Những câu chuyện xúc động về tình cảm giữa người ở đất liền và chiến sĩ nơi đảo Trường Sa khiến bao đôi mắt rưng rưng, trái tim thổn thức. Ai cũng mong mỏi được chia sẻ thật nhiều với khó khăn vất vả của những người lính đang mang nặng trách nhiệm giữ biển, giữ đảo, giữ đất trời quê hương.
Đó là cảm xúc của hầu hết những ai có mặt trong buổi giao lưu tại NVH Phụ nữ với những người mẹ, người vợ, người yêu và những người con của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Với chủ đề “Gần lắm Trường Sa ơi!” buổi giao lưu giúp những trái tim thành phố đang hướng về Trường Sa hiểu rõ hơn sự vất vả, khó khăn, tinh thần trách nhiệm, cũng như tâm tư tình cảm của những người chiến sĩ - cán bộ đang làm việc nơi đảo xa qua những tự tình, sẻ chia của người thân các chiến sĩ.
Chị Nguyễn Thị Thủy vợ của đại úy Vũ Đăng Quyền là bác sĩ Bệnh xá thị trấn Trường Sa Lớn, tâm tình: “Lấy nhau được 7 năm nhưng có đến 5 năm anh học tập và làm nhiệm vụ xa nhà. Một mình chăm sóc đứa con trai (nay được 7 tuổi) cũng có bao nỗi khó khăn, tuy nhiên, tình yêu dành cho chồng và tình yêu lớn dành cho biển đảo Trường Sa đã luôn giúp tôi vững niềm tin để “tiếp lửa” cho anh. Chăm sóc và dạy dỗ con chu đáo cũng là cách chia sẻ để anh yên tâm làm tròn trách nhiệm trong công việc”.
Không được may mắn như chị Thủy, chị Nguyễn Thị Châm - giáo viên giỏi của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, có đứa con đầu lòng 8 tuổi bị chậm phát triển trí tuệ, cháu thứ hai còn nhỏ, chồng chị là đại úy Vũ Như Đức - hiện là cán bộ kỹ thuật tại đảo Trường Sa Lớn. Cứ 3-4 tháng anh mới về nhà 1 lần, thế nên bao công việc dồn cả trên đôi vai gầy gò của chị, ấy vậy mà chị chẳng buồn. Tinh thần lạc quan giúp tình yêu dành cho anh trong trái tim chị thêm mạnh mẽ, để chị có nhiều nghị lực vươn lên cuộc sống, là hậu phương vững chắc hỗ trợ tinh thần anh nơi tiền tuyến.
Trong buổi giao lưu, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh - trung tá Đỗ Văn Duy, chỉ huy bay của Sư đoàn phòng không không quân 370, đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Lớn, là gia đình có thâm niên nhất, anh chị kết hôn được 22 năm. Dù anh luôn không ở cạnh bên, chị vẫn khéo vun vén và nuôi dạy hai con rất tốt. Nay con trai lớn đã là sinh viên năm 3 Trường ĐH Công nghiệp, cô con gái 9 năm liền là học sinh giỏi...
Những tâm tình của người mẹ, người vợ, người con lôi cuốn người nghe và tạo nên bao xúc cảm, cũng là tình cảm của bao trái tim nơi đất liền trên mọi miền đất nước đang hướng về Trường Sa, cuộn dâng như những con sóng ngoài biển lớn.
Với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại biển đảo, những tự sự, tâm tình cũng đầy ắp nỗi thương nhớ dành cho người thân. Bài thơ của chiến sĩ Nguyễn Thanh An (đảo Đá Thị) đã bộc bạch tình cảm thiết tha nhớ mẹ khiến bao người sụt sùi: “Mẹ ơi, Trường Sa ngày bão tố. Muống biển bơ phờ ôm gốc bàng vuông. Thân đảo cũng ba chìm bảy nổi. Hồn chùng mép sóng bóng chiều buông. Lính đảo ba miền nghĩa nặng tình sâu. Mộc mạc khiêm nhường, chịu thương chịu khó. Tóc cháy da đen, chai sạm một màu. Phơi nắng dầm mưa dãi dầu sương gió… Bền bỉ sức trai ngày dài tháng rộng. Chúng con canh gác biển trời. Mỗi hạt cát cũng mặn tình Tổ quốc. Thoảng nghe tiếng mẹ giữa trùng khơi…”.
Buổi giao lưu là một trong các hoạt động ý nghĩa của Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Vì Trường Sa thân yêu – Vì tuyến đầu của Tổ quốc”.
Từ năm 2006 đến nay, NVH Phụ nữ thường xuyên phát động các cuộc vận động đóng góp trong cán bộ, giáo viên và học viên để trao tặng những phần quà thiết thực: dàn máy karaoke, các tủ đông, xe cải tiến, những món quà vào dịp xuân về… nhằm giảm bớt những khó khăn trong sinh hoạt thường ngày của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.
Đó cũng là tình cảm, sự trân trọng của những người ở đất liền dành tặng các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bám trời, bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
THÚY BÌNH