5 năm sau khi chuyển giao chức vụ, cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro vẫn được thế giới nhớ đến như một trong những người đầu tiên giương cao ngọn cờ xã hội chủ nghĩa ở châu Mỹ, đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội ở châu lục này. Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của ông, chúng tôi xin giới thiệu lại vài nét về người con ưu tú của Cuba.
Con đường đến với chủ nghĩa xã hội
Fidel Castro tên đầy đủ là Fidel Alejandro Castro Ruz, ông sinh ngày 13-8-1926. Bố ông là Angel Castro y Argiz, sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng quê Galicia, phía Tây Bắc Tây Ban Nha. Cụ Argiz từng gia nhập quân đội Tây Ban Nha chống lại lực lượng thân Mỹ đòi tách Cuba khỏi đế quốc Tây Ban Nha, dẫn đến cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha năm 1898 và sau đó Mỹ chiếm Cuba từ Tây Ban Nha lập nên chính phủ thân Mỹ.
Mặc dù Cuba tuyên bố thành lập Cộng hòa Cuba năm 1902 nhưng thực chất Mỹ vẫn có ảnh hưởng thống trị về kinh tế và chính trị. Sau đó, cụ Argiz đưa gia đình tới Cuba định cư và lập nông trường trồng mía tại tỉnh Oreinte. Cụ Argiz lập gia đình với cụ bà María Luisa Argota sinh được hai người con gái, sau đó hai người chia tay. Lần kết hôn thứ hai với cụ María Luisa Argota, hai người có với nhau 3 người con trai và 4 người con gái. Fidel là con thứ ba.
Dù sinh ra trong một gia đình khá giả song Fidel được cha mẹ cho chơi cùng với con em của những người lao động trong trang trại, hầu hết là người di dân gốc Phi từ Haiti. Khi lên 6 tuổi, Fidel và hai anh chị lớn hơn được bố mẹ đưa tới trường nội trú ở Santiago de Cuba trong điều kiện kham khổ.
Năm 1945, khi theo học ngành luật tại Đại học La Habana, Fidel Castro tham gia các phong trào biểu tình của sinh viên. Từ đây, ông bắt đầu sự nghiệp chính trị và trở thành một nhân vật được biết đến trong chính giới Cuba. Sự nghiệp chính trị của ông tiếp tục với những hoạt động chống lại các chế độ độc tài do Mỹ dựng lên và thu hút sự chú ý của nhà cầm quyền. Không những thế, ông rất nhiệt thành với tư tưởng chống chủ nghĩa đế quốc và chống sự can thiệp của Mỹ vào khu vực Caribbean, ông cũng gia nhập vào Ủy ban Vì độc lập của Puerto Rico và Ủy ban Vì dân chủ của Cộng hòa Dominica. Ông tiếp xúc nhiều với các nhóm cánh tả, trong đó có Đảng Cộng sản Cuba, Phong trào Cách mạng xã hội chủ nghĩa (MAR) và Phong trào Cách mạng khởi nghĩa (UIR). Do có nhiều bài diễn văn chống nạn tham nhũng, lạm quyền của chính quyền thân Mỹ, ông đã xuất hiện nhiều trên các tờ báo lớn vào tháng 11-1946.
Trong thời gian học đại học, Castro tham gia vào nhiều tổ chức chống đối chính quyền. Ông hành nghề luật sư từ năm 1950 đến 1952; trở thành đảng viên Đảng Chính thống (tiếng Tây Ban Nha Partido Ortodoxo) và vận động để tranh cử vào Quốc hội Cuba. Thế nhưng ý định của Castro chưa thành thì nổ ra cuộc đảo chính của tướng Fulgencio Batista. Batista muốn lên nắm chính quyền để ngăn cản sự lớn mạnh của Đảng Chính thống. Dưới sự cai trị của Batista, hàng ngàn chính khách bị ám sát và dân chúng phải sống dưới sự cai trị khắc nghiệt.
Castro bắt đầu vận động chống lại Batista bằng biện pháp quân sự. Ông liên kết được hơn 200 người theo cách mạng trên toàn quốc và trở thành lãnh đạo của họ. Ngày 26-7-1953, Castro và các đồng chí của mình tấn công vào trại lính Moncada. Hơn 80 người tử trận, Castro bị bắt. Ông bị đưa ra tòa và lãnh án 15 năm tù. Cuối phiên tòa, Castro đã hùng hồn đọc bài diễn văn “Lịch sử sẽ giải oan cho tôi” (La historia me absolverá), phản ánh quan điểm chính trị của ông.
Một năm sau, Batista đại xá cho nhiều tù chính trị, trong đó có Castro. Castro sang Mexico và lập nhóm vũ trang kháng chiến. Nhóm này lấy tên nhóm Hai Mươi Sáu Tháng Bảy, để tưởng niệm cuộc nổi dậy Moncada ngày 26-7 trước kia. Trong số những người tham gia vào nhóm này có Che Guevara, một sinh viên y khoa đang tập sự tại Mexico City.
Ngày 2-12-1956, nhóm Hai Mươi Sáu Tháng Bảy, gồm 80 người, trở lại Cuba trên chiếc thuyền Granma dài 18m. Họ nhanh chóng bị tiêu diệt bởi quân chính phủ. Chỉ có 12 người sống sót và rút vào vùng rừng núi Sierra Maestra để tổ chức kháng chiến. Trong số những người sống sót, ngoài Fidel Castro còn có Raul Castro (em trai ông), Che Guevara và Camilo Cienfuegos. Nhóm kháng chiến được quần chúng ủng hộ và phát triển lên đến 800 người.
Trong suốt 2 năm, họ áp dụng chiến thuật đánh du kích gây nhiều thiệt hại cho quân chính phủ. Tháng 5-1958, Batista huy động nhiều tiểu đoàn tiến đánh quân kháng chiến. Dù bị thua kém về quân số, phe kháng chiến vẫn thắng nhiều trận quan trọng. Quân của Batista đào ngũ và đầu hàng rất nhiều.
Ngày 1-1-1959, Fidel Castro lãnh đạo thành công cuộc cách mạng Cuba. Thua cuộc, Batista chạy trốn khỏi Cuba. Tháng 2-1960, Cuba ký một hiệp định thương mại với Liên Xô, trong đó Liên Xô đồng ý bán dầu hỏa cho Cuba. Mỹ cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao và áp dụng chính sách cấm vận lên Cuba vào ngày 31-1-1961. Cuba tiếp tục thắt chặt quan hệ với Liên Xô và ngày càng nhận nhiều viện trợ quân sự và kinh tế. Ngày 17-4-1961, Mỹ yểm trợ một đạo binh gồm 1.300 người Cuba lưu vong đổ bộ lên vùng vịnh Con Heo nhằm lật đổ chính phủ Cuba. Cuộc đổ bộ thất bại và nhiều người bị bắt, 9 người bị xử tử. Ngày 1-5-1961, Fidel Castro tuyên bố Cuba là một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Vào ngày 2-12-1961, Fidel Castro tuyên bố rằng ông theo Chủ nghĩa Marx-Lenin và Cuba sẽ đi theo chủ nghĩa cộng sản. Cuối năm 1961, ông được Liên bang Xô viết trao tặng Giải thưởng Hòa bình Lenin.
Cuối năm 1976, một Hiến pháp Cuba mới được xây dựng với những thay đổi về cơ cấu chính quyền. Ngày 2-12-1976, Fidel Castro được bầu vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Cuba, một chức vụ vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là người đứng đầu Chính phủ Cuba. Ông giữ chức vụ này liên tục trong 32 năm.
Ngày 18-2-2008, ông tuyên bố ý định thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Tổng Tư lệnh quân đội Cuba. Sau gần 50 năm lãnh đạo. Fidel Castro lãnh đạo đất nước Cuba qua 9 đời tổng thống Mỹ với hàng trăm lần bị CIA mưu sát và bị Washington cấm vận kinh tế.
Tiếp tục cống hiến
Sau khi rời khỏi các chức vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba, Fidel Castro tiếp tục đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước cũng như phản biện các đường lối sai lầm của Mỹ và mặt trái của toàn cầu hóa. Ông liên tục có các bài phản ánh sắc sảo đăng trên tờ Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba. Tất cả các sự kiện quan trọng ông đều có bài phản ánh như sự kiện Bin Laden bị Mỹ tiêu diệt trên đất Pakistan, khủng hoảng nợ ở Mỹ và một số nước thành viên EU, cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, Afghanistan…
Tại thủ đô La Habana, sẽ có nhiều hoạt động mừng sinh nhật lần thứ 85 của nguyên Chủ tịch Fidel Castro. Một buổi hòa nhạc được truyền hình trực tiếp vào ngày 13-8 với sự tham gia của 22 nghệ sĩ từ 9 nước. Chương trình mang tên “The Serenade of Fidelity” (tạm dịch: Bản serenade của lòng trung thành) do tổ chức Oswaldo Guayasamin tổ chức. Ông Guayasamin là bạn thân của Fidel Castro, đã qua đời. Khi còn sống, ông từng tổ chức một buổi hòa nhạc tặng bạn nhân ngày sinh nhật của Fidel năm 1988. Chương trình diễn ra tại nhà hát Karl Marx. Ngoài ra còn có nhiều cuộc triển lãm tranh, ảnh và múa ballet.
Tại Argentina, ngày 12-8, nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Fidel Castro, Đại sứ quán Cuba đã cho xuất bản cuốn sách tập hợp các bài phản ánh của ông viết từ đầu năm 2011 tới tháng 7-2011. Cũng trong dịp này, Argentina đưa ra 10.000 bản phim tài liệu Khoảnh khắc với Fidel. Bộ phim do nhà làm phim Cuba Rebeca Chavez viết kịch bản và đạo diễn nói về sự gắn bó mật thiết giữa Fidel Castro với nhân dân Cuba trong hơn 50 năm qua.
Khánh Minh tổng hợp