
Cách TP Việt Trì 15km, xã Kim Đức (huyện Phù Ninh - Phú Thọ) vẫn còn mang dáng dấp của ngôi làng Việt Cổ vùng trung du với những ngôi nhà tranh, vách đất nép mình dưới tán cọ già. Đang mùa gặt, đường vào làng vàng ươm một màu rơm mới. Hỏi thăm đến nhà cụ Hơn - người đàn bà đã sống qua 3 thế kỷ, từ già đến trẻ ai cũng nhiệt tình chỉ đường. Dường như “cây đa” cao tuổi này đã để lại dấu ấn quá mạnh mẽ tới hầu như tất cả người dân nơi đây vì sức sống bền bỉ của mình...
- Người còn lại của làng Xoan thuở trước

Cụ Hơn (ngồi giữa) và con, cháu.
Ngoằn ngoèo theo các triền đồi từ UBND xã về khu 4, chừng nửa tiếng sau chúng tôi cũng đến được ngõ nhà cụ Hơn. Ngõ dựng đứng, toàn tre và sắn.
Một nếp nhà tranh vách đất lưng chừng ngọn đồi nhỏ. Ngôi nhà mà về sau ông Biểu - con trai cụ Hơn cho biết được dựng từ những năm 1962. Giữa trưa. Trời nắng như đổ lửa, bà cụ đang đứng bên bờ giếng xem cháu, chắt và chít của mình sửa máy bơm.
Thấy có khách lạ, cụ chậm rãi chống gậy mời chúng tôi vào nhà. Bảo đứa chắt vừa đi học về lấy nước mời khách, cụ nghiêng nghiêng người xởi lởi: “Tôi bị điếc, chẳng nghe thấy gì đâu, có gì bác cứ nói chuyện với thằng này” và cụ chỉ vào người đàn ông có râu tóc bạc trắng vừa đi từ vườn vào - ông Lê Văn Biểu, con trai cụ, năm nay đã ở tuổi 80.
Nói vậy thôi nhưng cụ vẫn ngồi lại với chúng tôi, và chẳng biết từ khi nào câu chuyện của chúng tôi với cụ và ông Biểu trở nên rôm rả. Cụ nói chuyện vẫn rành rọt, trí nhớ minh mẫn, duy tai hơi nặng - cái nặng tai của tuổi già nên cứ phải nghiêng nghiêng người và nói thật to.
Chỉ lên tấm lụa đỏ của Hội Người cao tuổi Việt Nam mừng thọ cụ 100 tuổi được treo trang trọng giữa nhà cụ nói: “9 năm rồi đấy. Khi đó tôi được huyện, xã và các con, cháu, chút, chít tổ chức mừng thọ 100 tuổi, to đáo để các bác ạ”. Ơn trời! Đến giờ đã 109 “mùa lá vàng rơi” mà cụ vẫn khỏe mạnh, nước da vẫn sáng, giọng nói sang sảng... Đang nói chuyện thì một cụ bà chống gậy, lần theo mép nhà từ dưới bếp đi lên. Chưa để chúng tôi kịp hỏi, cụ Hơn giới thiệu luôn: “Con dâu tôi đấy, các bác xem, “nó” chưa đến 80 tuổi mà yếu và còm hơn cả tôi”.
Cụ khoe mới rụng có... 4 chiếc răng trong khi ông con trai Lê Văn Biểu đã gãy gần hết hàm trên! Rồi cụ kể cho chúng tôi nghe thời tuổi trẻ của mình. Sinh ra trong một gia đình cũng có của ăn của để và thuộc hàng chức sắc của làng, nhưng do mẹ cụ là lẽ nên tuổi thơ của cụ rất cơ cực. Cũng chăn trâu, cắt cỏ, cũng làm sắn, phát hoang và những đêm đi học Xoan, hát Xoan với chúng bạn.
