trường, dù không công bố cụ thể tiến độ tiêu thụ nhưng nhìn vào các điểm bán trên các đường phố, có thể thấy rõ sức mua còn rất chậm. Anh Cường, chủ một điểm bán trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, cho hay, năm nay gia đình anh nhận làm đại lý cho 3 thương hiệu bánh là Kinh Đô, Đồng Khánh và Như Lan. Số tiền ứng trước cho các DN cũng đã được giao dịch, số bánh đặt hàng cũng đã dần chuyển vào kho nhưng đến nay người mua vẫn vắng hoe. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm trước, lượng bánh bán ra đã đạt tới 70% so với đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất.
Theo phân tích của một chuyên gia thị trường, sức mua bánh Trung thu chậm là do các DN đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do những tháng đầu năm 2016, DN phải chịu thêm khá nhiều chi phí phát sinh như mức chiết khấu hàng hóa cho các nhà phân phối tăng thêm từ 3% - 5%, phí vận chuyển và phí lưu kho tăng, đặc biệt là mức tăng tiền lương vùng ở mức bình quân 12,4% kể từ ngày 1-1-2016 khiến các DN phải thận trọng nhiều hơn trong việc chi tiêu.
Thị trường bánh Trung thu 2016 không nhộn nhịp Ảnh: THÀNH TRÍ
Ông Đ.V.D., Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Tiến, cho biết, những năm trước công ty đều đặt mua bánh cho cán bộ nhân viên, với đơn giá mỗi hộp bình quân là 350.000 đồng, nhưng năm nay, kinh doanh khó khăn, các đối tác thanh toán quá chậm, cộng với nhiều khoản chi phí khác tăng thêm nên công ty có thể cắt khoản chi cho bánh Trung thu. Tương tự, Phó Tổng biên tập một tờ báo lớn tại TPHCM, cũng cho hay, năm nay tòa soạn đã tổ chức cho anh em đi nghỉ mát nên không còn khoản nào chi cho bánh Trung thu. Nếu tòa soạn không mua bánh cho con em trong cơ quan, cũng đồng nghĩa năm 2016 là năm đầu tiên bánh Trung thu đã bị loại ra khỏi bảng chi tiêu của đơn vị này.
Thêm nhiều loại bánh mới
Bất chấp sức mua chậm, thị trường bánh Trung thu năm nay vẫn không ngừng xuất hiện các loại bánh mới. Cụ thể, với thương hiệu bánh Trung thu Thành Long, đều đặn trong 3 năm gần đây đều nỗ lực đưa ra thị trường các loại bánh mới, lạ, độc đáo, như bánh nhân cà phê hạnh nhân, thập cẩm trái cây sấy, nhân xoài, dâu, chocolate, đậu xanh và hạt chia... bên cạnh các loại bánh Trung thu truyền thống như bánh nhân vi cá gà quay, kim tước sốt rượu rum, trà xanh, hạnh nhân... Thế mạnh của Thành Long là nhà sản xuất các loại mứt sấy dẻo nổi tiếng tại TPHCM nên DN này đã không ngừng sáng tạo, kết hợp các loại trái cây với các loại hạt để tạo ra các loại bánh có hương vị độc đáo. Ngoài ra, Thành Long cũng sản xuất dòng bánh tươi, không dùng chất bảo quản nhưng vẫn giữ nguyên hương vị vốn có của từng loại bánh. Mặt khác, Thành Long cũng không ngừng làm mới, thông qua việc cải tiến các loại bao bì ngày càng đẹp mắt, sang trọng.
Mặc dù không đưa ra nhiều loại bánh mới, chỉ dừng ở một số bánh nấm đông cô sốt rượu rum, khoai môn hạt sen, đậu đỏ kiểu Nhật, lạp xưởng ngũ hạt nhưng Công ty Mondelez Kinh Đô lại thực hiện đa dạng hóa các loại bánh, với 4 dòng bánh khác nhau và 62 loại bánh, có mức giá dao động từ 35.000 đồng/cái đến loại cao cấp nhất là 460.000 đồng/cái, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Dòng sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, Kinh Đô đã cải tiến với công thức giảm ngọt, sử dụng các loại củ hạt thơm ngon như hạnh nhân, hạt sen, củ năng; các loại mứt như mứt bí, chanh, gừng, tắc… Ở dòng sản phẩm bánh Trung thu xanh, chế biến từ 100% thành phần thực vật tự nhiên, sử dụng đường Isomalt và Maltitol, thích hợp cho người ăn chay và ăn kiêng. Kinh Đô cũng chú trọng phát triển dòng bánh thiếu nhi với bánh heo vàng nhân phô mai và bánh cá vàng nhân dâu….
Công ty Bibica cũng đưa ra thị trường khoảng 550 tấn bánh, tăng 11% sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái trên 50 chủng loại với 3 dòng chính là bánh cao cấp, bánh dinh dưỡng và bánh truyền thống. Giá bánh của Bibica cũng dao động từ 37.000 - 140.000 đồng/cái phục vụ cho nhiều phân khúc khác. Đối với các dòng bánh sang trọng, cao cấp, giá từ 370.000 - 1.300.000 đồng/hộp. Bánh của Bibica đang được bán tại hơn 500 gian hàng và 12.000 điểm bán trên toàn quốc.
Nhằm lưu giữ những nét đẹp của Tết Trung thu, năm nay Bibica đã đầu tư thiết kế thực hiện 8 mẫu lồng đèn lắp ghép bằng giấy có hình cá chép, thiên nga, bươm bướm, con ngựa, con gà, chiếc tàu… để làm quà tặng cho mùa Trung thu 2016. Với món quà này, Bibica mong muốn các bé có một món đồ chơi lắp ghép bổ ích, giúp bé phát triển tư duy và sáng tạo hơn.
Với nhiều thương hiệu khác, xu hướng sản xuất với nguyên liệu tươi, ngọt vừa phải hoặc sử dụng đường ăn kiêng đang được áp dụng khá phổ biến.
| |
HẢI HÀ