Gánh nặng giá thuốc

Chi phí chữa trị tăng cao
Gánh nặng giá thuốc

Bước ra khỏi nhà thuốc BV Bình Dân (TPHCM) sáng 7-3, cầm toa thuốc gồm 5 loại trên tay, chị Hoàng Ngọc B. (ngụ huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước) lắp bắp: “Hết 1,3 triệu đồng, lấy đâu ra bây giờ. Về TPHCM 2 ngày, tiền khám, tiền ăn mất đứt cả triệu đồng rồi, giờ còn có 500.000 đồng trong túi”.

Hóa đơn tiền thuốc của một bệnh nhi điều trị ở BV Nguyễn Tri Phương gần 100 triệu đồng. Ảnh: Tg.Lâm

Hóa đơn tiền thuốc của một bệnh nhi điều trị ở BV Nguyễn Tri Phương gần 100 triệu đồng. Ảnh: Tg.Lâm

Chi phí chữa trị tăng cao

Bị sỏi đường tiết niệu từ 2 năm qua, chị B. đã một lần mổ nhưng chưa hết. Thỉnh thoảng chị lên cơn đau quặn thắt rồi ngất xỉu do bí tiểu và có nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu. Gia đình làm rẫy ở tỉnh Bình Phước, mỗi lần xuống TPHCM khám bệnh, chị B. phải chạy đôn chạy đáo vay mượn. “Mấy tháng trước, mỗi lần khám xong, bác sĩ cho toa thuốc hết vài trăm ngàn đồng, nhưng nay đã lên bạc triệu. Kiểu này ở nhà chờ chết chứ lấy đâu ra tiền” - chị B. than thở.

Dạo qua các bệnh viện sáng 7-3, chúng tôi ghi nhận rất nhiều hoàn cảnh thương tâm vì không đủ tiền mua thuốc chữa bệnh. Tại BV Nguyễn Tri Phương, một bệnh nhân bị bệnh cao huyết áp cho biết mặc dù BHYT chi trả một phần nhưng mỗi tháng ông cũng mất gần 3 triệu đồng tiền thuốc. Không ít bệnh nhân lo lắng vì dù giá tại nhà thuốc bệnh viện ổn định nhưng do một số loại thuốc không có, phải ra nhà thuốc bên ngoài mua nên bị “chém” đẹp. Một số bác sĩ tại BV Nguyễn Tri Phương thừa nhận các loại thuốc đặc trị cho bệnh nhân tim mạch, thần kinh có giá rất cao nên người bệnh nghèo rất khó mua nổi nếu không có BHYT. Những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, ung thư phải sử dụng thuốc thường xuyên, hiện gặp nhiều khó khăn.

Tại BV Ung bướu TPHCM sáng qua, nhiều bệnh nhân nằm vạ vật ngay dưới gầm cầu thang trước cổng bệnh viện sụt sùi khi kể về bệnh tình. Một số bệnh nhân lục tục cuộn lại mấy bộ quần áo cũ nát và chiếc chiếu để về nhà. Một nữ bệnh nhân ngoài 40 tuổi khóc: “Tôi bị ung thư vú, đã cắt rồi nhưng phải điều trị ngoại trú. Do nhà ở tận Bình Định nên ở tạm gầm cầu thang bệnh viện để tiếp tục chạy chữa. Nay hết tiền vô hóa chất, mua thuốc rồi nên về nhà chờ chết thôi”.

Đọc kỹ toa thuốc được bác sĩ kê, chị Trần Thị H. (Củ Chi, TPHCM) lo lắng vì có tới 7 loại thuốc, phần lớn là thuốc đặc trị chữa ung thư cổ tử cung. Theo đơn bác sĩ kê, chị H. cần tới các loại thuốc như Eprex 4000 đơn vị (tạo máu), Avastin 100mg (đặc trị ung thư)… Tuy nhiên, khi nhìn vào giá của các loại thuốc đó, chị... choáng. Eprex gần 700.000 đồng/hộp 6 ống, Avastin gần 9 triệu đồng/ống. Tính sơ sơ, toa thuốc của chị H. đã hơn 10 triệu đồng. “Tiền đâu mà chạy chữa. Được bao nhiêu ruộng vườn bán hết rồi” - chị H. lắc đầu tuyệt vọng.

Đưa thuốc giá rẻ đến người bệnh

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, thuốc chữa bệnh sẽ được đưa vào chương trình bình ổn giá của TP. Tuy nhiên, đó là những loại thuốc thiết yếu mà trong nước sản xuất được. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, không khỏi băn khoăn vì giá thuốc liên tục tăng cao thời gian qua. “Nhiều loại thuốc trong nước sản xuất được với giá rẻ hơn thuốc ngoại, chất lượng tương đương. Nhưng do tâm lý chuộng sử dụng thuốc ngoại của người bệnh đã góp phần làm tăng giá thuốc”, PGS Phong Lan bày tỏ.

Sự thực, với hơn 150 nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP-WHO), trong đó TPHCM có 22 nhà máy, chắc chắn đủ khả năng cung ứng các loại thuốc thiết yếu đến tay người bệnh với giá phù hợp. Dược sĩ Lương Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Boston Pharma, cho biết sẵn sàng đưa thuốc vào chương trình bình ổn giá của UBND TPHCM để người bệnh được hưởng thuốc chất lượng, giá phù hợp.

Theo dược sĩ Huỳnh Thị Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty MEKOPHAR, nếu đưa thuốc của công ty vào chương trình bình ổn giá sẽ giúp nhiều người bệnh có cơ hội sử dụng hơn. Thay vì bỏ ra cả triệu đồng để uống thuốc ngoại thì chỉ mất vài trăm ngàn đồng, người bệnh đã sử dụng được thuốc nội, có hiệu quả ngang nhau. Ghi nhận cho thấy, hiện các công ty dược trong nước sản xuất được nhiều loại thuốc thiết yếu thay thế được thuốc nhập khẩu nhưng giá rẻ hơn nhiều. Hơn nữa, một số loại thuốc đặc trị chữa viêm gan siêu vi B, C mạn tính cũng đã được Công ty Nanogen tại Khu Công nghệ cao TPHCM sản xuất được có chất lượng tốt nhưng giá chưa tới 1,5 triệu đồng/liều, trong khi giá thuốc nhập ngoại tương tự hơn 4 triệu đồng/liều.

* Tại cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc để đưa thuốc sản xuất trong nước có giá rẻ đến tay người bệnh. Đồng chí Lê Hoàng Quân cũng đề nghị đưa các loại thuốc thiết yếu vào chương trình bình ổn giá. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất chính là ý thức sử dụng thuốc của người bệnh và bác sĩ kê toa “sính ngoại”.

Ngoài ra, tình hình tăng giá của các nguyên liệu đầu vào như điện, nước, xăng dầu… khiến các công ty dược gặp không ít khó khăn. “Nếu không có chính sách hỗ trợ, các công ty dược, kể cả đã trúng thầu cung ứng cho bệnh viện, cũng chỉ cầm cự đến hết tháng 6-2011. Sau đó, buộc phải tăng giá thuốc” - dược sĩ Lương Đăng Khoa nói.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục