Sau thành công của chương trình gala lần 1 và cũng nhằm sơ kết 2 năm thực hiện chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Báo SGGP phát động giai đoạn 2 chương trình đầy ý nghĩa nhân văn này, phối hợp cùng Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) tổ chức đêm gala Nghĩa tình Trường Sơn lần 2, diễn ra vào lúc 20 giờ 30 tối 24-2, tại Nhà hát TPHCM, được truyền hình trực tiếp trên HTV9. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với đạo diễn Trần Vi Mỹ, đạo diễn cả hai chương trình Nghĩa tình Trường Sơn lần 1 và lần 2.
- PV: Sự chuẩn bị cho gala Nghĩa tình Trường Sơn đến đâu rồi, thưa anh?
Đạo diễn TRẦN VI MỸ: Chúng tôi đã chuẩn bị cho chương trình lần này từ tháng 10-2011. Nếu nói về đầu tư ý tưởng cho các ca khúc, các tiết mục trong chương trình thì đây là chương trình mà chúng tôi mất nhiều thời gian nhất. Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn ghi nhận, khơi dậy lòng tự hào về các anh hùng trong quá khứ và thái độ của người được sống trong thời bình hôm nay. Thông qua chương trình này, chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống, những hy sinh to lớn của các lực lượng vũ trang trong những năm kháng chiến. Chúng tôi thấy mình phải làm thật tốt việc chăm lo cho những nhân vật và gia đình anh dũng ấy. Đêm gala Nghĩa tình Trường Sơn cũng không nằm ngoài mục đích khơi dậy lòng tự hào cho lớp trẻ hôm nay.
- Anh có thể cho biết về điểm nhấn và các ca khúc, ca sĩ trong chương trình?
Khi nói về sự hy sinh, tôi nghĩ ngay đến hình ảnh mẹ Thứ. Có thể vì hình ảnh của mẹ đã là tiêu biểu cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng luôn đi đầu trong chiến tranh. Mẹ Thứ có 9 người con tham gia cách mạng và đều hy sinh. Cuối đời, mẹ sống cùng con dâu cũng là một mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi đã chọn hình ảnh mẹ Thứ để dàn dựng cho tiết mục biểu diễn của ca sĩ Hương Giang trong ca khúc Người mẹ Quảng Nam (sáng tác Doãn Nho), thành một hoạt cảnh. Ca sĩ chỉ là người chuyên chở câu chuyện và NSƯT Thanh Nguyệt hóa thân vào hình ảnh mẹ Thứ trong một không gian cảm động.
Trong hoạt cảnh cho ca khúc Người lính già và hoa hồng thắm (Đinh Nghiêm) do Ngọc Tuyền trình bày, tôi cứ bâng khuâng với suy nghĩ: khi chiến tranh kết thúc, người lính già về hậu phương với gia đình còn lại gì ngoài những kỷ niệm của chính ông? Có một câu trong lời bài hát mà mỗi khi nghe, tôi đều thấy cảm động: “Có những người chưa tìm được xác”. Thực tế hiện nay, nhiều liệt sĩ trên mọi miền đất nước chưa tìm được hài cốt, khiến người thân và gia đình họ luôn đau đáu, day dứt.
Trong ca khúc Bài ca không quên do Đàm Vĩnh Hưng thể hiện, tôi lại dựng nghiêng về phần “tĩnh” với mong muốn chuyển tải thông điệp - người chiến sĩ trong thời bình hôm nay, dù ở bất cứ cương vị nào vẫn được sống lại cảm xúc hào hùng một thời đã qua. Tôi chọn ca khúc Khát vọng do Lệ Quyên trình bày vào chương trình, với ý nghĩa đánh thức sự đam mê và khát vọng sống vì lý tưởng của lớp trẻ hôm nay. Phần giao lưu với một chiến sĩ giao liên mù trong chương trình, tôi nghĩ cũng sẽ khiến tất cả khán giả phải cảm phục, bởi đoạn đường làm giao liên trong cuộc đời của người chiến sĩ ấy cộng lại bằng 1 vòng trái đất…
- Là đạo diễn làm nhiều chương trình ca nhạc cho các ca sĩ trẻ, khi nhận lời làm đạo diễn chương trình này, anh thấy có gì khác và khó khăn không?
Tôi cũng đã làm đạo diễn một số chương trình ca nhạc đề tài cách mạng nên không thấy có gì khó khăn. Vấn đề là những ca khúc cách mạng ấy đã gắn liền với tuổi thơ và tạo cho tôi cảm xúc khó quên từ nhỏ. Tôi nhớ mãi cảm xúc và ấn tượng khi xem chương trình Bài ca không quên do anh Tất My Loan dàn dựng. Hình ảnh đưa vào chương trình mộc mạc nhưng đầy thuyết phục. Tôi luôn xem Tất My Loan như người thầy của mình trong lĩnh vực này vì sự tinh tế của anh. Tôi nghĩ, bản thân những ca khúc cách mạng đã có một đời sống rất mạnh mẽ. Ngôn từ trong những ca khúc ấy đã chất chứa đầy hình ảnh và tình cảm nên chúng tôi, những người dàn dựng chỉ làm sao cho hình ảnh ấy hiện ra một cách chân phương, thuyết phục nhất mà thôi. Trong chương trình gala Nghĩa tình Trường Sơn lần này, khán giả được nghe lại những ca khúc bất hủ ấy, như: Đất nước, Khát vọng, Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn), Bài ca Trường Sơn (Đăng Dương - Trần Chung), Đêm Trường Sơn nhớ Bác (Trần Chung), Những ngôi sao không tắt (thơ: Trần Thế Tuyển, nhạc: Trần Gia Cường), Sợi nhớ sợi thương (Phan Huỳnh Điểu), Tình đồng chí (thơ: Chính Hữu, nhạc: Minh Quốc), Khát vọng tuổi trẻ (Vũ Hoàng)… Với tôi, mỗi lần làm chương trình cho các chiến sĩ là mỗi lần thực hiện trong tâm thế thiêng liêng. Tôi tin, mình làm với cái tâm của người còn sống dành cho các chiến sĩ, chắc chắn sẽ được họ ủng hộ. Khi bạn biết tin, biết chia sẻ, biết tri ân với những hy sinh, cống hiến của những người đã khuất, bạn sẽ luôn nhận được sự ủng hộ.
Như Hoa