Gạo thơm rộng cửa xuất khẩu

Theo dự báo, giao dịch gạo thế giới năm 2012 ở khoảng 32,5 triệu tấn, trong đó, Thái Lan dự kiến xuất khẩu 8,5 triệu tấn, Việt Nam khoảng 6,5 - 7 triệu tấn. Gạo Việt Nam và Thái Lan vẫn chiếm gần 50% thị trường thế giới. Chiếm giữ phần còn lại là gạo của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar…, đa phần là gạo cấp thấp, giá bán luôn rẻ hơn gạo Việt Nam và Thái Lan trên 100 USD/tấn. Gạo Thái Lan đa phần là gạo cao cấp, gạo thơm và gạo đồ. Gạo Việt Nam nằm giữa hai phân khúc trên.
Gạo thơm rộng cửa xuất khẩu

Theo dự báo, giao dịch gạo thế giới năm 2012 ở khoảng 32,5 triệu tấn, trong đó, Thái Lan dự kiến xuất khẩu 8,5 triệu tấn, Việt Nam khoảng 6,5 - 7 triệu tấn. Gạo Việt Nam và Thái Lan vẫn chiếm gần 50% thị trường thế giới. Chiếm giữ phần còn lại là gạo của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar…, đa phần là gạo cấp thấp, giá bán luôn rẻ hơn gạo Việt Nam và Thái Lan trên 100 USD/tấn. Gạo Thái Lan đa phần là gạo cao cấp, gạo thơm và gạo đồ. Gạo Việt Nam nằm giữa hai phân khúc trên.

Sự tham gia xuất khẩu trở lại của Ấn Độ, Pakistan và Myanmar đã làm thay đổi tình hình giá gạo thế giới, có chiều hướng giảm sâu, gây bất lợi cho gạo Thái Lan và Việt Nam đối với gạo cấp trung bình và thấp. Thị trường gạo thế giới có khả năng sẽ hình thành nên mặt bằng giá mới trong năm 2012. Điều này đã thể hiện rõ, 2 tháng qua Việt Nam hầu như không có hợp đồng thương mại được ký thêm, nhà nhập khẩu chỉ hỏi giá rồi qua Ấn Độ, Pakistan mua hàng. Điều này khiến tốc độ xuất khẩu của Việt Nam chậm hẳn lại, doanh nghiệp xuất khẩu còn hàng tồn kho, hạn chế mua vào khiến giá lúa và gạo nguyên liệu chế biến xuất khẩu giảm mạnh hơn 1.000 đồng/kg lúa. Mặc dù vẫn còn ở mức cao, trên 6.000 đồng/kg so với giá thành nhưng việc này tạo ra tâm lý không tốt trong người dân trồng lúa.

Chiều 13-12, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá lúa so với vài ngày trước đã nhích thêm 200 - 250 đồng/kg, lên 6.350 - 6.550 đồng/kg lúa khô, do bà con không vội bán ra và Việt Nam vừa ký bán 300.000 tấn gạo sang Malaysia.

Đóng bao bì xuất khẩu gạo Nam Đô. Ảnh: LÃ ANH

Đóng bao bì xuất khẩu gạo Nam Đô. Ảnh: LÃ ANH

Tuy nhiên, gạo thơm Việt Nam vẫn có hợp đồng và bán với giá cao hơn thời điểm trước đó. Để không bị động trong xuất khẩu năm 2012, nông dân nên hạn chế trồng lúa chất lượng thấp như IR50404, nếu không muốn giảm giá để cạnh tranh với gạo Ấn Độ, Pakistan và Myanmar. Thay vào đó, tăng diện tích lúa chất lượng cao, đặc biệt là vụ đông xuân, thu đông.

2 năm qua, gạo thơm Việt Nam đã chen chân vào nhiều thị trường trước đây vốn chỉ do Thái Lan chiếm lĩnh. Vì vậy, cần phát huy lợi thế này qua việc tăng diện tích lúa thơm Jasmine trong vụ đông xuân 2011-2012 và thu đông 2012. Từ giữa năm 2012, Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu gạo đồ. Trước nay, gạo đồ chất lượng cao do Thái Lan xuất khẩu chính, các nước Nam Á xuất khẩu gạo đồ chất lượng thấp hơn. Năm 2011 khi xuất khẩu thăm dò, gạo đồ Việt Nam được nhà nhập khẩu đánh giá hơn hẳn các nước Nam Á, chỉ sau Thái Lan. Nguyên liệu gạo đồ sử dụng lúa tươi để chế biến, dự kiến năm 2012 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 200.000 tấn nên cần một lượng lớn lúa tươi.

Với việc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) vừa ký hợp đồng xuất khẩu sang Malaysia 300.000 tấn, giao hàng đến cuối tháng 3-2012 đã nâng lượng hợp đồng gối đầu từ năm 2011 sang 2012 lên 600.000 tấn gạo (300.000 tấn còn lại xuất sang Indonesia). Tổ Điều hành xuất khẩu gạo nhận định, diễn biến thị trường năm 2012 không được thuận lợi như năm 2011 nhưng đảm bảo sẽ tiêu thụ hết lúa gạo trong dân với mức lời từ 30% trở lên. Bà con không nên hoang mang bán tháo lúa hàng hóa, nhất là hiện nay khi thị trường diễn biến chưa rõ nét.

Ngoài ra, Philippines cũng là một đối tác lớn của gạo Việt Nam. Năm 2012 Philippines công bố nhập 850.000 tấn gạo, trong đó sẽ nhập khẩu trước 550.000 tấn, thời gian giao đến cuối tháng 3-2012. Yêu cầu này các nước Nam Á khó có thể đáp ứng điều kiện giao hàng nhanh, trong khi gạo Thái Lan giá lại quá cao, nên Việt Nam sẽ cung cấp số gạo này cho Philippines. Năm 2011, Việt Nam đáp ứng gần như 100% trong số 860.000 tấn gạo mà Philippines nhập khẩu.

Sau nhiều năm xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường biên mậu, lần đầu tiên, năm 2011, gạo Việt Nam đã chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch với gạo cao cấp, gạo thơm khoảng 400.000 tấn. Đây là cơ hội để gạo Việt Nam mở thêm thị trường mới. VFA dự kiến sẽ thành lập Câu lạc bộ Các nhà doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc để xúc tiến mạnh hơn vào thị trường này. VFA nhận định, đầu năm 2012, việc xuất khẩu gạo có gặp chút khó khăn nhưng sau đó sẽ đi vào ổn định. Vì vậy, bà con nên bình tĩnh trong bối cảnh hiện nay.

Theo VFA, nếu gặp thuận lợi, cả năm 2011 Việt Nam sẽ xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch xuất khẩu 3,7 tỷ USD. Đây là con số xuất khẩu cao nhất và đạt giá trị kim ngạch lớn nhất từ trước đến nay của ngành gạo.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục