Gần 20 năm nằm dạy học

Gần 20 ròng rã, với nghị lực phi thường trên giường bệnh, cô Trần Thị Hoa (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) dành cả tâm huyết của cuộc đời mình nắn nót từng con chữ, dạy đánh vần từng tiếng a, bờ… cho nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Gần 20 năm nằm dạy học

Gần 20 ròng rã, với nghị lực phi thường trên giường bệnh, cô Trần Thị Hoa (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) dành cả tâm huyết của cuộc đời mình nắn nót từng con chữ, dạy đánh vần từng tiếng a, bờ… cho nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Cô Hoa rèn từng con chữ cho học trò trên chiếc giường của mình.

Nghị lực phi thường

Rời xa quê hương Hà Tây vào đất Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm kinh tế mới những năm 70 của thế kỷ trước; tốt nghiệp trung học sư phạm ngành tiểu học, cô nhận nhiệm vụ dạy học cho những em học sinh là dân tộc thiểu số ở trường tiểu học xã vùng sâu vùng xa Lộc Nam của huyện Bảo Lâm, cách Bảo Lộc hơn 20 cây số. Gắn bó nơi đây gần 10 năm (1981 - 1991), đến năm 1992 cô được luân chuyển về Trường Tiểu học Lộc Thanh, Bảo Lộc.

Niềm vui được về gần nhà chưa được “tày gang” thì vào một ngày hè năm 1996 tai nạn đáng tiếc ập đến với cô. Ngã từ trên cao xuống, cô Hoa bị gãy cột sống và liệt nửa thân người vĩnh viễn. Vậy là cô đành phải nuốt nước mắt rời xa trường lớp sau nhiều năm gắn bó. “Ngày bác sĩ nói đôi chân không thể nào cứu chữa được, tôi buồn ghê lắm. Tôi khóc như chưa bao giờ khóc. Với nhiều người, đó là khoảng thời gian cay đắng, sụp đổ hoàn toàn, nhưng tôi lại tìm cái may trong sự không may mắn đó, dù không đi lại được, không lên lớp được nhưng tôi vẫn có học trò…”, cô Hoa tâm sự.

Chuyện bắt đầu từ việc trong xóm có một em nhỏ thiểu năng tên Nguyễn Bảo My vì chưa có giấy khai sinh, nên không được đến lớp, bằng niềm đam mê nghề nghiệp và một tình cảm mến yêu học trò, cô đã nhận lời dạy viết chữ, làm toán cho em. Và cũng từ cái nhân duyên đó mà lớp học “hai không” (không bảng đen, không phấn trắng) của cô ra đời.

Ngôi nhà nhỏ của cô trở thành mái trường của những em bé nghèo trong khu phố. Mỗi em là một số phận không may, em thì hoàn cảnh nghèo khó không đủ tiền trang trải khi học ở các trường chính quy, có em mồ côi cha mẹ phải sống với ông bà và nhiều em khuyết tật gia đình không đủ điều kiện cho học các trường đặc biệt… Em nào cô cũng đón nhận bằng cả tấm lòng.

Tiếng là dạy học, nhưng chỉ dạy kèm miễn phí hoặc tùy lòng hảo tâm của phụ huynh các cháu. Mỗi tháng, thu nhập của cô được vỏn vẹn chỉ được 500.000 - 700.000 đồng, cộng với số tiền trợ cấp 480.000 đồng. Cô Hoa tâm sự: “Thu nhập chừng ấy là đã hạnh phúc lắm rồi. Sống được như hôm nay là nhờ niềm vui, niềm động viên, an ủi rất ngây thơ của các em học trò đấy!”.

Những quả ngọt

Học trò của cô Hoa là những cháu thiểu năng, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, học ở trường không tiếp thu được bài vở và không thể theo kịp bạn bè. Những cháu tâm sinh lý bình thường, nhờ có cô Hoa dạy kèm thêm, khi học ở trường có những cháu trở thành con ngoan, trò giỏi… Qua ngần ấy năm, cô giáo Hoa vẫn nằm đó, bên chiếc giường cũ kỹ của mình. Thế hệ học trò đầu tiên của cô đã bắt đầu vào đại học, nhiều em còn đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các kỳ thi cấp tỉnh, cấp toàn quốc và đã thành đạt, có công ăn việc làm ổn định trên khắp mọi miền của đất nước…

Em Nguyễn Thị Thùy Trang, nhà có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ em đi bán vé số dạo trên TP Bảo Lộc, cả 3 chị em Trang đều theo học lớp của cô Hoa. Hiện nay, Trang đã là sinh viên năm nhất Đại học Ngoại thương TPHCM, đạt nhiều thành tích trong học tập khi học THPT Bảo Lộc, đoạt giải nhì cuộc thi tháng “Đường lên đỉnh Olympia năm 2014”. Chia sẻ với chúng tôi khi nói về cô Hoa, Trang cho biết: “3 chị em của em, và cả đình em không bao giờ quên ơn cô giáo Hoa, dù mai đây tụi em bây giờ có đi đâu, làm gì đi nữa. Chính cô giáo Hoa là người đặt viên gạch đầu tiên, tụi em mới xây dựng được ngôi nhà”.

Đã nhiều lần cô định nghỉ ngơi, vì sức đã yếu, nhưng bé Nguyễn Bảo My gắn bó với cô 8 năm qua nói như mếu: “Bác Hoa không dạy nữa thì cháu và những em nhỏ ở đây sẽ đi đâu?”. Rồi em Cao Khoa (6 tuổi) rất chậm, để nhận biết được con chữ rất khó, sau hơn 2 tháng theo học cô Hoa giờ đây Cao Khoa đã ghép được những chữ cái đơn giản, biết cộng trừ số có hai chữ số…

Năm 2013, cô Hoa vinh dự đón nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT, ghi nhận đóng góp và lòng nhân ái của cô. Đó cũng là niềm an ủi, giúp cô tự tin hơn để gắn bó dạy dỗ cho những trẻ có hoàn cảnh không may mắn.

ĐÌNH THI

Tin cùng chuyên mục