Hiệp định Oslo, “bản tuyên bố những nguyên tắc” được ca ngợi là bước đột phá trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa người Ảrập và người Do Thái, đã được Palestine và Israel ký kết vào năm 1993. Hai mươi năm sau, vẫn chưa có nhiều bước tiến rõ rệt trong việc phân chia vùng đất thiêng thành 2 quốc gia độc lập khiến nhiều người hoài nghi về một hiệp định được xem là mang đến nhiều hy vọng.
Tờ Haaretz của Israel dẫn lời ông Yossi Beilin, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Israel, một trong những kiến trúc sư của Hiệp định Oslo, cho rằng để có sự đột phá trong thời điểm hiện nay cả hai bên phải kiềm chế “những kẻ cực đoan”, “những kẻ thù của hòa bình”. Ở phía Israel là các bộ trưởng trong liên minh cầm quyền ủng hộ việc xây nhà định cư cho người Do Thái trên phần lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine, trong đó có Bộ trưởng Nhà ở Uri Ariel. Họ cũng là những người luôn phản đối việc rút khỏi lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và thậm chí cả việc thành lập một nhà nước độc lập cho người Palestine. Đây là lý do khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine - Israel luôn bị gián đoạn khi phía Palestine cho rằng Tel Aviv không có thành ý. Trong khi đó, ở phía ngược lại là sự lục đục trong nội bộ của Palestine giữa 2 phái Fatah và Hamas, dẫn đến sự không thống nhất trong việc giải quyết vấn đề hòa bình Trung Đông hiện nay.
Nabil Shaath, người từng tham gia đàm phán Hiệp định Oslo cho rằng các cuộc đối thoại thành công cần phải có những người tham gia tâm huyết. Hiệp định Oslo khởi động mang đến hy vọng cho cả 2 bên bởi khi đó có 2 nhà lãnh đạo Yitzhak Rabin (Israel) và Yasser Arafat (Palestine), những người làm hết sức mình cho hòa bình trong khu vực. Tuy nhiên, theo ông Shaath, trong bối cảnh hiện nay, các cuộc đàm phán không nên chỉ dừng lại ở song phương bởi cán cân quyền lực (có lợi cho Israel) sẽ khiến các thỏa thuận không thể thực hiện. “Cần phải có sự tham gia của quốc tế, phải có 1 cam kết để giám sát việc thực hiện các thỏa thuận và đưa ra các biện pháp cần thiết nếu 1 trong 2 bên vi phạm thỏa thuận”, ông Shaath nói.
Tháng trước, Israel và Palestine đã tái khởi động vòng đàm phán thứ 3 về thỏa thuận hòa bình, sau nhiều nỗ lực thúc đẩy của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Tuy nhiên, ngay trước thềm cuộc gặp song phương đầu tiên vào ngày 14-8, Israel lại tiếp tục cho công bố một kế hoạch xây dựng hơn 2.000 khu nhà định cư trên phần lãnh thổ Palestine chiếm đóng, một động thái mà Palestine chỉ trích mạnh mẽ. Mới nhất, giới chức Palestine ngày 8-9 đã hối thúc EU thực hiện chỉ thị trừng phạt Israel liên quan đến việc xây dựng các khu định cư trái phép, đồng thời cảnh báo việc trì hoãn hoặc không thực hiện quyết định sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình đàm phán và phá vỡ hy vọng về một hòa bình dựa trên giải pháp 2 nhà nước.
Một trong những “thành phẩm” của Hiệp định Oslo vẫn tồn tại, đó là sự tồn tại của chính phủ tự trị Palestine, nắm quyền kiểm soát 38% lãnh thổ Bờ Tây. Chính phủ Palestine đã xây dựng các thể chế được đánh giá là tương đương một nhà nước độc lập, làm nền tảng cho việc thúc đẩy sự công nhận quốc tế. Đại Hội đồng Liên hiệp quốc đã bỏ phiếu và chấp thuận thành lập nhà nước Palestine. Nhiều người cho rằng bước tiến này phần nào cũng đã giảm bớt thế thượng phong của Israel trong các tranh cãi song phương.
ĐỖ CAO