Trong năm 2019, EU đã xuất khẩu 1,5 triệu tấn rác thải nhựa, chủ yếu sang Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Á. Quy định mới vẫn cho phép xuất khẩu phế phẩm nhựa sạch đi tái chế sang các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), nhưng chỉ được phép thực hiện nếu tuân thủ các điều kiện mà nước nhập khẩu đặt ra.
Đối với những nước không cung cấp thông tin về quy định pháp lý của họ thì EU sẽ ngừng cấp phép cho hoạt động xuất khẩu này. Tuy nhiên, việc xuất khẩu rác thải nhựa chưa phân loại từ EU sang các nước không phải là thành viên thuộc OECD bị cấm hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu rác thải nhựa nguy hiểm và khó tái chế từ bên ngoài vào EU cũng phải được kiểm soát gắt gao thông qua cơ chế cảnh báo về môi trường của EU.
Những quy định mới về xuất nhập khẩu và vận chuyển rác thải nhựa đã được Ủy ban châu Âu thông qua ngày 22-12-2020. Ủy viên châu Âu về môi trường Virginijus Sinkevičius khẳng định: “Đây là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đấu tranh chống ô nhiễm rác thải nhựa cũng như việc chuyển đổi sang một nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh châu Âu”. Việc EU đề ra những quy định mới này nhằm thực thi Công ước Basel về kiểm soát và loại bỏ sự vận chuyển rác thải nguy hiểm xuyên biên giới được ký kết vào tháng 5-2019.