Gắn phát triển kinh tế với xúc tiến du lịch biển đảo

Vượt qua nhiều khó khăn, rào cản, không ít địa phương đã có cách gỡ khó, giúp người dân bám biển làm kinh tế, khai thác du lịch hiệu quả. Trong số các tỉnh thành đi tiên phong phải kể tới Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Kiên Giang, TPHCM… Khoảng cách địa lý rút ngắn nhờ bến phà, những cây cầu… giúp tốn ít thời gian đi lại, việc thông thương kinh doanh, buôn bán cũng thuận lợi hơn, tạo hấp lực cho du khách khắp mọi miền đến các địa phương nói trên.

Kết nối du lịch với “ốc đảo”

Với tỉnh Thừa Thiên - Huế, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai dài 70km với diện tích hơn 22.000ha lớn nhất Đông Nam Á vốn rất nổi tiếng. Người dân trước kia vẫn lan truyền câu ca Thương anh em cũng muốn vô/ Sợ chuông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang, để phản ánh yếu tố đường xá xa xôi, cách trở. Thế nhưng, ngày nay được sự quan tâm của Trung ương cũng như chính quyền địa phương, nhiều cây cầu đã mọc lên, như cầu Thuận An, Trường Hà, Tư Hiền, Ca Cút (vượt phá Tam Giang) giúp kết nối các tuyến đường huyết mạch với một số xã ven biển từng bị cô lập như các “ốc đảo”, tạo điều kiện cải thiện cuộc sống của người dân miền biển, thu hút du khách đến với địa phương.

Du khách đi ca nô siêu tốc tham quan du lịch đường sông tại TPHCM

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình), đại diện một hãng lữ hành ở TPHCM dẫn chứng, những năm qua, các tour du lịch đến “Huế - Tam Giang”, “Tam Giang - biển Thuận An - Huế”… được du khách đón nhận đầy hào hứng. Tại đây, du khách được tham gia các trò chơi trên biển, thưởng thức hải sản trên thuyền, ngắm buổi chiều trên phá Tam Giang, trải nghiệm “một lần làm ngư dân đầm phá”… rất thú vị.

Theo một lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, hải sản các loại nhờ có cầu bắc qua phá Tam Giang nên thông thương, giá bán cải thiện, tăng gấp 1,5-2 lần/kg so với trước đây. Đối với cầu Ca Cút, tổng chiều dài toàn tuyến gần 8,5km, kéo dài từ Km40 quốc lộ 49B đến điểm giao nhau với quốc lộ 49A tại Km5, gần cầu Thuận An, vừa đảm bảo thông thương giữa các khu dân cư vùng đầm phía Bắc (cửa Thuận An) với TP Huế, vừa đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Di chuyển xuống Kiên Giang, 1 trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nổi tiếng với đảo ngọc Phú Quốc, nơi đây cũng đã và đang có nhiều chiến lược phát triển “ngành công nghiệp không khói” của mình. Riêng huyện đảo Phú Quốc đã được Chính phủ phê duyệt trở thành “thành phố - đảo du lịch”. Trong đó, năm 2017 này, ngành du lịch Kiên Giang đặt mục tiêu cho Phú Quốc thu hút 1,8 triệu lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch hơn 11.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2016. Thống kê sơ bộ cho thấy, huyện đảo Phú Quốc đã “đón” khoảng 220 dự án đầu tư vào du lịch (chiếm 79% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh Kiên Giang) với tổng số vốn trên 220.000 tỷ đồng. Trong năm 2017 này, ngành du lịch Kiên Giang đưa ra kế hoạch đón khoảng 5,8 triệu lượt du khách, đồng thời tiếp tục khẳng định ngành du lịch sẽ được ưu tiên hàng đầu trong việc xuất khẩu tại chỗ, thu về ngoại tệ, phát triển kinh tế địa phương...

Xúc tiến, quảng bá

Trong thời gian qua, nhiều tỉnh thành như tỉnh Thừa Thiên - Huế, Kiên Giang, Đà Nẵng... đã liên tiếp có những chuyến quảng bá, xúc tiến du lịch lẫn nhau, cũng như xúc tiến tại các TP gồm Hà Nội, TPHCM... Mục tiêu hướng đến việc giúp cho người dân hiểu thêm về danh lam thắng cảnh, vẻ đẹp biển đảo, ẩm thực đặc sắc của từng vùng miền, từ đó kéo khách đến với các tỉnh thành nhiều hơn.

Riêng TPHCM, gần đây, ngoài việc liên tục có những đợt xúc tiến trong nước thì TP cũng tổ chức các chuyến xúc tiến quốc tế ở các thị trường trọng điểm, tiềm năng. Chẳng hạn như từ ngày 12 đến 17-3, ngành du lịch TPHCM đã có chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại Liên bang Nga, một trong những thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam. Hoạt động của sự kiện gồm, mở gian hàng quảng bá du lịch Việt Nam - TPHCM tại Hội chợ du lịch quốc tế Mátxcơva lần thứ 24, tổ chức hội thảo kết hợp họp báo giới thiệu quảng bá du lịch với những tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc... Trước đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có buổi giới thiệu, quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh đến các điểm tham quan nổi tiếng.

Theo Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ, thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác các tour, tuyến du lịch đường sông, kết nối với huyện Cần Giờ, mở rộng xây dựng tuyến đường thủy nội đô, sản phẩm du lịch gắn với phát triển nông thôn mới, du lịch ẩm thực... Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, để tăng tốc phát triển du lịch Cần Giờ, thời gian tới cần gấp rút xây dựng thêm cầu phà, trạm dừng chân cho du khách... Ngoài ra, du khách cần được thưởng thức các sản phẩm du lịch mới, song song với những tour tuyến sẵn có mà địa phương đang khai thác, mục tiêu hướng đến việc nâng chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Đối với ngành du lịch tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo đơn vị này cũng khẳng định, phải nỗ lực phát triển du lịch Kiên Giang theo hướng xanh, sạch, bền vững với môi trường. Trước mắt, Kiên Giang lưu ý tới việc xử lý các điểm nghẽn về rác thải, ảnh hưởng đến du khách; kế đến là quản lý mặt bằng chung về giá, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng khách bị chặt chém khi đến du lịch ở các đảo của Kiên Giang...

XUÂN TRƯƠNG

Tin cùng chuyên mục