Theo thống kê từ các bệnh viện trong những ngày đầu năm, số ca tai nạn giao thông giảm, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện khai nhận có đội nón bảo hiểm (NBH) gần như tuyệt đối… tuy nhiên, tỷ lệ chấn thương sọ não vẫn cao. Nguyên nhân do nhiều người chỉ đội NBH để đối phó với CSGT và chuộng kiểu dáng thời trang hơn phòng chấn thương sọ não.
Có cũng như không
Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy vào những ngày đầu năm Nhâm Thìn luôn chật kín bệnh nhân. Hầu hết trong số đó đều là trường hợp bị tai nạn giao thông chuyển tới. Người thì đa chấn thương, trầy trụa, máu me khắp người, người thì hôn mê… khiến các y bác sĩ lúc nào cũng tất bật mà không hết việc.
Tại phòng chăm sóc đặc biệt của khu cấp cứu, 2 nam thanh niên đang nằm thoi thóp chờ mổ vì bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Theo người nhà bệnh nhân, sau khi tới chúc tết người bạn ở quận 12 về, khi đến gần cầu vượt Quang Trung thì bất chợt có người lái xe máy khác xi nhan qua đường. Vì đi với tốc độ nhanh nên nạn nhân đã không phanh kịp và đâm vào chiếc xe kia và té đập đầu xuống đường.
Điều đáng nói ở đây là bệnh nhân có đội NBH nhưng khi bệnh nhân té chiếc NBH đã tuột dây văng ra khỏi đầu. Do đó, đầu bệnh nhân đã đập thẳng xuống đường và bị chấn thương sọ não. Trường hợp còn lại dù không bị bay NBH nhưng do nón kém chất lượng, không đủ sức chống lại sự va đập mạnh nên đã vỡ tan tành và khiến nạn nhân bị chấn thương sọ não.
Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đêm giao thừa có 51 ca chấn thương sọ não/103 ca cấp cứu do tai nạn giao thông. Ngày 23 và 24-1 (tức mùng 1, 2 Tết) có 243 ca tai nạn giao thông, trong đó có tới 184 ca chấn thương sọ não, 9 trường hợp tử vong. Đáng chú ý là so với những năm ngoái, số người đội NBH tăng lên, số ca bị tai nạn giao thông giảm nhưng tỷ lệ bị chấn thương sọ não nhập viện lại tăng lên.
Theo một số bác sĩ cấp cứu tai nạn giao thông, hiện nay, việc đội NBH khi chạy xe gắn máy đã được người dân chấp hành tốt. Tuy nhiên, việc đội NBH vẫn còn chưa ổn. Nhiều người dân còn chưa thực sự quan tâm đến việc đội NBH đúng cách để bảo vệ cái đầu mà coi trọng mẫu mã, kiểu cách thời trang, thoáng, nhẹ, mát… Hoặc chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông. Không chỉ không bảo vệ được cái đầu mà NBH dỏm còn gây “tác dụng phụ” cho người sử dụng khi tai nạn xảy ra.
Tại một số bệnh viện từng ghi nhận những trường hợp bị mảnh vỡ nhựa của NBH đâm vào mặt, mũi. Một số ca chấn thương sọ não và khi sơ cứu đã phát hiện rất nhiều mảnh vỏ NBH kém chất lượng găm vào đầu nạn nhân. Thậm chí có những trường hợp đội NBH không đúng cách (cài dây nón dưới cổ) nên bị chấn thương cột sống cổ, tổn thương khí quản, đứt động mạch do quai NBH.
Cần chú ý hơn
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại TPHCM, bên cạnh việc NBH không đảm bảo chất lượng bày bán tràn lan trên các tuyến đường thì tại nhiều điểm bán NBH xịn thì người mua vẫn khó tìm chọn một chiếc nón thật vừa vặn vì rất ít kích cỡ. Phần lớn trường hợp phải đội với kích cỡ tương đối vừa mà thôi. Điều này dẫn đến tình trạng rất khó đeo quai nón ngay dưới cằm mà vẫn đảm bảo nón vừa khít theo đúng quy cách. Trong khi đó, kết quả khảo sát cảm quan ngẫu nhiên của chúng tôi tại chân cầu Sài Gòn trong ngày mùng 4 Tết (26-1) trên 100 người đi xe máy cho thấy, có tới 6 trường hợp NBH bị xộc xệch do không cài dây hoặc cài dây lỏng, sai quy cách. Hơn 50 trường hợp NBH không rõ nhãn hiệu, không tem kiểm định hoặc không phải hàng chất lượng…
Kết quả một cuộc khảo sát vào năm 2007, tiến hành trên 11.000 người ở Hà Nội cho thấy, tỷ lệ người đội NBH đúng cách chỉ chiếm 12%, nhưng số người đội nón sai quy cách lên đến trên 80%. Các biểu hiện sai quy cách là dây nón quá rộng, không cài dây nón, đội nón ngược, đội nón vải bên trong NBH... Theo các chuyên gia, việc đội nón sai quy cách sẽ giảm 30% - 50% giá trị bảo vệ.
NBH giúp cho người bị nạn giảm được nguy cơ chấn thương nặng vùng đầu và sọ não không chỉ bằng cơ chế giảm sự tác động mạnh hoặc va đập vào đầu mà còn góp phần giúp não bộ bên trong không va đập mạnh vào hộp sọ (tránh chấn thương kín). Do đó, cần lựa NBH vừa với đầu, khi đội không che chắn tầm nhìn, không làm người đội khó chịu. Khi đội nón cần siết chặt dây đai qua cằm để khi bị té, nón không văng ra khỏi đầu. NBH phải chắc, tốt.
Bên cạnh đó, khi chọn NBH cũng cần lưu ý thêm các điểm như: Các loại NBH càng che chắn nhiều thì an toàn nhiều. Nên chọn NBH màu trắng, màu sáng trơn bao giờ cũng giảm được tỉ lệ va chạm so với người chọn loại màu đen vì nó cung cấp độ khả kiến tốt hơn kể cả ngày hay đêm. Nên thay NBH ngay sau mỗi lần va chạm hoặc 3 năm một lần nếu may mắn không dính vào bất kỳ vụ tai nạn nào vì chất lượng của lớp vỏ nón có thể bị thoái hóa khi tiếp xúc với nắng mặt trời.
Ai cũng biết đội NBH nhằm hạn chế rủi ro khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiệu quả của việc đội NBH để ngăn ngừa chấn thương sọ não còn phụ thuộc vào chất lượng chiếc nón cũng như cách đội có đúng hay không.
Tiến Đạt