Gắn kết phân phối với sản xuất

Bộ Công thương vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2035. 
Gắn kết phân phối với sản xuất

Dự thảo nếu được phê duyệt sẽ thúc đẩy thương mại trong nước phát triển toàn diện và bền vững, khắc phục được những nhược điểm cố hữu và làm trụ cột cho doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng Việt. 

Chưa đúng tiềm năng 

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, những năm qua, thương mại trong nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Trong giai đoạn năm 2006 - 2008, mặc dù đầu tư từ ngân sách còn hạn chế nhưng đóng góp bình quân của thương mại trong nước (GDP) đều đạt mức trên 10%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 12% - 13% tổng lao động xã hội (đứng thứ 3 sau ngành nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản và ngành công nghiệp chế biến - chế tạo). Dù vậy, tỷ trọng thương mại trong GDP đang có xu hướng giảm còn 8% - 11% kể từ năm 2010 trở lại đây. Nhìn chung, thương mại không đạt được mục tiêu đề ra trong đề án Phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 (tăng 14,5%) và định hướng đến năm 2020 chiếm 15% GDP. 

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mức độ tham gia hoạt động thương mại ngày càng đa dạng, có sự dịch chuyển từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước, kinh tế tư nhân và DN FDI. Tính chung, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng bình quân hàng năm về thương mại bán lẻ của khu vực nhà nước là 3% - 4%, ngoài nhà nước 15% - 16% và khu vực FDI là 20% - 22%, cho thấy quá trình hội nhập, mở cửa nền kinh tế đã có tác động rõ nét dần trên cơ cấu chủ thể tham gia hoạt động thương mại trong nước. 
Về thực trạng phát triển thương mại, theo Bộ Công thương, số người tham gia buôn bán, dịch vụ tăng nhanh nhưng mang tính chất tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian. Chưa thiết lập được mối liên kết lâu dài giữa sản xuất và lưu thông, giữa bán buôn và bán lẻ theo kênh lưu thông hợp lý, ổn định. Hạ tầng thương mại có phát triển nhưng nhìn chung vẫn còn yếu kém và lạc hậu. Hệ thống phân phối như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh… phân bổ không đồng đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng chợ từ ngân sách chưa thoả đáng, cơ chế phân bổ chưa hợp lý. 

Áp lực cạnh tranh cho DN và các chủ thể bán lẻ trong nước ngày càng lớn, đặc biệt đối với các DN hạn chế về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ bán lẻ. Sự tham gia của các nhà phân phối nước ngoài, nhất là từ Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc kéo theo hàng hóa nhập khẩu với khả năng cạnh tranh cao về chất lượng và giá cả, đang là thách thức cho hàng Việt. Trong bối cảnh đó, tại nhiều địa phương còn thiếu thống nhất và chưa thực hiện đầy đủ việc thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Chưa sử dụng ENT như công cụ hữu hiệu nhằm bảo vệ các nhà bán lẻ trong nước…

Nguyên nhân cốt lõi của những hạn chế là do chưa nhận thức đúng, đủ và chưa thống nhất về vị trí, vai trò và tiềm năng của thương mại trong nước; đặc biệt là khâu phân phối, bán lẻ. Trong một thời gian dài do quá chú trọng vào xuất khẩu, dẫn đến bỏ rơi thị thương mại trong nước nên chưa phát triển đúng với khả năng thực tế.

Đổi mới phương thức hoạt động thương mại theo hướng hiện đại

Để khắc phục những nhược điểm cố hữu trên, tạo điều kiện thương mại trong nước phát triển, làm điểm tựa cho sản xuất, Chính phủ đã giao Bộ Công thương soạn thảo dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2015, tầm nhìn 2035. Mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển thương mại trong nước hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, đáp ứng ngày càng cao về chất lượng, an toàn vệ sinh, môi trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất và phân phối. 

 Định hướng chung của chiến lược là phát triển các phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại đa dạng, phù hợp với quá trình sản xuất, góp phần gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm, có khả năng gắn kết và thúc đầy phát triển sản xuất. Đổi mới phương thức hoạt động của thương mại theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Đổi mới phương thức quản lý nhà nước, tôn trọng các quy tắc thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp vào những địa bàn, lĩnh vực mà tư nhân không tham gia. Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, trước mắt tập trung luật hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, thiết lập thị trường, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, hoàn thiện cơ chế pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Dự thảo chiến lược đã được chia thành từng giai đoạn cụ thể, đồng bộ về thời gian gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển 10 năm của quốc gia. Đồng thời, xây dựng các mục tiêu cụ thể cần đạt được cho từng giai đoạn; có định hướng và giải pháp thực hiện phù hợp như nhóm giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh theo cam kết quốc tế; nhóm giải pháp phát triển hạ tầng thương mại; nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và điều tiết thị trường; nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thương mại; nhóm giải pháp gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm; nhóm giải pháp hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ…

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mục tiêu phát triển thị trường trong nước cơ bản không chỉ nâng số lượng mà phải nâng chất lượng tăng trưởng. Dự thảo cần có phần dự báo về số liệu thay đổi, như cơ cấu hàng hóa nguồn hàng tại kênh phân phối theo hướng không để tình trạng hàng nước ngoài tràn lan ở các kênh phân phối. Cần nắm bắt xu thế về sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và thanh toán điện tử để thay đổi chính sách theo hướng phù hợp với phương thức thanh toán mới. PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã triển khai 10 năm và đạt được một số hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trong giai đoạn mở cửa, chính sách với nguồn cung hàng Việt phải nâng cấp lên. Không chỉ ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam mà hàng Việt phải chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam” 

Mục tiêu cụ thể của dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2015, tầm nhìn 2035, như sau:

Từ nay đến năm 2020: GDP lĩnh vực thương mại đạt 440,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 9,61% GDP cả nước, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,6%/năm. Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến năm 2020 đạt 10,7%, đạt khoảng 5,3 triệu tỷ đồng. Đến năm 2020, bán lẻ khu vực kinh tế trong nước chiếm 95% tổng mức bán lẻ, khu vực FDI chiếm 5%. Tỷ trọng bán lẻ hàng hóa trên kênh hiện đại đến năm 2020 đạt 30%, tương đương 1,6 triệu tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2025: GDP lĩnh vực thuơng mại đạt 690 ngàn tỷ đồng, đóng góp 13% GDP vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến năm 2025 đạt 9%/năm, tổng doanh thu đạt 8,5 triệu tỷ đồng. Bán lẻ trong nước chiếm 88% tổng mức bán lẻ, khu vực FDI chiếm 12%. Tỷ trọng bán lẻ hàng hóa trên kênh hiện đại đến năm 2025 đạt 35%, tương đương 2,9 triệu tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục