Gạo ĐBSCL trúng mùa - được giá

Những ngày cuối tháng 2-2020, nông dân ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân. Tuy có chịu tác động ít nhiều từ hạn mặn vùng ven biển, nhưng phần lớn nông dân trúng mùa, giá lúa đã tăng lên so với đầu vụ. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn cung toàn cầu giảm do tác động của biến đổi khí hậu, giá lúa gạo sẽ có lợi cho nông dân ĐBSCL. 
Thu hoạch lúa đông xuân ở Cần Thơ
Thu hoạch lúa đông xuân ở Cần Thơ

Gạo ngon, giá cũng ngon

“Nhà có 10 công lúa (1ha), vừa thu hoạch xong, bán liền cho thương lái tại ruộng với giá 5.000 đồng/kg. Mừng lắm, vì giá này cao hơn hồi đầu vụ gần 300 đồng/kg. Lúa lại đạt năng suất gần 7 tấn/ha”, ông Trần Anh Tuấn (Bảy Tuấn), nông dân ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết. Ông Bảy Tuấn là một trong hàng ngàn nông dân huyện Long Mỹ vừa thu hoạch khoảng 500ha lúa đông xuân. Những nông dân như ông Bảy Tuấn rất vui khi được chính quyền địa phương huy động gần 100 máy gặt đập liên hợp để giúp nông dân đồng loạt thu hoạch lúa trên đồng ruộng. Giá công cắt máy gặt đập liên hợp dao động 260.000 - 300.000 đồng/công (tùy theo lúa đứng hay lúa sập), thấp hơn giá thuê cắt tay (giá thuê cắt tay 400.00 - 500.000 đồng/công).

Hiện nông dân ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 750.000/1,5 triệu ha lúa đông xuân, năng suất đạt khoảng 6,8 tấn/ha, (tương đương khoảng 5 triệu tấn lúa). Dù một số vùng ven biển bị thiệt hại ít nhiều do hạn mặn gây ra, nhưng Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các tỉnh trong vùng chủ động triển khai nhiều biện pháp nên đã hạn chế rất lớn thiệt hại. Trong đó, việc nông dân tranh thủ xuống giống đầu vụ sớm để né hạn, tránh mặn đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra, việc các địa phương hoàn thành sớm nhiều dự án ngăn mặn trọng điểm và hoạt động kịp thời đã bảo vệ được diện tích sản xuất lúa.

Hiện các doanh nghiệp trong vùng mua lúa ướt của nông dân ĐBSCL tại ruộng với giá dao động 4.400 - 5.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 300 - 500 đồng/kg; chỉ có giống lúa IR50404 tiêu thụ thị trường nội địa là giá thấp, khoảng 4.400 đồng/kg. Trong đó, giá lúa hạt dài cao hơn lúa thường 300 - 800 đồng/kg. Còn giá lúa thu mua tại kho của doanh nghiệp 5.400 - 6.400 đồng/kg, cao hơn mức bán lúa tươi tại ruộng của nông dân bình quân 1.000 đồng/kg. “Giá lúa đã tăng mạnh lên khi nông dân vào vụ thu hoạch rộ. Cụ thể, nhiều thương lái, doanh nghiệp đã đến tận ruộng của nông dân đặt cọc và ký hợp đồng bao tiêu thu mua lúa dài với giá 5.000 - 5.200 đồng/kg. Riêng giống RVT 6.000 - 6.100 đồng/kg. Đặc biệt, giống ST 24 lên đến 7.100 đồng/kg. Điều phấn khởi hơn là năng suất lúa nông dân thu hoạch ước đạt 7,3 - 7,5 tấn/ha”, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng cho biết.

Sáng cửa xuất khẩu gạo

Năm 2020 dự báo sản lượng gạo toàn cầu có xu hướng giảm nhẹ từ 499 triệu tấn xuống 497,8 triệu tấn. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thương mại và tiêu thụ toàn cầu năm 2020 được dự báo tăng lên ở mức 46,2 triệu tấn (tăng gần 2 triệu tấn so với năm ngoái). Xuất khẩu Việt Nam trong năm 2020, dự báo tăng nhẹ lên mức 6,75 triệu tấn so với mức 6,7 triệu tấn năm 2019.

Sau hơn 10 năm là thị trường số 1 của gạo Việt Nam, đến năm 2019, Trung Quốc đã rơi xuống vị trí thứ 4 về lượng nhập khẩu. Nguyên nhân chủ yếu do sự thay đổi chính sách về thuế và sự siết chặt về chất lượng gạo được nhập khẩu vào nước này, cùng với việc tồn kho trong nước dồi dào nên Trung Quốc rất hạn chế nhập khẩu gạo.

Song, các chuyên gia lúa gạo nhận định: Lượng dự trữ của Trung Quốc sẽ hết sau dịch Covid-19. Vì vậy, lượng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng nhiều. Trong khi đó, ngoài các thị trường truyền thống lâu nay, xuất khẩu gạo Việt Nam được xem là “sáng cửa” hơn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) không chỉ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định: Năm 2020 xuất khẩu gạo của Việt Nam được đánh giá sẽ có triển vọng do tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như yếu tố cung cầu của thị trường thế giới có sự thay đổi. Cùng các chính sách về giảm lãi suất, phía Việt Nam chủ động làm việc với Philippines về xuất khẩu gạo, đồng thời việc tăng cường kiểm soát cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước, sẽ tạo cơ sở để xuất khẩu gạo Việt Nam rộng cửa hơn.

Hiện tại, tình hình hạn mặn khốc liệt không chỉ tác động đến diện tích lúa đông xuân còn lại mà có thể ảnh hưởng đến sản xuất vụ hè thu tới đây. Các doanh nghiệp e ngại, nếu xuống giống vụ hè thu trễ sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng gạo. Theo Bộ NN-PTNT, hạn mặn còn kéo dài, vì vậy các địa phương vùng ĐBSCL dứt khoát không được chủ quan, cần tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt để bảo vệ sản xuất của nông dân.

Hiện nhiều viện, trường khu vực ĐBSCL đã nghiên cứu cho ra đời các giống lúa chịu mặn cho nông dân trong vùng. Mới đây, trong khuôn khổ của chương trình “Nghiên cứu chọn giống lúa xuất khẩu và lúa chịu mặn cho ĐBSCL”, vụ lúa đông xuân 2019-2020, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Công nghệ cao ĐBSCL đã trồng thử nghiệm 3 bộ giống trình diễn (với khoảng 68 giống lúa, nếp). Các nhà khoa học đánh giá cao một số loại giống có hạt chắc, khả năng chịu hạn, mặn tốt. Do chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó hạn mặn, nên hiện tại chỉ có khoảng 30.000ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng thiệt hại ở những mức độ khác nhau. Con số thiệt hại này chỉ bằng 1/7 so với trận hạn mặn lịch sử năm 2016.

Tin cùng chuyên mục