Ngày 10-6, vòng chung kết giải vô địch bóng đá châu Âu 2016 (Euro 2016) sẽ khai mạc tại Pháp. Trong tất cả 9 thành phố của Pháp tổ chức các trận đấu của Euro 2016, có tổng cộng 90.000 cảnh sát, binh sĩ và nhân viên an ninh tư nhân đảm bảo an ninh. Hơn 30 cuộc diễn tập chống khủng bố đã được tổ chức liên tục. Cùng mối lo ngại, cả châu Âu cũng vào cuộc hợp tác an ninh để loại trừ các phần tử khủng bố…
Châu Âu sát cánh với Pháp
Nước chủ nhà Pháp cùng với Bỉ trong 2 năm qua đã xảy ra hàng loạt vụ khủng bố trong bối cảnh cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn chưa kết thúc. Chính vì vậy, ngày hội lớn của bóng đá châu Âu và thế giới trở thành mục tiêu béo bở của bọn khủng bố, trong đó có IS.
Cảnh sát Pháp diễn tập chống khủng bố tại sân Stade de France ở Paris
Cảnh sát châu Âu, nhất là ở Pháp đã choáng váng trước việc cảnh sát Ukraine bắt giữ một công dân Pháp ở Ukraine ngày 7-6 với 2 khẩu súng trường, 5 súng máy và 125kg chất nổ. Nghi phạm được mô tả như một kẻ cuồng tín cánh hữu, người có ý định thực hiện 15 vụ tấn công khủng bố đồng loạt ngay tại Euro 2016.
Đợt này, trận đấu giữa đội tuyển Anh và Nga, Ba Lan và Ukraine tại sân vận động Stade Vélodrome, thành phố Marseille, nơi từng xảy ra bạo loạn do các cổ động viên Anh gây ra trong thời gian World Cup 1998, có nguy cơ bạo động đặc biệt cao.
Cảnh sát Anh cũng đã phối hợp chặt chẽ với Pháp kiểm soát các nhóm côn đồ trong thành phần cổ động viên (CĐV) Anh tới Pháp. Có đến 500.000 người Anh sẽ tới xem các trận đấu tại Euro 2016, giải đấu gần quê nhà của họ nhất kể từ năm 1998 khi Pháp là chủ nhà World Cup 1998. Đặc biệt, có thể có hơn 1.110 CĐV quá khích Anh hết hạn lệnh cấm kể từ World Cup 2006 tại Đức đến nay. Đó cũng là lý do cảnh sát Anh cử người đến Marseille để ngăn chặn chiến thuật nặng tay đối với các CĐV, đồng thời hạn chế hết mức những rắc rối nghiêm trọng do CĐV gây ra. Trọng tâm của các chiến dịch an ninh tại Pháp là tại các quán bar nhỏ trên những đường phố hẹp, nơi từng xảy ra các vụ bạo động giữa CĐV Anh và CĐV gốc Tunisia năm 1998.
Tại Marseille, cảnh sát Pháp cũng lo ngại khả năng CĐV Nga quá khích tấn công người Hồi giáo địa phương. Theo Sputnik, 6 chuyên gia cảnh sát Nga sẽ tham gia vào hoạt động cảnh sát quốc tế nhằm đảm bảo an ninh tại Euro 2016. Theo Bộ Nội vụ Nga, 6 chuyên gia làm việc tại Trung tâm hợp tác cảnh sát quốc tế (IPCC) được thành lập đặc biệt cho sự kiện này. Cảnh sát Nga sẽ ở lại Pháp cho đến khi đội tuyển quốc gia Nga ngừng chơi ở giải đấu này. Ngoài ra, nhân viên thực thi pháp luật của Nga sẽ có mặt tại tất cả các trận đấu của Nga tại Euro 2016.
