Nhiều thập kỷ qua, tranh chấp lãnh thổ mà phía Nga gọi là quần đảo Kuril trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc khiến quan hệ hai cường quốc này chưa thể tiến xa hơn. Quan điểm của Tokyo về việc Mátxcơva đang kiểm soát khu vực tranh chấp trên là chiếm đóng trái phép. Ngược lại, Mátxcơva cho rằng Tokyo phải chấp nhận mất mát lãnh thổ như một hệ quả của sự thất bại trong cuộc “chiến tranh xâm lược” Thế chiến 2.
Giờ đây, theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể chưa đi đến được thỏa thuận cuối cùng cho vấn đề này nhưng hai nhà lãnh đạo sẽ có những bước đi mà chưa thế hệ tiền nhiệm nào của hai nước thực hiện được. Ông Abe gần đây tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề lãnh thổ, chấm dứt tình trạng không có hiệp ước hòa bình dù Thế chiến 2 đã kết thúc được 71 năm. Bên cạnh đó là thúc đẩy hợp tác Nhật - Nga trong nhiều lĩnh vực như kinh tế và năng lượng. Giới quan sát nhận định, nhà lãnh đạo của Nhật Bản sẽ không bao giờ đưa ra một tuyên bố chắc nịch như vậy nếu cam kết ngoại giao của ông với nhà lãnh đạo của Nga không sắp sửa “đơm hoa kết trái”. Một chỉ dấu cho thấy điều này đó là tuyên bố đầy tích cực vào tháng trước của ông Putin về quan hệ với Nhật Bản rằng: “Không phải là trao đổi thương mại, buôn bán, cái chúng tôi đang nói tới là một giải pháp để không một bên nào cảm thấy mình phải chịu thiệt”.
Giới phân tích nhận định, nhu cầu nội tại và những biến động về chính trị, an ninh trên toàn cầu hiện nay đang đẩy Nhật - Nga xích lại gần nhau hơn. Về phía Nga, kinh tế nước này vẫn còn nhiều khó khăn do lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây về việc Nga sáp nhập Crimea. Trong bối cảnh giá dầu thô chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc, Mátxcơva rất cần nguồn đầu tư từ Tokyo. Nguồn tiền từ Nhật Bản không chỉ giúp nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Nga tăng trưởng, mà Nga còn có thể sử dụng các thỏa thuận hợp tác với Nhật Bản để phá thế cô lập và lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Việc mở rộng hợp tác về thương mại, tài chính với Tokyo sẽ khiến các đồng minh bất đắc dĩ của Mỹ lung lay trong việc trừng phạt Nga, bởi thực tế, các quốc gia phương Tây không hề muốn từ bỏ thị trường Nga giàu tiềm năng. Ngoài ra, việc bắt tay với một cường quốc tại châu Á còn có thể giúp Nga tăng cường được vị thế của mình trong khu vực.
Về phía Nhật Bản, khi xích lại gần Nga, ngoài kinh tế, vấn đề an ninh sống còn của quốc gia là điều Tokyo đặc biệt quan tâm. Mỹ đã giúp Nhật Bản đảm bảo an ninh trong suốt 7 thập niên qua. Tuy nhiên, qua những dấu hiệu thiếu kiên quyết, mạnh mẽ của đồng minh trong vấn đề biển Đông thời gian qua, Tokyo không khỏi hoài nghi về cam kết của đồng minh với an ninh của chính mình. Tokyo càng quan ngại hơn trong vấn đề an ninh nếu ứng viên đảng Công hòa Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, bởi ông Trump từng tuyên bố rằng những đồng minh như Nhật Bản hay Hàn Quốc muốn được Mỹ đảm bảo an ninh thì phải trả phí. Trong lúc Trung Quốc ngày càng hung hăng ở cả biển Đông và biển Hoa Đông, đã đến lúc Nhật Bản phải tính đến chuyện tăng cường tiềm lực quốc phòng của chính mình; và Nga là một đối tác. Ngoài Trung Quốc, mối lo về Triều Tiên cũng luôn cận kề. Là một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, tiếng nói của Nga sẽ giúp Nhật Bản trong vấn đề này.
ĐỖ CAO