Gần 260.000 thí sinh làm thủ tục dự thi cao đẳng

Gần 260.000 thí sinh làm thủ tục dự thi cao đẳng

Hôm qua 14-7, thí sinh dự thi CĐ năm 2012 đến trường làm thủ tục dự thi, nghe phổ biến quy chế và điều chỉnh sai sót trên giấy báo dự thi. Điều đáng nói là trong buổi làm thủ tục dự thi CĐ có nhiều trường hợp được đổi khối thi vì lý do nhà trường không tổ chức thi khối mà thí sinh đã đăng ký.

Giám thị kiểm tra số báo danh thí sinh trong buổi làm thủ tục sáng 14-7. Ảnh: Thanh Hùng

Giám thị kiểm tra số báo danh thí sinh trong buổi làm thủ tục sáng 14-7. Ảnh: Thanh Hùng

Cuối ngày 14-7, Bộ GD-ĐT đã có báo cáo nhanh về ngày làm thủ tục dự thi cao đẳng năm 2012. Theo đó, đợt thi này 124 trường tổ chức thi với số điểm thi là 394, số phòng thi là 11.195 phòng. Đợt thi này, số thí sinh đăng ký dự thi là 408.391 em, nhưng trong ngày hôm qua, cả nước chỉ có 259.690 em đến làm thủ tục dự thi, đạt 63,59%. Tuy nhiên, so với năm 2011, năm nay số thí sinh đến dự thi cao đẳng tăng đột biến so với năm 2011. Để tổ chức đợt thi cao đẳng, các trường đã huy động số cán bộ tham gia tổ chức thi là 32.216 người; số sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ tổ chức thi 6.182 thí sinh; số chỗ ở miễn phí cho thí sinh và gia đình thí sinh dự thi là: 19.607.

Hôm nay 15-7, thí sinh dự thi cao đẳng sẽ bước vào kỳ thi chính thức với buổi sáng thi môn: Lý (khối A và A1), môn Sinh (khối B), môn Ngữ Văn (khối C, D). Buổi chiều thí sinh thi khối A, A1, B,D sẽ thi môn Toán, thí sinh thi khối C sẽ thi môn Sử.

Hôm qua, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH- CĐ 2012 Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga làm trưởng đoàn, đã đi kiểm tra công tác thi cao đẳng tại 2 trường thuộc khu vực Hà Nội là Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội. Tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Đoàn kiểm tra đã làm việc trực tiếp với Hội đồng thi, kiểm tra trực tiếp công tác chuẩn bị thi của giám thị và các cán bộ coi thi.

Tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã đến kiểm tra trực tiếp tại các phòng thi và xem cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi cho thí sinh. Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã nhắc nhở các trường, với chủ trương đưa xã hội vào cùng giám sát việc thi, thí sinh mang các thiết bị ghi âm, ghi hình mà quy chế cho phép mang vào là không phạm luật, chỉ nếu thí sinh đó gây mất trật tự, làm ảnh hưởng đến người khác thì mới bị xử lý theo quy chế tuyển sinh.

Rút kinh nghiệm 2 đợt thi ĐH vừa qua, một số thí sinh bị mất điện thoại di động, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chỉ đạo nhà trường cần tổ chức đội sinh viên tình nguyện trông giữ điện thoại cho thí sinh. Điện thoại của thí sinh sẽ được cho vào phong bì và có ghi số báo danh để tránh xảy ra mất mát.

So với 2 đợt thi ĐH, đợt thi CĐ được xem là nhẹ nhàng và độ cạnh tranh không khốc liệt bằng. Tuy nhiên, đối với các trường tổ chức thi đây là kỳ thi hết sức phức tạp. Trước hết là công tác bố trí, sắp xếp phòng thi vì đây là kỳ thi tổng hợp tất cả các khối A, A1, B, C, D và các khối năng khiếu trong cùng một đợt. Do tính chất tổng hợp quá nhiều môn thi trong một đợt, nên các trung tâm in sao đề thi và các trường khi nhân bản đề thi rất dễ xảy ra tình trạng nhầm đề thi giữa các khối.

