Sự đảo chiều của các chỉ số chứng khoán chủ chốt Mỹ cho thấy các nhà đầu tư đang tạm rút để đánh giá lại quyết định FED và cân nhắc thời điểm tiếp theo FED có thể tăng lãi suất nhằm giảm thiểu rủi ro.
Ngày 26-9, FED đã công bố tăng lãi suất cho vay thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 2% - 2,25%. Đây là lần thứ 3 trong năm nay FED nâng lãi suất nhằm ngăn chặn nền kinh tế tăng trưởng quá nhanh. Động thái này của FED dựa trên cơ sở dự báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ có thêm ít nhất 3 năm tăng trưởng nữa. Ngân hàng Trung ương Mỹ dự kiến sẽ có thêm một đợt nâng lãi suất tiếp theo vào tháng 12 năm nay, 3 đợt nâng trong năm 2019 và một đợt nữa trong năm 2020. FED dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, cao hơn dự báo của nhiều nhà quan sát và sẽ tiếp tục tăng trưởng vừa phải thêm ít nhất 3 năm, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát ổn định gần ngưỡng mục tiêu 2%. Tuy nhiên, FED không thể hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ mạnh tay hơn trong các nỗ lực ngăn chặn lạm phát.
Giới chuyên gia nhận định, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng leo thang căng thẳng khi hai bên liên tục áp thuế trả đũa lẫn nhau là yếu tố tác động tới quá trình hoạch định chính sách của ban lãnh đạo FED. Trước đó, Viện Nghiên cứu Ifo (Đức) cùng Viện Kinh tế KOF (Thụy Sĩ) và Viện Istat (Italy) công bố một báo cáo chung, trong đó nhận định chính sách thương mại của Mỹ có nguy cơ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với toàn bộ hệ thống thương mại quốc tế. Theo báo cáo này, việc FED tăng lãi suất cũng là một nguy cơ tiềm tàng dẫn đến khủng hoảng tài chính rộng khắp tại các nền kinh tế mới nổi.
Tổng thống Mỹ bất bình
Động thái nâng lãi suất của FED một lần nữa vấp phải sự chỉ trích của Tổng thống Donald Trump, người trước đó từng phàn nàn các động thái của FED đi ngược lại nỗ lực của ông nhằm kích thích nền kinh tế. Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Trump phát biểu tại một cuộc họp báo ở New York cho rằng: “Chúng tôi đang hoạt động rất tốt với tư cách là một quốc gia. Tôi không vui vì điều đó… Về cơ bản, tôi là một người thích lãi suất thấp”.
Sự bực bội này được thể hiện chỉ vài giờ sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông đang cố gắng đưa kinh tế Mỹ hạ cánh êm ái sau gần 1 thập kỷ tăng trưởng, chuỗi thời gian tăng trưởng dài thứ nhì trong lịch sử của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Để làm được điều này, FED cần nâng lãi suất để ngăn tình trạng nền kinh tế quá nóng, nhưng chỉ vừa đủ để không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, tình hình căng thẳng thương mại leo thang có thể đặt ra nguy cơ đối với kinh tế Mỹ. Chính sách áp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ làm tăng giá các mặt hàng chủ chốt và có khả năng làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, không loại trừ khả năng FED có thể sớm làm chậm lại tiến trình nâng lãi suất. Nhiều nhà phân tích dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy yếu vào năm tới, do tác động của các vụ tranh chấp thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, Canada, châu Âu và các đối tác thương mại khác. Với kịch bản này, FED sẽ làm chậm lại tiến trình tăng lãi suất và có thể chỉ tăng lãi suất hai lần trong năm 2019.