13 tuổi, cụ đã là cô gái đẹp, lại hát hay, được chọn vào phường Xoan của làng. Mỗi độ hoa đào, làng Xoan lại rộn ràng hẳn lên. Tháng chạp thì tập luyện và mùng 2 Tết mùa Xoan bắt đầu. Ban đầu là hát tại đình làng, sau đó thì chia nhau đi hát theo lời mời ở các nơi. Khi thì về làng Sậu, lúc sang Đức Bác, Phượng Lâu, khi lên tận Đoan Hùng, Yên Bái... có bận đi đôi ba tháng mới về. Rồi cụ giảng cho tôi nghe về thơ nhang, giáo trống, giáo pháo; về 14 quả cách và các tiết mục múa hát, dựng các hoạt cảnh, các trò chơi với những cái tên như: chơi bợm gái, hát bỏ bộ, xin huê đố chữ, giải hoan hát đúm...
Cụ bảo đây là phần hứng thú và sinh động nhất trong cuộc hát. Nghệ thuật hát Xoan phong phú và đậm nét nhất là ở những tiết mục này. Có lần hát đến quá nửa đêm rồi mà chẳng ai muốn dừng. “Hồi đó, phường Xoan đông vui lắm, các cô đào vấn khăn, quần láng, áo the, thắt lưng xanh kèm theo bao xanh hay hồng. Các kép đầu quấn khăn lượt hay khăn xếp, áo the thâm, quần trắng, cổ quấn khăn nhiễu điều...” - Cụ bồi hồi nhớ lại, và cũng tự nhiên như thời con gái đi hát cùng chúng bạn, những câu Xoan tình tứ bật lên:
“Phải đôi phải lứa thì se
Đúm tìm cho tới đúm the đúm vào
Đúm vào người hỏi làm sao
Êm là quả đúm em vào kết duyên...”
Giọng cụ trong vắt, mắt nhìn xa xăm như vào một cõi vô định nào ấy. Rồi cụ bỗng trầm giọng: “Giờ thì chẳng mấy ai còn biết hát Xoan nữa đâu các bác ạ. Ngay như mấy chị em trong phường Xoan của tôi hồi ấy, 7 chị em chơi thân với nhau, các bà ấy “đi” trước tôi từ 3-4 chục năm nay rồi, thậm chí hàng cháu của các bà ấy giờ cũng chẳng còn ai...”!
- Bí quyết sống lâu của người 109 tuổi
Đi hát mãi, rồi đến năm 16 tuổi, cô đào Hơn - người con gái đẹp nhất phường Xoan Kim Đức hồi ấy đi... lấy chồng. Từ đấy phường Xoan trong cụ chỉ còn là ký ức xa xăm. Ông Biểu nói: “Từ ngày đi lấy chồng bủ tôi vất vả lắm. Với 10 lần đẻ nhưng rồi chỉ giữ lại được 4 chị em chúng tôi. Chị gái tôi năm nay cũng đã 82 tuổi, cô út năm nay 74 tuổi vừa mới được phong nghệ nhân hát Xoan và hiện giờ đang đi biểu diễn phục vụ hội thảo gì đó ở tận Thái Lan. Tôi là con trai duy nhất, cũng được bủ tôi dạy cho vài câu hát Xoan. Hồi trẻ tôi cũng tham gia phường Xoan nhưng được vài buổi chúng bạn cứ chế đào nọ, kép kia nên bỏ mấy anh ạ”.
Rồi ông trầm ngâm: “Thời trẻ bủ tôi vất vả lắm, vừa phải chạy giặc vừa phải quần quật nuôi các con. Ông cụ nhà tôi mất cách đây 17 năm, thọ 92 tuổi. 3 năm trước, bủ tôi vẫn ở một mình, vẫn lên đồi trồng sắn, tự nấu cơm, giặt giũ không muốn phiền đến ai. Từ khi bị ngã, bủ mới về ở với chúng tôi nhưng sinh hoạt cá nhân bủ tôi vẫn tự lo lấy. Việc phơi thóc, phơi rơm nhà mấy đứa cháu, ngày mùa bủ tôi vẫn sang làm hộ...”. Rồi ông khoe: Hàng ngày bủ tôi vẫn duy trì chế độ ăn khá điều độ. Sáng: 1 bát miến hoặc sắn. Trưa và chiều: mỗi bữa 2 lưng cơm. Độ tháng ba vừa rồi, bủ tôi vẫn tự xỏ kim, vẫn tự khâu lấy váy...
– Tôi ăn chả kiêng thứ gì - cụ cười đôn hậu, rung rung mái tóc bạc như sương khói - Chẳng biết giời cho sống được bao nhiêu nhưng giờ tôi thấy ăn ngủ vẫn tốt lắm. Trong người chẳng thấy có vấn đề gì cả...
Ông Biểu cho biết thêm: mẹ ông thường “bình minh” vào lúc 7 -8 giờ sáng khi mà con cháu đã ra hết ngoài đồng. Giấc ngủ tối của cụ lại bắt đầu từ lúc 6 rưỡi chiều và cụ ngủ rất sâu giấc.
– Cụ có bí quyết gì mà sức khỏe tốt như vậy?
– Chẳng bí quyết gì đâu. Cuộc sống của tôi vất vả lắm. Phải đi làm từ năm 12 - 13 tuổi, mà cách nhà những hai, ba chục cây số. Chao ôi...! Cơ cực nhất là cái năm chết đói 1945. Sắn còn chẳng có mà ăn ấy chứ...!
Khi tôi hỏi cụ có giấy tờ gì để chứng minh mình đã 109 tuổi, cụ cười: “Thì cái bức vải đỏ chúc thọ tôi 100 tuổi treo trên kia. Vả lại, tôi đẻ thằng bố này (cụ chỉ vào ông Biểu) khi tôi 30 tuổi. Năm nay nó 80, hóa chẳng phải tôi 109 - 110 tuổi là gì”. Cả khách và chủ cùng cười vang. Cái lý sự của cụ cũng hay đấy chứ! Nếu đúng vậy thì cụ sinh vào năm 1895. Như vậy há cụ chẳng đã sống qua 3 thế kỷ rồi còn gì!
Ông Biểu nhớ lại: “Những năm kháng chiến chống Pháp nhà của bủ tôi bị tề ngụy đốt đi đốt lại mấy lần. Quần áo, giấy tờ chẳng còn gì”. Rồi ông lẩn thẩn lần ngón tay tính: “Cụ tôi bây giờ có đến cả trăm con, cháu, chắt, chút, chít. Tôi là con thứ 2, sinh được 9 người con và có 32 đứa cháu...”. Nghĩa là, trong nếp nhà đơn sơ này có tới 5 đời.
Đang nói chuyện vui cụ lại bảo: “Này bác, không biết giời cho tôi sống đến bao giờ bác nhỉ. Nếu tôi quy tiên thì các cháu nó đã chuẩn bị cho tôi cỗ hậu sự này”. Lúc này tôi mới để ý thấy sát 2 cái giường nằm của cụ Hơn và ông Biểu là 2 cỗ quan tài được kê nhô cao hơn giường một chút. Ông Biểu cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị hậu sự cho bủ tôi từ năm bủ chưa đến 80 tuổi. Hơn 30 năm đã trôi qua mà bủ tôi vẫn chưa phải sử dụng tới. Mà nó đã là cái thứ 3 rồi đấy”.
Thấy tôi băn khoăn, ông Biểu tiếp lời: “Năm 1985 cháu ngoại cụ “đi” trước, gia đình không chuẩn bị kịp, đành “vay” cụ. Cụ vui vẻ bảo, khó khăn thì tao giúp. Năm 2001, cháu dâu cụ cũng bỏ cụ mà về với tổ tiên, rồi cũng lại đến nói khó với cụ để “mượn”... Hiện nay, nhà tôi vẫn còn 1 cỗ hậu sự nữa để trong buồng. Đó là để cho bà nhà tôi - Không khéo chúng tôi lại “đi” trước cụ, mấy anh à...!”.
Trưa trung du thật đẹp. Nắng vàng nhảy nhót qua tán cọ. Điệu Xoan quen lạ như đến từ ký ức xa xăm. Mùi rơm mới, vị chè xanh... và những khoảng lặng của thời gian. Tôi ngồi lặng lẽ, ngắm người của 3 thế kỷ. Nói chuyện hơn giờ đồng hồ mà cụ chẳng tỏ ra mệt mỏi. Ông Biểu bảo: “Cụ dạo này nghiện ăn sắn, ăn bao nhiêu cũng được”. Thấy tôi gặng hỏi, cụ cười: “Tôi chẳng ước cao lương mỹ vị gì cả. Sắn thì cả đời tôi đã ăn rồi...”. Có lẽ, hơn trăm năm qua, hồn quê trung du đã thấm đẫm cụ rồi!
ĐINH VŨ