G20 thất bại - Gia tăng lo ngại về kinh tế thế giới

Italia sẽ là con nợ tiếp theo
G20 thất bại - Gia tăng lo ngại về kinh tế thế giới

Cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G20 tại Cannes dài 2 ngày với trọng tâm tìm biện pháp đưa châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ đã kết thúc mà không có kết quả nào.

Biểu tình chống giới chủ tư bản ngân hàng ở Rome, Italia.

Biểu tình chống giới chủ tư bản ngân hàng ở Rome, Italia.

Italia sẽ là con nợ tiếp theo

Ngay sau cuộc họp thượng đỉnh G20, thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục rớt giá. Italia đang thay thế Hy Lạp trở thành tâm điểm của thế giới về khả năng vỡ nợ. Hiện vấn đề nợ công của Hy Lạp tạm thời lắng xuống sau khi chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý về khoản cứu trợ của EU. Thay vào đó, ông Papandreou sẽ cải tổ chính phủ theo hướng mời nhiều đảng đối lập tham gia liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều vấn đề phải giải quyết vì nhiều đảng đối lập từ chối tham gia liên minh và đòi Thủ tướng George Papandreou từ chức.

Giờ đây, Italia đã chấp nhận để IMF giám sát nhằm tránh đi vào vết xe đổ của Hy Lạp. Theo Reuters, Italia đã chấp nhận để IMF giám sát các vấn đề như cải cách lương hưu, thị trường lao động và tiến trình tư nhân hóa. Đây cũng là kết quả đạt được trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 giữa Thủ tướng Silvio Berlusconi với các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro (eurozone) và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Nền kinh tế Italia đang có mức nợ công chiếm 120% GDP, tương đương 1.900 tỷ EUR. Giờ đây, mỗi quý EU và IMF sẽ đưa ra các bản báo cáo đánh giá tình hình tài chính của Italia. Mặc dù Thủ tướng Berlusconi cam kết sẽ đẩy mạnh các biện pháp cải cách để giảm thâm hụt ngân sách nhưng không mấy ai tin vào khả năng thành công của nước này. Với việc để cho IMF giám sát tài chính, khủng hoảng nợ của eurozone đã đạt tới mức độ mới vì Italia là nền kinh tế lớn thứ ba của EU. Như vậy, trong eurozone giờ đây có 4 con nợ lớn đang được giám sát chặt chẽ là Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và Italia. 

EFSF hay IMF?

Thất bại rõ ràng nhất của cuộc họp thượng đỉnh G20 là đã không có bất kỳ một cam kết nào đóng góp thêm vào Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF). Lãnh đạo Trung Quốc và nhiều nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới đã không đưa ra cam kết đóng góp nào cho EFSF vì họ cho rằng cần có thêm chi tiết về cách thức hoạt động của EFSF.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết IMF cũng sẽ không đóng góp cho EFSF. Quỹ này hiện có 440 tỷ EUR, trong đó gần một nửa sẽ được chi cho các con nợ Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Riêng Italia có thể sẽ cần 2.000 tỷ EUR. Hơn thế nữa, việc đóng góp tài chính thêm cho IMF để giúp nền kinh tế nhiều nơi trên toàn cầu ứng phó với khủng hoảng cũng chưa đạt được kết quả vì còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Tổng thống Mỹ Barack Obama dưới sức ép của Quốc hội rất lưỡng lự không muốn đóng góp thêm cho IMF khi mà bản thân các nước trong eurozone không có kế hoạch cụ thể để chấm dứt khủng hoảng. Ông chỉ biết kêu gọi các con nợ của eurozone nhanh chóng có các biện pháp tự cứu mình bằng cách cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Riêng Nhật Bản, mặc dù cho biết sẵn sàng đóng góp thêm cho IMF nhưng với EFSF thì không. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi nói: “Thà tăng cường sức mạnh của IMF hơn là tạo ra một định chế tài chính mới như kiểu EFSF. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp thêm cho IMF nếu G20 đạt đồng thuận”.

Trong một diễn biến liên quan, Phó Giám đốc điều hành IMF Naoyuki Shinohara nhấn mạnh các nền kinh tế tăng trưởng lạc quan nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn dễ bị tổn thương trước những diễn biến tiêu cực của các nền kinh tế khác trên thế giới.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục