Gập ghềnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Bài 2: Củng cố nền móng của hệ sinh thái khởi nghiệp

Sau khi bùng nổ vào năm 2021 với gần 1,54 tỷ USD, nguồn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) công nghệ Việt Nam sụt giảm mạnh trong năm 2022 và 2023. Trong bối cảnh đó, nhà nước đã đồng hành cùng doanh nghiệp để hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển, lan tỏa như kỳ vọng.

Giai đoạn “mùa đông gọi vốn”

Thị trường vốn đầu tư vào startup trong 6 tháng đầu năm 2023 khá ảm đạm, không có những thương vụ đầu tư nổi bật. Theo Bộ KH-CN, vốn đầu tư vào startup Việt Nam năm 2022 đạt 634 triệu USD, giảm 56% so với năm 2021; còn trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 413 triệu USD… Như vậy tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup công nghệ vào Việt Nam vẫn cách xa năm 2021 (1,54 tỷ USD), thời điểm bùng nổ đầu tư cho lĩnh vực công nghệ. Trong bối cảnh “mùa đông” gọi vốn, các quỹ thắt chặt đầu tư, việc startup thuyết phục các quỹ xuống tiền tiếp tục gặp khó. Đây sẽ là thời điểm để các doanh nghiệp startup nhìn nhận, định hình lại mình, tối ưu hóa các quy trình, chi phí, quản lý, củng cố nguồn lực để đón cơ hội bứt phá trong thời gian tới.

4a-8043.jpg
Một startup về xe đạp trợ lực điện triển lãm sản phẩm tại một sự kiện diễn ra ở TPHCM vào tháng 11-2023

Đánh giá về nguồn vốn đổ vào khởi nghiệp ở Việt Nam, bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc đại diện của Quỹ Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam, cho rằng nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp ở Việt Nam chững lại và sẽ giảm ít nhất khoảng 20% - 30%.

“Khó khăn lớn nhất với các startup hiện nay chính là vấn đề khách hàng và nguồn vốn. Với những startup đã hoạt động và đang trên đà tăng trưởng, làm thế nào để gọi vốn duy trì phát triển kinh doanh là câu hỏi thách thức. Đây cũng là thời điểm quan trọng giúp thị trường sàng lọc ra những startup thực sự tốt. Nếu startup có sản phẩm chất lượng tốt, khách hàng sẽ trả tiền. Đối với các startup chưa ra sản phẩm, các nhà sáng lập cần có cái nhìn thực tế hơn, vì hiện nay nhà đầu tư, khách hàng không trả tiền cho những thứ chưa rõ ràng như ở giai đoạn trước”, bà Bùi Thị Hoàng Điệp, đồng sáng lập, kiêm CEO EJOY English Learning, phân tích.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho rằng, thời điểm này, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần những bước đi thận trọng, tập trung vào những ngành nghề chính, lựa chọn các phương thức kinh doanh và phương thức đầu tư mới để gọi vốn phù hợp. Đây cũng là thời điểm để các startup hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực, từ đó tăng tốc, bứt phá…

Khai phá nội lực

Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu công bố vào tháng 10-2023, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu tư vào ĐMST - tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng vị trí 46/132 quốc gia xếp hạng; duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, chỉ sau Ấn Độ. Chỉ số xếp hạng của bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu StartupBlink năm 2023 cũng cho thấy, hệ sinh thái của các thành phố của Việt Nam như Hà Nội và TPHCM có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng 58 trên thế giới…

Với chương trình hỗ trợ dự án khởi nghiệp ĐMST trong giai đoạn 2017- 2022, Sở KH-CN TPHCM tiếp nhận 61 dự án, được xem xét hỗ trợ và với số vốn đối ứng là 10,03 tỷ đồng cho 26 dự án. Hiện khu vực công có dư địa rất lớn, cần doanh nghiệp công nghệ tham gia giải quyết các vấn đề bằng công nghệ và hy vọng các vườn ươm, tổ chức khởi nghiệp tiếp tục có các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng phục vụ trong nước cho các khu vực công

Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN), hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam đã có sự phát triển tích cực, phần nào đó giúp các startup vượt qua những khó khăn trong năm vừa qua. “Các trung tâm khởi nghiệp ĐMST đã và đang phát huy vai trò “nền móng” trong việc kết nối, hợp tác với chuyên gia, tổ chức quốc tế và cả kêu gọi đầu tư”, ông Quất nói.

Hiện nay, cả nước có hơn 20 địa phương đã và đang xây dựng Đề án hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; 60 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 và sắp xếp nguồn lực triển khai tại địa phương; 39 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của HĐND quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST. Cùng với đó, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST quốc gia đã và đang phát triển tương đối năng động và hiệu quả, với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái.

Giám đốc Sở KH-CN TP Đà Nẵng Lê Đức Viên cho biết: “Xác định được vai trò của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đã ban hành trên 20 văn bản cơ chế, chính sách, kế hoạch liên quan đến việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Trong đó, có việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST TP Đà Nẵng”. Trung tâm này đã triển khai hiệu quả việc kết nối và kiến tạo hỗ trợ phát triển hệ sinh thái, góp phần xây dựng một hệ sinh thái mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp ĐMST tại Đà Nẵng. Đồng thời, hình thành thêm các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ hợp ĐMST; hỗ trợ tư vấn pháp lý, tổ chức các chương trình đạo tạo, tập huấn cho các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp…

“Trung tâm khởi nghiệp ĐMST được xem là hạt nhân của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, góp phần phát triển hệ sinh thái ĐMST Việt Nam và khu vực. TPHCM hướng đến xây dựng trung tâm khởi nghiệp ĐMST với đầy đủ các dịch vụ liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, không gian làm việc, văn phòng làm việc cho startup, sử dụng trang thiết bị, địa điểm huấn luyện. Hiện thành phố đang gấp rút hoàn thành để đưa trung tâm này vào hoạt động tại quận 3, TPHCM”, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, chia sẻ.

NIC - chỗ dựa vững chắc cho các starup

Mới đây, Bộ KH-ĐT đã đưa vào hoạt động Trung tâm ĐMST quốc gia Việt Nam (NIC), với kỳ vọng trở thành chỗ dựa vững chắc, bệ phóng cho các startup.

Công ty An ninh mạng thông minh (SCS) là một startup do 2 cựu lãnh đạo Bkav là ông Ngô Tuấn Anh và ông Vũ Thanh Thắng thành lập bước đầu khởi nghiệp khá khó khăn, phải thuê văn phòng không đạt chuẩn. Với sự hỗ trợ của NIC, SCS có văn phòng ở vị trí thuận lợi, cơ sở vật chất hiện đại và khu tiện ích chung để các kỹ sư công nghệ thỏa sức sáng tạo. “Ngoài không gian làm việc và các hỗ trợ về hạ tầng, cơ sở vật chất thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển, SCS cũng có cơ hội tham gia các hoạt động, chương trình hỗ trợ; sử dụng các dịch vụ tư vấn, đào tạo đặc biệt dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của NIC, như liên kết đối tác, các hội thảo và kết nối giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng, tiếp cận các quỹ đầu tư…”, ông Ngô Tuấn Anh, CEO, nhà sáng lập SCS cho biết.

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, các doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái ĐMST của trung tâm sẽ có cơ hội kết nối với các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp khác để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ rất lớn từ các chương trình của trung tâm để hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, như các dự án ADB Ventures, Vietnam Venture Summit, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam, Google for Startups…

Tin cùng chuyên mục