Đọc sách

Gánh xương trâu

Gánh xương trâu

Với số lượng tác phẩm đã được công bố, người ta thấy Hồ Thị Hải Âu viết không nhiều. Tuy vậy, chị đã giành được một số giải thưởng quan trọng: Giải truyện ngắn hay (Tạp chí Văn nghệ Quân đội: 1989-1990), Giải “Tác phẩm tuổi xanh” (Báo Tiền phong - 1992), Giải “Tác phẩm hay viết về Hà Nội” (1993)… và bây giờ chúng ta “gặp” lại chị qua Gánh xương trâu - tập truyện ngắn tuyển 10 tác phẩm hay và mới nhất của chị do Tổng Công ty Sách Việt Nam độc quyền phát hành.

Gánh xương trâu ảnh 1

Có lẽ truyện ngắn Gánh xương trâu được Hồ Thị Hải Âu lấy làm tên chung cho tập truyện bởi ở đó chất chứa những gợi nhắc, những kỷ niệm chị muốn dành cho những người thân yêu nhất và dường như nó như một cái mốc đánh dấu một khoảng thời gian sáng tác của chị.

Những dòng hồi ức trong Gánh xương trâu đưa ta về với những “Ngôi nhà tranh vách đất. Gốc gạo. Ao bèo” - khoảng không gian quá đỗi quen thuộc ở mỗi làng quê Bắc bộ. Tâm điểm của Gánh xương trâu là chuyện trong một gia đình ngụ cư. Sống giữa hoàn cảnh chiến tranh, những con người ngày ngày phải đối mặt với nghèo đói nhưng vẫn ấm áp tình ruột thịt.

Trong tập sách này, với cách viết rất tỉnh, pha chút hóm hỉnh, tác giả đã dựng nên những số phận khác nhau: đó là anh hủi trong Người bán thuốc dạo, là một trí thức trẻ trong Đám đông… nhưng có lẽ gây ấn tượng hơn tất cả vẫn là hình ảnh những người phụ nữ - mỗi người một thân phận khác nhau, có người cho dù có lúc ngang ngược, lạnh lùng nhưng đằng sau đó đều ánh lên vẻ nhân hậu đến thánh thiện.

Nhân vật nữ trong Khi hoàng hôn bình yên là một người đa cảm và lãng mạn. Nhưng đó cũng chính là bi kịch của chị. Chị không tìm thấy cho mình một tâm hồn đồng điệu. Người đàn ông của chị lại là một người lạnh lùng, vô cảm và thô bạo. Cam chịu và nhẫn nhục, đau đớn và dằn vặt nhưng cuối cùng chị cũng phải kết thúc cuộc hôn nhân ngắn ngủi của mình.

Hạnh là một nhân vật trong một tác phẩm cùng tên. Mặc dù sống trong cảnh sung túc về vật chất nhưng trong Hạnh luôn chứa đựng một nỗi đau riêng: cha mẹ bỏ nhau, cô phải sống với bà cô không chồng khắc nghiệt. Hạnh trong truyện có tính cách mạnh mẽ, ngang tàng, nhưng thực ra đằng sau dáng vẻ ấy lại là một khát vọng sống mãnh liệt, ước muốn bứt ra khỏi cuộc sống hiện tại để được làm một người phụ nữ bình thường. Những phiên bản của đời khắc họa hai “phiên bản” - một “ưa sự điều độ và chừng mực”, một - xinh đẹp, kiêu sa dám vượt qua những dị nghị để tìm hạnh phúc cho mình, để được sống với cảm xúc, tình cảm thật của mình.

Mặc dù phần lớn truyện trong Gánh xương trâu đều đề cập đến nhân vật là những người phụ nữ nhưng không giống như nhiều tập truyện khác, những câu chuyện của Hồ Thị Hải Âu nhẹ nhàng, dung dị nhưng không gây ra sự nhàm chán bởi cách viết tinh tế, sâu sắc và uyển chuyển. Chính vì vậy, những câu chuyện ấy cứ tự nhiên đi vào lòng người và khơi dậy ở mỗi người lòng trắc ẩn, sự đồng cảm với mỗi nhân vật của chị. 

A Bynh

Tin cùng chuyên mục