EU đạt “thành công lịch sử” về người di cư

Sau nhiều năm đình trệ do các ý kiến bất đồng nội khối, 27 nước Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được thỏa thuận cho phép các quốc gia thành viên chia sẻ việc tiếp nhận số người xin tị nạn hoặc đóng góp cho một quỹ chung do EU quản lý để chăm sóc người di cư.

Nhiều lựa chọn

Theo thỏa thuận, tất cả các đơn xin tị nạn đều được xử lý tối đa trong vòng 6 tháng và nếu người nộp đơn không có cơ hội được tị nạn ở EU, sẽ bị trả về ngay lập tức.

Theo EuroNews, hạn ngạch tái định cư được đặt ở mức 35.000 người cho toàn bộ khối. Các quốc gia không sẵn sàng tiếp nhận những người xin tị nạn sẽ phải đóng một khoản hỗ trợ tài chính lên tới 20.000 EUR/người vào một quỹ do EU quản lý để hỗ trợ người di cư. Ngoài ra, các nước này sẽ phải hỗ trợ nhân sự, tài chính và trang thiết bị cho những nước tiếp nhận.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy giải cứu gần 1.500 người di cư và người tị nạn trên những con thuyền gặp nạn ở biển Ionian. Ảnh: Arab News

Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy giải cứu gần 1.500 người di cư và người tị nạn trên những con thuyền gặp nạn ở biển Ionian. Ảnh: Arab News

Nhiều năm qua, các nước EU vẫn đổ lỗi cho nhau trong việc xử lý vấn đề người di cư. Do đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Nancy Faeser gọi thỏa thuận này là “thành công lịch sử” đối với lục địa già.

EU đã nhận được hơn 962.000 đơn xin tị nạn vào năm 2022, con số cao nhất kể từ năm 2016. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023, hơn 80.000 người di cư đã đến EU bên ngoài các cửa khẩu thông thường, tăng 30% so với năm 2022. Tuy nhiên, theo bà Ylva Johansson, Ủy viên EU về các vấn đề nội vụ, vấn đề gửi trả người xin tị nạn bị từ chối về đâu vẫn là vướng mắc lớn nhất trong các cuộc đàm phán và cần phải được xem xét thêm.

Dự báo lượng người di cư tăng cao

Báo cáo của Liên hiệp quốc cho thấy, năm 2022 có gần 160.000 người vượt biên bằng đường biển vào EU. Theo báo cáo mới nhất, trong 4 tháng đầu năm 2023, số vụ bắt giữ người di cư dọc tuyến đường Trung Địa Trung Hải đã tăng 28% lên gần 42.200 vụ.

Tính từ đầu năm nay, số người di cư qua Trung Địa Trung Hải chiếm hơn một nửa số lượt nhập cảnh bất hợp pháp vào EU. Ngoài ra, các vụ vượt biên trái phép qua Địa Trung Hải trong 4 tháng đầu năm đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, đánh dấu mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 2009.

Lượng người di cư được dự báo tiếp tục tăng khi thời tiết khu vực Địa Trung Hải trở nên ấm áp hơn trong giai đoạn chuyển giao từ mùa xuân sang hè. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thời tiết thuận lợi không phải là lý do duy nhất cho sự gia tăng lượng người di cư. Khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, bạo lực và xung đột gia tăng, là những nguyên nhân chính khiến nhiều người dân ở Libya, Tunisia, Bờ Biển Ngà, Guinea, Pakistan... bỏ quê hương đi tìm miền đất mới.

Các quốc gia như Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp và Bulgaria, nằm trên biên giới trên biển và đất liền của EU, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng di cư. Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch hành động của EU nhằm quản lý các tuyến đường Tây Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, những tuyến vượt biên phổ biến của người di cư bất hợp pháp.

Đây là kế hoạch có tầm quan trọng đặc biệt đối với những quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng nhập cư quy mô lớn, không thể kiểm soát, như Tunisia - một cửa ngõ cho người châu Phi di cư đến châu Âu và đang phải đối mặt với những bất ổn ngày càng tăng.

Tin cùng chuyên mục