EU còn bất đồng về Nga

Italy và Hungary đề xuất Liên minh châu Âu (EU) công khai kêu gọi ngừng bắn tại Ukraine và tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Nga. Trong khi đó, nhiều thành viên khác giữ quan điểm cứng rắn với Moscow ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU (ngày 30 và 31-5). 
Lực lượng an ninh Tây Ban Nha canh giữ chiếc du thuyền Tango của một nhà tài phiệt Nga neo đậu tại Mallorca
Lực lượng an ninh Tây Ban Nha canh giữ chiếc du thuyền Tango của một nhà tài phiệt Nga neo đậu tại Mallorca

Bên mềm, bên cứng

Tại hội nghị các đại sứ EU mới đây, Italy đã đề nghị thay đổi nội dung dự thảo tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh, trong đó đề nghị nhắc đến hòa đàm và coi ngừng bắn là một trong những mục tiêu hàng đầu của EU. Đề nghị này nhận được sự ủng hộ của Hungary và Cyprus, những nước không đồng tình với gói trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga. Hungary phản đối kế hoạch cấm vận khí đốt, còn Cyprus lo ngại về kế hoạch cấm bán tài sản cho công dân Nga. Trước đó, Italy cũng đề xuất một kế hoạch hòa bình, trong đó Liên hiệp quốc (LHQ), EU và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đóng vai trò tạo điều kiện dàn xếp một lệnh ngừng bắn.

Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) vừa qua, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đã thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Nga và không đề cập gì đến hòa đàm. Các nước Baltic và Ba Lan nằm trong số những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất quan điểm cứng rắn trên. Latvia thậm chí kêu gọi tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. EC cũng đề xuất tịch thu tài sản của hơn 1.000 nhà tài phiệt Nga, những người trong danh sách vi phạm lệnh trừng phạt của EU. Để được thông qua, dự thảo cần được toàn bộ 27 nước thành viên EU nhất trí. 

Xem xét thận trọng

Trước đề xuất đàm phán hòa bình của một số thành viên EU, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow sẽ xem xét thận trọng những đề nghị của phương Tây về việc tái thiết lập quan hệ để đánh giá việc này có cần thiết hay không. Theo ông Lavrov, trước sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã nỗ lực tìm cách thay thế các nguồn hàng nhập khẩu từ các nước này. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, Moscow phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung của phương Tây để đảm bảo phát triển một số lĩnh vực tối quan trọng như an ninh, kinh tế hoặc xã hội và trong tương lai, Nga sẽ thúc đẩy quan hệ với các nước đáng tin cậy. Mục tiêu của Nga hiện nay là tiếp tục phát triển các mối quan hệ với Trung Quốc và tin tưởng quan hệ kinh tế song phương sẽ phát triển nhanh hơn. Bên cạnh việc tạo ra nguồn thu ngân sách trực tiếp, Moscow cho rằng đây là cơ hội để phát triển các vùng cực Đông của Nga và vùng Siberia ở phía Đông.

Hãng Sputnik dẫn nhận định của nhà khoa học chính trị Alexandr Dudchak cho rằng, những đề xuất về hòa bình của một số thành viên EU có tính thời sự trong khoảng năm 2015-2016, thậm chí vào năm 2020 hoặc 2021. Tuy nhiên, tất cả những điều đó hiện đã không còn phù hợp, không còn tính thời sự khi tình hình thực tế đã thay đổi. “Các nước phương Tây đã kiếm cớ để áp đặt trừng phạt chống chúng tôi, dùng đủ cách thức để tịch thu tài sản của chúng tôi. Kết quả là bản thân châu Âu rơi vào tình thế khó khăn và dường như họ đã tỉnh ngủ”, ông Dudchak nói. Vị chuyên gia này lưu ý đến đề xuất sớm chấm dứt hoạt động chiến sự của một số nước thành viên EU. “Hãy dừng hoạt động chiến sự, rồi sau đó chúng ta sẽ đàm phán. Chiến thuật này không có tác dụng bởi trong thời gian đàm phán như đề xuất, nhiều khả năng họ sẽ lại bơm đầy vũ khí cho Ukraine”, ông Dudchak bày tỏ sự nghi ngờ.

Tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) ngày 24-5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định, các lực lượng vũ trang liên bang Nga sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, bất chấp sức ép và sự hỗ trợ mà Kiev nhận được từ các nước phương Tây.

Tin cùng chuyên mục