
Kể từ ngày Quốc tế Lao động 1-5, nước Pháp chính thức mở cửa thị trường việc làm chào đón nguồn lao động đến từ 8 nước Đông Âu là Estonia, Litva, Latvia, Ba Lan, CH Czech, Slovakia, Hungary và Slovenia.

Nguồn lao động nhập cư
Sự kiện này có ý nghĩa lớn vì cho đến thời điểm này, nhân công Đông Âu hầu như chưa vào được thị trường lao động Pháp. Công dân 8 quốc gia kể trên sẽ được tiếp cận 61 ngành nghề thuộc 7 lĩnh vực kinh tế ở Pháp, hiện đang rất khó khăn trong khâu tuyển dụng (xây dựng và công việc công cộng, khách sạn-nhà hàng-thực phẩm, nông nghiệp, cơ khí, thương mại, công nghiệp vận chuyển và bán hàng).
Có thực tế là trong Liên minh châu Âu (EU) hiện nay, 12 trong số 15 thành viên cũ của liên minh đều áp dụng những quy định lao động khắt khe, do sợ làn sóng nhập cư ồ ạt. Chỉ 3 nước Anh, Thụy Điển và Ireland là những nước đã mở cửa đón nhận lao động Đông Âu kể từ ngày họ gia nhập EU (hồi tháng 5-2004). Nhưng nay thì Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Phần Lan cũng tuyên bố sẽ dỡ bỏ hết các quy định hạn chế lao động Đông Âu. Chỉ có 2 nước là Đức và Aùo do phải đối diện với thực tế là vị trí địa lý gần nhau, dễ tạo điều kiện cho dân lao động qua lại nên quyết định giữ nguyên nội quy khắt khe ban đầu. Một số nước khác, như Đan Mạch, Italia, tuy khẳng định chưa bỏ hoàn toàn các quy định nhưng cũng nhắc đến việc giảm nhẹ nhằm mở rộng hơn nữa thị trường việc làm.
Việc các nước trên chấp nhận mở rộng cửa đón chào những thành viên mới khiến Ủy ban châu Âu thở phào. Quả thật, theo phát ngôn viên EC K.Von Schnurbein, chỉ cách đây vài tháng, không ai có thể mơ tới một kết quả như vậy. Hồi tháng 2 vừa qua, Cao ủy Việc làm châu Âu V.Spidla đã phải ra sức thuyết phục các nước nên mở rộng cửa tối đa.
Viện dẫn tấm gương của 3 quốc gia tiên phong, ông Spidla khẳng định nhân công từ Đông Âu sẽ không khiến lao động trong nước thất nghiệp mà ngược lại, chỉ giúp nền kinh tế của “châu Âu cũ” thêm năng động. Hơn nữa, những quy định quá khắt khe đôi khi lại phản tác dụng vì nó sẽ tạo ra tình trạng “lao động lén lút” tràn lan, tăng phân biệt đối xử, bất công trong trả lương…
Những điều trên cho thấy các nước trong liên minh đã dần gạt bỏ những toan tính riêng để tiến đến lợi ích chung, cùng giúp nhau tiến bộ. Nói như bà C.Passchier thuộc Liên minh nghiệp đoàn châu Aâu, chấp nhận mở cửa thị trường cho các nước thành viên, thị trường lao động EU sẽ không có công dân thế hệ 2 hoặc thế hệ 3, nhờ được hưởng tiêu chí bình đẳng về đối xử, điều kiện làm việc và các hệ thống xã hội. Hơn nữa, đó cũng là một cách kiểm soát hữu hiệu lao động bất hợp pháp đến từ các quốc gia khác.
Việt Khuê (Theo Libération, AFP)