Theo AP, ngày 11-2 tới, các bộ trưởng tài chính của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sẽ có cuộc họp bất thường tại Brussels, Bỉ, để bàn về căng thẳng liên quan đến các khoản nợ của Hy Lạp.
Tuần hành ủng hộ chính phủ mới tại Athens
Đe dọa kinh tế toàn cầu
Chủ tịch nhóm eurogroup, bao gồm các bộ trưởng tài chính của 19 nước thành viên eurozone, ông Jeroen Dijsselbloem, cho biết đây sẽ là cơ hội đầu tiên để Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yaris Varoufakis chính thức yêu cầu các đối tác Liên minh châu Âu (EU) giảm nợ cho nước này, cũng như chấm dứt các chính sách khắc khổ theo gói cứu trợ quốc tế. Cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng tài chính eurozone diễn ra chỉ một ngày trước cuộc họp thượng đỉnh EU cũng diễn ra tại Brussels.
Hiện chính phủ cánh tả do đảng Syriza nắm quyền tỏ ra cứng rắn hơn và quyết nói không với những chính sách khắc khổ do EU áp đặt. Sau khi lên nắm quyền hồi cuối tháng 1 vừa qua, chính phủ cánh tả ở Hy Lạp đã yêu cầu các đối tác EU giảm gánh nặng nợ cho nước này, hiện đã lên tới 175% GDP của Hy Lạp. Ngoài ra, Hy Lạp cũng yêu cầu bộ ba chủ nợ quốc tế, gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đàm phán lại các điều khoản của gói cứu trợ trị giá 240 tỷ EUR dành cho nước này từ năm 2010.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yaris Varoufakis khẳng định không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào trong cuộc họp tới tại Brussels. Dự kiến, Hy Lạp sẽ đề nghị một thỏa thuận bắc cầu giúp cho nền tài chính nước này tiếp tục vận hành cho tới khi Athens có thể đưa ra một chương trình cải cách và mức nợ mới.
Trước những diễn biến tại Hy Lạp, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cảnh báo bất đồng giữa Hy Lạp và phần còn lại của eurozone sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hành động có trách nhiệm.
Dùng Nga làm đối trọng
Trong ngày 7-2, Chính phủ mới của Hy Lạp nhóm họp sau khi có Quốc hội mới. Một trong những vấn đề trọng tâm là giải quyết các khoản nợ của Hy Lạp. ECB vừa ra quyết định từ ngày 11-2 tới sẽ không cho phép Hy Lạp tiếp tục sử dụng trái phiếu chính phủ làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay, qua đó hạn chế khả năng tiếp cận vốn của quốc gia này.
Quyết định này đưa Ngân hàng Trung ương Hy Lạp (BoG) vào thế khó khi phải tự xoay xở để cung cấp tiếp cho hệ thống ngân hàng đang “khát vốn” của nước này. Hiện Hy Lạp vẫn chưa thoát khỏi cảnh nợ nần, với số nợ trên 350 tỷ USD. Nước này còn nợ ECB 27 tỷ EUR (tương đương 30 tỷ USD).
Trước thềm diễn ra phiên họp của chính phủ, lần đầu tiên sau thời gian rơi vào khủng hoảng nợ công, hàng ngàn người dân xuống đường ủng hộ chính sách chống khắc khổ của Athens, phản đối quyết định của ECB. Họ cho rằng chính phủ mới đang đi đúng hướng khi có thể cứu được hơn 1 triệu người thất nghiệp tại quốc gia này.
Hiện nay, Hy Lạp đang đối đầu với EU khi tìm cách xích lại gần Nga. Bước đi này được cho là một phần trong chiến lược của Athens trong các cuộc đàm phán sắp tới với các chủ nợ. Athens hiểu rằng, các cuộc đàm phán sẽ rất khó khăn vì hầu hết chính phủ và các thể chế trong EU phản đối xóa thêm nợ cho Hy Lạp.
Vì lẽ đó, Hy Lạp đang tìm cách sử dụng càng nhiều đòn bẩy càng tốt để đàm phán, trong đó có việc thể hiện mối quan hệ tốt đẹp với Nga, điều mà EU không mong muốn đối với Athens. Ngoài ra, việc giữ mối quan hệ tốt đẹp với Mátxcơva cũng đóng vai trò quan trọng với Athens nếu không may bị buộc phải rời khỏi eurozone.
THANH HẰNG (tổng hợp)