Kể từ khi được thành lập (năm 2007), cùng với việc ổn định cơ chế hoạt động từ con người cho đến nguồn vốn, Phòng Quản lý KHCN cơ sở (Sở KH-CN TPHCM) đã và đang thực hiện nhiều chương trình thiết thực, sớm đưa các tiến bộ KH-CN về quận huyện, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh tại các quận, huyện trên địa bàn TPHCM.
Theo ông Trần Thu Bích, Trưởng phòng Quản lý KH-CN cơ sở, hầu hết các quận, huyện đã có cán bộ chuyên trách lĩnh vực KH-CN, điều này tạo điều kiện đẩy mạnh công tác quản lý và ứng dụng KH-CN. Có thể dễ dàng nhận thấy trong năm qua, việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) được các quận, huyện chú ý quan tâm. Hiện đã có 7 quận, huyện áp dụng GIS vào quản lý cấp phép doanh nghiệp, quản lý cấp phép và thanh tra xây dựng, quản lý các hoạt động, kinh doanh nhạy cảm…
Cụ thể, tại quận 11, đã xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý (GIS) nhằm hỗ trợ đắc lực công tác quản lý chất thải rắn và quy hoạch các tuyến thu gom. Việc thu gom chất thải rắn trên địa bàn quận 11 trước nay chủ yếu do khoảng 200 công nhân thu gom rác dân lập đảm nhiệm với khoảng 170 tuyến đường, trong khi công tác quản lý đội ngũ thu gom của các phường chủ yếu trên giấy tờ, sổ sách. Nhưng với sự hỗ trợ từ GIS, các phường dễ dàng quản lý thông tin các hộ dân, đơn vị sản xuất kinh doanh theo từng công nhân thu gom rác dân lập, giúp phát hiện các hộ dân chưa có trong danh sách đóng phí.
Các kết quả sau khi được thống kê sẽ hiển thị và tương tác trên bản đồ, giúp các phường nắm bắt nhanh thực tế chung, từ đó hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý và quy hoạch tuyến thu gom… Vừa qua, quận 11 cũng đã tiến hành nghiệm thu, báo cáo kết quả giai đoạn đầu cho thấy, công tác quản lý thu gom rác tỏ ra hiệu quả hơn trước. Tiết kiệm thời gian và kinh phí cho quận.
Tiếp nối những việc làm được, từ đầu 5-2010, Phòng Quản lý KH-CN cơ sở triển khai áp dụng đề tài “Xây dựng hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến” do Trường Đại học Công nghệ thông tin TPHCM thực hiện tại Trường Dạy nghề Nhân Đạo (phường 11, quận 3), với mong muốn ban đầu là ứng dụng công nghệ đào tạo trực tuyến vào công tác giảng dạy.
Từ kết quả đã được nghiệm thu tại Sở KH-CN TPHCM, Trường Đại học Công nghệ Thông tin trực tiếp về trường cài đặt, thiết lập môi trường kỹ thuật cho hệ thống chính trên server của trường gồm: Hệ thống quản lý tài khoản, hệ thống quản lý khóa học, hệ thống cung cấp khoa học và hệ thống thống tương tác giữa người dạy và người học.
Ông Trần Thu Bích nhấn mạnh, kết quả trên là tiêu biểu cho công tác ứng dụng các kết quả nghiên cứu tại các viện, trường trong thời gian qua. Hiện, Phòng Quản lý KHCN cơ sở đã thu thập gần 12.000 công trình, kết quả nghiên cứu từ viện, trường. Sau khi sàng lọc, chúng tôi sẽ đưa vào ứng dụng tại các quận huyện có nhu cầu.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mở gần 100 lớp tập huấn tại các phường, xã nhằm mục đích để các cá nhân, các hộ buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ tiếp cận với các kiến thức về KH-CN và quản lý nhà nước về KH-CN. Từ đó người dân gần gũi và quan tâm hơn đến việc áp dụng KH-CN vào phục vụ cuộc sống.
TƯỜNG HÂN