G-7 phản đối hành động khiêu khích trên biển Đông

Reuters ngày 11-4 đưa tin, các ngoại trưởng thuộc nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ mọi hành động khiêu khích trên biển Đông và biển Hoa Đông, hai khu vực đang có các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
G-7 phản đối hành động khiêu khích trên biển Đông

Reuters ngày 11-4 đưa tin, các ngoại trưởng thuộc nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ mọi hành động khiêu khích trên biển Đông và biển Hoa Đông, hai khu vực đang có các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Phản đối mạnh mẽ

Tuyên bố kết thúc hội nghị ngoại trưởng nhóm G-7 tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản) có đoạn viết: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ sự ép buộc mang tính hăm dọa hay các hành động khiêu khích đơn phương nào có nguy cơ thay đổi hiện trạng và làm leo thang căng thẳng (ở các khu vực này)”. Trong một đề cập rõ ràng tới vụ kiện liên quan tới tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với Philippines ở biển Đông, các ngoại trưởng của nhóm G-7 cũng kêu gọi các nước tuân thủ luật biển quốc tế cũng như thực thi mọi phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý của tòa án.

Ngoại trưởng nhóm G-7 đến Công viên tưởng niệm hòa bình ở Hiroshima

Trước đó, Manila đã yêu cầu Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) có trụ sở tại La Hay phân xử vụ tranh chấp lãnh hải trên biển Đông của Philippines với Trung Quốc. Dự kiến, PCA sẽ ra phán quyết về vụ kiện này vào tháng 6 tới dù Trung Quốc tuyên bố không tham gia vụ kiện. Nhật Bản cũng ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề biển Đông, bởi phần lớn hàng hóa đi và đến nước này đều được vận chuyển qua tuyến đường biển trọng yếu đó. Mới đây, Nhật Bản đã cử các tàu khu trục, tàu ngầm tới tham gia một cuộc diễn tập hải quân với Indonesia và ghé thăm một loạt nước khác ven bờ biển Đông. Tokyo cũng nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên biển Đông.

Bước đi đầu tiên

Giới quan sát nhận định, tuyên bố chung về biển Đông được xem là sự hợp tác thành công của Mỹ và Nhật Bản khi hai nước quyết định đưa vấn đề này vào hội nghị ở Hiroshima bất chấp phản ứng của Trung Quốc. Bắc Kinh rất ngại bị nêu tên, lên án trong các hội nghị, diễn đàn đa phương vì những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển trên biển Đông. Đó cũng là lý do Bắc Kinh thường áp dụng chiến thuật vận động hành lang quyết liệt để không bị nêu tên trong các bản tuyên bố chung tại các hội nghị khu vực.

Cộng với việc phương Tây cho rằng, Trung Quốc đang có ý định lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông, Trung Quốc lo ngại sẽ gặp bất lợi nếu vấn đề biển Đông được thảo luận theo nguyên tắc đa phương. Đối với các vấn đề trên biển, Trung Quốc luôn muốn xử lý theo nguyên tắc song phương.

Theo các nhà phân tích, đây mới chỉ là bước đầu tiên của Mỹ - Nhật trong quá trình gây sức ép chính trị đối với những hành động của Trung Quốc ở biển Đông và nó khó có thể tạo ra những thay đổi lớn trên thực địa. Năm ngoái ở Lubeck (Đức), các ngoại trưởng G-7 cũng ra một tuyên bố về an ninh hàng hải, trong đó kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, và các phán quyết có liên quan của tòa án cần được tôn trọng. Tuy nhiên, bản tuyên bố này cũng không hề đề cập trực tiếp đến Trung Quốc.

Kết thúc hội nghị, các ngoại trưởng G-7 đã ra Tuyên bố Hiroshima kêu gọi vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tuyên bố có đoạn viết: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết tìm kiếm một thế giới an toàn hơn cho tất cả mọi người và tạo điều kiện cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân theo cách thúc đẩy sự ổn định của quốc tế. Nhiệm vụ đó đã trở nên phức tạp hơn bởi môi trường an ninh đang xấu đi ở một số khu vực, như Syria và Ukraine, thêm vào đó là việc Triều Tiên tái diễn các hành động khiêu khích. Các ngoại trưởng của nhóm G-7 cũng đồng thời kêu gọi tăng cường và đẩy mạnh cuộc chiến chống nhóm khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria".

THANH HẰNG (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục