“Em rất muốn đến trường!”

Thời điểm đạo luật Quyền của trẻ em được giáo dục miễn phí từ độ tuổi từ 6-14 (RTE) của Ấn Độ chính thức có hiệu lực vào những ngày đầu tháng 4, cô bé Dimple Yadav, 11 tuổi, vẫn phải thức dậy lúc 4 giờ 30 phút sáng. Mí mắt nặng trĩu vì buồn ngủ, em bắt đầu lau nhà (căn nhà cách trung tâm thủ đô New Delhi khoảng 40 km). Sau đó, em pha trà, chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình rồi tắm rửa, mặc quần áo và cho hai đứa em nhỏ 5 tuổi và 7 tuổi ăn. Em đưa chúng tới trường và cũng tự mình đi đến lớp. Và cũng như mọi ngày, em uể oải ngồi vào lớp học, mơ mơ màng màng nghe bài giảng của thầy cô vì quá mệt. 

Dimple không phải là trường hợp cá biệt trong số hàng triệu trẻ em gái Ấn Độ đang trong độ tuổi đi học. Chuyện này vẫn thường xảy ra trong các gia đình có đông con tại nước này. Trẻ em gái sẽ được ba mẹ giao nhiệm vụ làm việc nhà, trông em cho dù có đi học hay không. Bên cạnh đó, do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, thay vì được đi học, nhiều em nhỏ phải đi làm để góp phần ít ỏi trang trải chi tiêu cho gia đình. Thậm chí nhiều người sống ở vùng nông thôn từ chối cho con mình đi học, trường hợp này thường rơi vào các em gái, vì họ cho rằng phụ nữ chỉ nên lo việc nhà. Ước tính ở Ấn Độ hiện có khoảng 8 triệu trẻ em gái từ 6-14 tuổi không được đến trường. 

Với Dimple, việc đến trường hiện nay tùy thuộc rất nhiều vào ba mẹ, cho dù em có được đi học miễn phí hay không. Và em, cũng như hơn 50% trẻ em gái tại Ấn Độ vẫn không thể với tay tới việc nâng cao trí thức chỉ vì cuộc sống gia đình khó khăn và quan niệm cũ. Đó cũng là lý do tại sao, hàng năm, tại Ấn Độ lại có 25% số lượng học sinh nữ từ 6 đến 10 tuổi phải bỏ học, con số này tăng lên gấp đôi ở độ tuổi 10 đến 13.

Goswami, một giáo viên tiểu  học ở New Delhi than thở: “Đạo luật có thể đưa các em đến trường, nhưng chúng tôi sẽ giữ các em ở lại như thế nào đây, đặc biệt là các em gái”. Thực trạng không mấy khả quan về việc phổ cập giáo dục khi đạo luật giáo dục mới tại Ấn Độ chính thức bắt đầu cho thấy, không phải “miếng bánh miễn phí” nào cũng được người dân đón nhận.

RTE là một đạo luật hữu ích, vì sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển ngành giáo dục đang trong thời kỳ mở cửa giáo dục của Ấn Độ. Đạo luật cũng đã đưa Ấn Độ vào danh sách 130 nước chú trọng phát triển giáo dục nhất trên thế giới khi xây dựng một nguồn quỹ riêng để cung cấp hệ thống giáo dục miễn phí cho trẻ em. 

Thời gian đầu, đạo luật đã phát huy được hiệu quả là góp phần đưa thêm hàng triệu trẻ em đến trường, nhưng thời gian sau nó buộc phải nhường chỗ cho những quan niệm cũ đã ăn sâu trong tiềm thức của một xã hội còn có sự phân biệt đẳng cấp, giới tính như Ấn Độ. Vì vậy các nhà giáo dục cho rằng một đạo luật về giáo dục cũng cần góp phần thay đổi những quan niệm cũ, lạc hậu.

THANH HẰNG (Theo TIME) 

Tin cùng chuyên mục