Tờ Financial Times ngày 3-7 đưa tin, Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán châu Âu (ESMA) đã vào cuộc điều tra 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm có tiếng Standard & Poor’s (S&P), Fitch và Moody’s. Mục đích nhằm làm rõ cách thức, cơ sở mà những tổ chức trên dùng để đánh giá một thể chế, tổ chức tài chính, bảo đảm tính khách quan, minh bạch.
EU ra tay
Standard & Poor’s (S&P), Fitch và Moody’s là 3 cơ quan xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới. Từ năm 2008, khi kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, nhu cầu tìm hiểu thông tin về sức khỏe tài chính của một tổ chức, bộ máy doanh nghiệp là điều cần thiết trước khi một chủ thể quyết định đầu tư. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế có tác động mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực với diễn biến phức tạp thì dường như, những đánh giá và dự báo của những cơ quan trên không còn phản ánh đúng hoàn toàn tính chất thị trường.
Ông Steven Maijoor, Chủ tịch ESMA cho biết, cuộc điều tra dự kiến kéo dài đến cuối năm 2012, xoáy mạnh các vấn đề nghiệp vụ của 3 cơ quan trên, để có kết luận về mức độ tin cậy chứ không phải là đợt xếp hạng lại cho các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tuyên bố sẽ tìm cách hạn chế tầm ảnh hưởng của Moody’s, S&P và Fitch. Cụ thể, họ kêu gọi EC thành lập một hãng xếp hạng tín nhiệm độc lập để cạnh tranh với ba “đại gia” trên.
Một nghiên cứu mà Đại học Arizona công bố trên tạp chí Accounting and Economics (Mỹ) cho rằng, khi sức ép của cơ quan quản lý và dư luận lên các tổ chức này tăng thì họ mới cải thiện tính nghiêm túc, chính xác khi đưa ra đánh giá. Nghĩa là, trước đó họ đã cung cấp dịch vụ thiếu chất lượng.
“Đại gia” xếp hạng không dự báo được khủng hoảng
Ngày 21-6 vừa qua, Moody’s gây sốc thế giới bằng việc hạ mức tín nhiệm 15 ngân hàng lớn nhất thế giới (gồm 9 ngân hàng của châu Âu, 5 ngân hàng của Mỹ và 1 của Canada). Hầu hết các ngân hàng đặt dấu hỏi về cách thức đánh giá của Moody’s. Đại diện Morgan Stanley cho rằng, việc đánh giá này không phản ánh đầy đủ chiến lược mà ngân hàng đã thực hiện trong vài năm trở lại đây. Citigroup cho rằng việc hạ tín nhiệm ngân hàng này chỉ xuất phát từ thái độ độc đoán của cơ quan trên.
Ngày 7-6 vừa qua, Fitch thông báo có thể hạ bậc tín nhiệm của Mỹ vào năm 2013 nếu Washington không đưa ra được những kế hoạch cụ thể nhằm thắt chặt tài khóa và giải quyết thâm hụt ngân sách. Năm ngoái, Standard & Poor’s đánh tụt mức tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống còn AA+. Sau đó, các chính khách và nhà đầu tư đã chuyển sự chỉ trích từ chính quyền Tổng thống Mỹ B.Obama sang Standard & Poor’s. Họ gọi việc xếp hạng này là âm mưu chính trị của phong trào “Tea Party” (vốn quy tụ nhiều đảng viên Cộng hòa – những người ủng hộ việc cắt giảm thuế và chi tiêu công…) thay vì mục đích ổn định tài chính Mỹ.
Tờ Guardian đã chỉ ra những hạt sạn trong các đánh giá của S&P, Moody’s và Fitch. Các cơ quan trên đã rất nhiều lần đưa ra những đánh giá và dự báo sai lầm không thể chấp nhận, như không dự báo được khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1999, vụ của tập đoàn Enron (nộp đơn xin phá sản hồi năm 2001 sau 4 ngày được xếp hạng tín nhiệm ở mức tốt), suy thoái bất động sản ở Mỹ, sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers và khủng hoảng nợ châu Âu. Tháng 12-2009, Moody’s còn ra báo cáo khẳng định sự lo ngại của giới đầu tư đối với tình hình tài chính Hy Lạp là không có cơ sở!
Ủy ban châu Âu (EC) đã lập ra ESMA đầu năm 2011 nhằm giám sát các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. ESMA sẽ có quyền đình chỉ hoặc ngừng sử dụng tạm thời xếp hạng tín nhiệm của các cơ quan mình phụ trách nếu các cơ quan này vi phạm quy định của EU. ESMA cũng có quyền đề nghị EC phạt các cơ quan xếp hạng tín nhiệm nếu họ cố ý hoặc vô tình vi phạm quy định của EU. |
NHƯ QUỲNH