Văn phòng cảnh sát châu Âu (Europol) công bố sẽ làm việc với Chính phủ Pháp để đối phó với mối đe dọa khủng bố có thể xảy ra ở Euro 2016. Theo đó, Europol đã triển khai nhân viên từ tất cả các đơn vị hoạt động cốt lõi của mình đến IPCC để giúp phát hiện các mối đe dọa tiềm tàng của chủ nghĩa khủng bố và tội phạm có tổ chức nghiêm trọng. Cùng với 200 cảnh sát từ các nước tham gia bảo vệ giải đấu, Europol sẽ giúp các lực lượng an ninh của Pháp đảm bảo sự an toàn của các sự kiện trước, trong và sau trận đấu.
An ninh tại sân vận động Stade de France được tăng cường
Trong sân: 1 kèm 70
Hàng ngàn cảnh sát vũ trang Pháp được triển khai tại sân vận động Stade Vélodrome, nơi diễn ra trận Anh-Nga và trên bãi biển Prado, nơi thường tập trung đông đảo CĐV. Máy bay trực thăng sẽ giám sát thêm trong khi tàu cảnh sát sẽ tuần tra bờ biển. Bãi biển cũng sẽ bị cấm hoạt động từ 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
Riêng bên trong sân vận động Stade Vélodrome ở Marseille sức chứa khoảng 80.000 người, có 1.100 nhân viên an ninh, tương đương tỷ lệ 1 cảnh sát/70 khán giả, túc trực đề phòng các rắc rối tiềm tàng. Hơn thế, khoảng 650 vệ sĩ sẽ được triển khai tại khu vực của các CĐV. Vì lo ngại về bạo lực giữa những CĐV Nga và Anh cũng như nhiều nước khác, khu vực CĐV sẽ được chia thành 2 phần với mỗi phần 40.000 chỗ riêng biệt. Khoảng 400 binh sĩ và cảnh sát khác sẽ tuần tra trung tâm thành phố.
Laurent Nunez, cảnh sát trưởng tỉnh Bouches-du-Rhône (thủ phủ là thành phố Marseille), cho biết trên tờ Telegraph của Anh: “Mối đe dọa khủng bố đang hiện diện. Chúng tôi sẽ rất cẩn trọng trong những trận đấu có nguy cơ cao”.
Các quan chức quan ngại nhiều về khủng bố khi các phần tử cực đoan có thể trà trộn vào dân số đông đảo người Arab và Hồi giáo ở Marseille. Khu vực dưới chân tháp Eiffel ở Paris đã bị đồn thổi rằng có thể là một mục tiêu thu hút các kẻ khủng bố. Tuy nhiên, Bernard Cazeneuve, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, bác bỏ đề nghị của cảnh sát trưởng Paris, ông Michel Cadot, đề xuất đóng cửa khu vực lân cận tháp Eiffel trong thời gian diễn ra các trận đấu tại Paris. 82 chuyên gia bảo mật được huy động vào làm cho ban tổ chức Euro 2016 để chuyên theo dõi nghi can khủng bố.
Sau loạt tấn công khủng bố Paris vào tháng 11-2015, Chính phủ Pháp đã gia hạn thêm tình trạng khẩn cấp cho đến khi kết thúc giải Euro 2016 (ngày 10-7) cũng như giải đua xe đạp Tour de France (từ ngày 2 đến 24-7).
Cục Hình sự liên bang Đức (BKA) cho biết, tuy không có manh mối cụ thể nào về khả năng xảy ra hành động khủng bố trong dịp này, song nguy cơ là có thật. Phát ngôn viên BKA Jens Beismann cho rằng an ninh là vấn đề quan trọng ở tất cả các trận đấu và sự kiện liên quan tới Euro 2016, đồng thời kêu gọi các cổ động viên tuân thủ và chú ý các chỉ dẫn của ban tổ chức cũng như lực lượng an ninh, thông cảm với các biện pháp kiểm soát an ninh được thực thi nhằm đảm bảo an toàn trong dịp Euro 2016.
Còn Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 8-6 tuyên bố mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố sẽ không thể làm gián đoạn Euro 2016. Ông Hollande khẳng định Euro 2016 sẽ là lễ hội cho những người yêu môn thể thao vua. Ông Hollande lưu ý thêm rằng khán giả phải chấp nhận kiểm tra an ninh khi họ bước vào sân vận động và khu CĐV.
KHÁNH MINH (tổng hợp)