FED giữ nguyên lãi suất

FED giữ nguyên lãi suất

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sau 2 ngày nhóm họp đã quyết định giữ lãi suất gần bằng 0 vào ngày 17-9 (tức sáng 18-9 giờ Việt Nam). Theo Reuters, kết quả như vậy cũng đã được hơn một nửa các nhà kinh tế tham gia khảo sát dự báo.

Trước khi quyết định lãi suất, Chủ tịch FED, bà Janet Yellen đã không đưa ra bất kỳ thông tin gì trong 2 tháng qua. Sau khi quyết định, bà Yellen cho biết quan ngại của FED với sự bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu là nguyên nhân chính cho quyết định này.

FED cũng cho rằng họ chỉ tăng lãi suất khi nào tình hình cho thấy lạm phát sẽ tăng trở lại ở mức 2 %.

Nhà đầu tư theo dõi sát sao quyết định của FED

Từ nhiều tháng nay, các thị trường tài chính quốc tế chờ đợi FED siết lại chính sách tiền tệ (tức tăng lãi suất) sau gần 8 năm ghìm lãi suất chỉ đạo ở mức gần như là 0%. Tất cả các nhà quan sát đều đồng ý rằng sớm muộn gì FED cũng phải tăng lãi suất. Bởi sau khủng hoảng tài chính hồi năm 2008, FED đã lập tức hạ lãi suất chỉ đạo để kích thích tiêu thụ và đầu tư. Giờ đây, nước Mỹ đã hoàn toàn bình phục sau cơn bão tài chính hồi mùa thu 2008; tỷ lệ thất nghiệp hiện chỉ còn 5,1 %, tức là đã rơi xuống mức thấp nhất trong 7 năm trở lại đây. Các dự báo tăng trưởng đều cho thấy GDP của Mỹ trong năm nay dao động ở khoảng 2,5 %, sau khi đã đạt thành tích vượt bậc 2,4% vào năm ngoái.

Một khi đã đạt được cả hai mục tiêu chính là ổn định giá cả và cân bằng thị trường lao động, FED không có lý do gì để tiếp tục giữ lãi suất chỉ đạo ở mức thấp kỷ lục như hiện nay. Đó là chưa kể, nếu kéo dài chính sách lạm phát, FED có nguy cơ khuyến khích giới đầu cơ thổi nên một quả bóng tài chính mới, với những hậu quả tai hại khó lường.

Theo chuyên gia Claus Vistesen, thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế vĩ mô Pantheon Macroeconomics của Mỹ, mọi điều chỉnh về lãi suất của FED tác động đến các hoạt động trên các thị trường tài chính, đến chính sách tiền tệ, đến tỷ giá hối đoái và đến kinh tế của các quốc gia khác trên thế giới.

Từ năm 2014, khi mới chỉ có tin đồn là FED sẽ tăng lãi suất thì lập tức đồng tiền của nhiều quốc gia trên thế giới, từ đồng rupee của Ấn Độ đến real của Brazil, từ đồng ringgit của Malaysia đến đồng rúp của Nga, đều bị mất giá.

KHÁNH MINH

Thông tin liên quan:

>> Thị trường chứng khoán “nín thở” chờ tín hiệu từ FED

Tin cùng chuyên mục