Theo Bộ GD-ĐT, đợt thi CĐ có nhiều khối thi cùng một lúc nên các trường cần thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không được để nhầm lẫn, sai sót trong tất cả các khâu in sao, quản lý, phân phối và sử dụng đề thi. Vào ngày thi, trước khi bóc đề thi, các trưởng điểm thi, cán bộ coi thi phải kiểm tra kỹ môn thi theo đúng lịch thi. Đồng thời, cán bộ coi thi thực hiện đúng quy trình mở túi đề thi, xem tên môn thi, khối thi trên túi đựng đề thi có trùng với tên môn thi, khối thi của buổi thi hay không.

Trong buổi làm thủ tục dự thi sáng qua, các hội đồng thi tập trung phổ biến kỹ Quy chế tuyển sinh cho thí sinh, đồng thời lưu ý thí sinh những vật dụng được phép mang vào phòng thi theo quy định.

Sau khi kết thúc nghe phổ biến quy chế, rất nhiều thí sinh đã đến ngay phòng đào tạo của các trường để yêu cầu chỉnh sửa giấy báo dự thi. Tại Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM, rất đông thí sinh đến để yêu cầu phòng đào tạo điều chỉnh sai sót trên giấy báo dự thi. Đáng nói là có trường hợp yêu cầu phòng đào tạo chuyển khối thi. Một thí sinh trình bày: “Khi làm thủ tục đăng ký dự thi em đã đăng ký thi khối A1, nhưng trong giấy báo dự thi lại ghi khối A. Tuy nhiên, do nhà trường không tổ chức thi khối A1 nên em buộc phải chuyển sang thi khối A”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại cho biết: “Nhà trường đã thông báo cho thí sinh đến chỉnh sửa sớm nhưng thí sinh không chịu đến. Đến tận sáng nay (14-7) thí sinh mới đến và nhà trường cũng giải quyết, yêu cầu thí sinh làm cam kết chuyển sang thi khối A”. Tương tự, Trường CĐ Công thương TPHCM cũng giải quyết cho 2 thí sinh chuyển từ khối A1 sang khối A. Ngoài ra, trường này cũng chỉnh sửa và cấp lại giấy báo dự thi mới cho hơn 50 trường hợp.

Giám thị phổ biến quy chế thi và dặn dò thí sinh trong buổi làm thủ tục dự thi sáng 14-7.

Giám thị phổ biến quy chế thi và dặn dò thí sinh trong buổi làm thủ tục dự thi sáng 14-7.

Ông Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt cho biết: “Phòng đào tạo tiếp nhận và giải quyết cho khoảng 50 trường hợp thí sinh yêu cầu chỉnh sửa giấy báo dự thi. Đặc biệt, có một trường hợp thí sinh và phụ huynh bị mất giấy tờ, nhưng do còn giữ lại phiếu số 2 nên nhà trường đã làm thủ tục cấp lại giấy báo dự thi mới cho thí sinh”.

  • Ngồi thi trên bàn ghế học sinh lớp 1

Tại TPHCM, khá nhiều trường thuê mướn địa điểm thi ở các trường tiểu học (TH). Cụ thể, tại Trường TH Nguyễn Thái Sơn thuộc Hội đồng thi Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM, nhiều phòng thi ở tầng trệt thí sinh phải ngồi bàn ghế học sinh lớp 1 (bàn cao chừng 60cm, còn ghế thì chỉ cao khoảng 20cm). Nhiều thí sinh vào ngồi làm thủ tục dự thi cảm thấy khó chịu và ngượng ngùng. Ngoài ra, nhiều trường khác như CĐ Công thương, CĐ Giao thông Vận tải 3, CĐ Giao thông Vận tải TPHCM, CĐ Văn hóa Nghệ thuật - Du lịch Sài Gòn cũng cho thí sinh ngồi làm bài thi trên bàn ghế của học sinh lớp 1.

L.Nguyên - Th.Hùng

Tin cùng chuyên mục