E ngại sức mua!

Còn đúng 3 tháng nữa là đến Tết Ất Mùi 2015. So với năm ngoái, năm nay Tết Nguyên đán đến muộn hơn Tết Dương lịch 1 tháng và 18 ngày. Dù vậy, các doanh nghiệp (DN) vẫn chuẩn bị hàng hóa từ rất sớm, đặc biệt là các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đã tăng khả năng cung ứng bình quân 62,92% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 79,51% so với kết quả thực hiện Tết Giáp Ngọ 2014, nhiều mặt hàng chuẩn bị lượng lớn chi phối từ 30% - 60% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (63,4%), dầu ăn (65,5%), đường (57,7%), thực phẩm chế biến (52,7%), trứng gia cầm (42,3%), thịt gia súc (29%), hiện nay xu hướng tiêu dùng đã có sự thay đổi khẩu phần sử dụng nhiều về mặt hàng rau, củ, quả do đó lượng hàng chuẩn bị tăng trên 121,1%...

Mùa tết năm nay cũng là năm thứ 2 TPHCM chuyển hẳn việc điều tiết và thực hiện chương trình bình ổn thị trường sang cơ chế thị trường. Ở đó, các DN và ngân hàng có thể kết nối để cùng thực hiện, còn Nhà nước chỉ đóng vai trò là “bà đỡ”. Ngoài tổng vốn các ngân hàng dành cho chương trình bình ổn là 8.300 tỷ đồng, tăng 6.340 tỷ đồng so với năm 2013, hiện một số ngân hàng tiếp tục dành các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ tiểu thương và các hợp tác xã nông nghiệp.

Với nguồn vốn này, nhiều đơn vị nhận định, họ đang có rất nhiều lợi thế để phát triển sản xuất kinh doanh, còn các ngân hàng cũng sẽ sẵn sàng thực hiện giải ngân cho các hợp đồng vay theo dạng tín chấp, tạo điều kiện tốt nhất cho DN chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường tết.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ năm ngoái, sức mua tăng quá thấp so với số lượng dự trữ hàng hóa của DN, năm nay nhiều DN tỏ ra e ngại và thận trọng hơn trong việc thực hiện kế hoạch. Điều này là thực tế, bởi lẽ chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ khép lại năm 2014 nhưng tại nhiều DN đã không đạt được một số chỉ tiêu cơ bản cả về tăng doanh thu và lợi nhuận.

Tại một số DN “có máu mặt” của TP, kết quả phổ biến nhất trong hoạt động 10 tháng qua là doanh thu có tăng nhưng lợi nhuận không tăng, thậm chí còn giảm. Nhìn từ hệ thống các siêu thị, TTTM liên tục tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm giá triền miên, có thể thấy được sự e ngại về sức mua của các DN là có cơ sở. Còn tại các chợ truyền thống, tình trạng sức mua ngày càng sụt giảm, đã tác động mạnh đến tâm lý chuẩn bị hàng tết của tiểu thương.

Trở lại với việc chuẩn bị hàng tết, mặc dù các DN có sự chủ động trong sản xuất và chăn nuôi, tình hình thời tiết đang có nhiều lợi thế để phát triển tổng đàn nhưng các DN vẫn canh cánh nỗi lo “được mùa, mất giá” cùng với sức mua mùa tết vẫn còn là ẩn số. Do vậy, nhiều DN mong muốn các sở, ngành cần theo dõi và nắm bắt sát diễn biến thị trường, từ đó có những phân tích, đánh giá để triển khai, hỗ trợ các thành phần kinh tế chuẩn bị hàng hóa phù hợp và kịp thời.

Về cơ cấu các nhóm hàng, đặc biệt là hàng đặc trưng cho mùa mua sắm tết, nên căn cứ vào kết quả tiêu dùng của năm trước, từ đó xây dựng kế hoạch sát thực, tránh tình trạng dự trữ quá nhiều trong khi mức cầu không tăng nhiều. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần có những công cụ để kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh lưu chuyển hàng hóa.

Trước tình hình này, tại cuộc họp triển khai chuẩn bị hàng tết, diễn ra vào trung tuần tháng 11-2014, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cũng yêu cầu các sở, ngành chức năng cần xây dựng một kế hoạch thật chi tiết, trong đó cần có sự nắm bắt sát từ nhu cầu tiêu dùng thực tế của người dân đối với từng nhóm ngành hàng, từ đó cân đối khả năng cung - cầu hàng hóa, tránh tình trạng dư thừa hàng hóa, gây lãng phí cho DN.

Bằng những điều đã nói, có thể thấy, việc chuẩn bị hàng hóa tết tại TPHCM đang được phối hợp thực hiện khá tốt giữa các sở, ngành và DN. Nỗi lo của các DN cũng chính là sự trăn trở của lãnh đạo TP. Mọi dự báo về thị trường, sức mua cũng chỉ ở mức tương đối, chỉ có sự chuẩn bị thật chu đáo, đầy đủ mới có thể đảm bảo cho DN một mùa kinh doanh tết thành công, còn người dân được hưởng một tết an lành.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục