Gặp lại “người con gái Truông Bồn”

44 năm về trước, vào ngày 31-10-1968, một trận bom Mỹ đã dội xuống Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương) nơi Tiểu đội 2, Đại đội 317 Thanh niên xung phong (TNXP) Nghệ An đang san lấp hố bom trên con đường huyết mạch số 30. 13 con người đang độ tuổi xuân xanh đã mãi mãi nằm lại nơi đây. Người duy nhất còn sống sót sau trận bom khủng khiếp ấy là Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông - người mà nhiều người vẫn trìu mến gọi là “người con gái Truông Bồn”, nay đã bước sang tuổi 68. Mặc dù tuổi đã cao, thời gian trôi dài thành độ nhòa của trí nhớ, nhưng với bà Thông, những ký ức về Truông Bồn 44 năm về trước, nỗi nhớ đồng đội vẫn còn vẹn nguyên...
Gặp lại “người con gái Truông Bồn”

44 năm về trước, vào ngày 31-10-1968, một trận bom Mỹ đã dội xuống Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương) nơi Tiểu đội 2, Đại đội 317 Thanh niên xung phong (TNXP) Nghệ An đang san lấp hố bom trên con đường huyết mạch số 30. 13 con người đang độ tuổi xuân xanh đã mãi mãi nằm lại nơi đây. Người duy nhất còn sống sót sau trận bom khủng khiếp ấy là Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông - người mà nhiều người vẫn trìu mến gọi là “người con gái Truông Bồn”, nay đã bước sang tuổi 68. Mặc dù tuổi đã cao, thời gian trôi dài thành độ nhòa của trí nhớ, nhưng với bà Thông, những ký ức về Truông Bồn 44 năm về trước, nỗi nhớ đồng đội vẫn còn vẹn nguyên...

Tôi trở lại thăm bà Thông ở khối 8, phường Đông Vĩnh, TP Vinh (Nghệ An). So với 5 năm về trước khi tôi tới, hoàn cảnh gia đình bà giờ khác nhiều. Thay cho căn nhà cấp 4 cũ là một căn nhà mới khang trang. Bà “khoe”, đây là căn nhà được làm từ đóng góp của các nhà hảo tâm, Thành đoàn Vinh, chính quyền phường... và các con. 4 anh con trai cũng đã lập gia đình và sống quây quần quanh bố mẹ. Bà đang vui khi nói về cuộc sống hiện tại, nhưng khi được hỏi về Truông Bồn, bất chợt bà im lặng như để lòng mình lắng lại về những năm tháng tưởng đã xa.

Câu chuyện của bà dần hiện lại với con đường 30 huyền thoại, với nhiều địa danh đã hằn trong ký ức: Truông Bồn, dốc Cũi Lợn, lèn Sót, cầu Om… Bà lật giở cuốn sổ cũ đã ghi cẩn thận từng tên tuổi đồng đội mình: Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Tâm, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Phúc... Mỗi người mỗi ngày sinh, mỗi người mỗi quê nhưng tất cả đều chung một ngày nằm xuống, một nơi nằm xuống.

Bà Trần Thị Thông (phải) thắp hương viếng đồng đội tại Truông Bồn.

Bà Trần Thị Thông (phải) thắp hương viếng đồng đội tại Truông Bồn.

Câu chuyện của những năm chiến tranh ác liệt hiện về như những thước phim quay chậm. Từ năm 1965, Mỹ bắt đầu đánh phá ra miền Bắc. Quốc lộ 1A bị không quân và hải quân Mỹ phong tỏa. Tuyến đường vận tải theo quốc lộ 15 qua Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương… được tận dụng triệt để, nhưng đoạn đường qua Thanh Chương lại hiểm trở, thường xuyên bị máy bay đánh phá… Vậy nên tuyến đường 30 được đưa vào sử dụng và phải vượt qua Truông Bồn. Các tuyến vận chuyển khác theo quốc lộ 7, tỉnh lộ 38 và 46 cũng phải qua Truông Bồn.

Truông Bồn trở thành địa điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Chỉ từ tháng 6 đến tháng 10-1968, nơi đây đã có gần 3.000 quả bom ném xuống. Những chuyến xe vượt Truông Bồn trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn. Xuất phát từ thực tế ấy, Tổng đội TNXP XK300 Nghệ An đã quyết định thành lập “tiểu đội thép”.

Các cô gái trong tổng đội thay phiên nhau mỗi đêm 12 người làm “cọc tiêu sống” hướng dẫn xe vượt Truông Bồn. Trước đó “tiểu đội thép” đã có sáng kiến lấy bẹ chuối rải trên đường để xe nhận biết lối đi trong đêm tối. Nhưng biện pháp này chỉ được một thời gian ngắn bởi đường liên tục bị đánh bom, xe qua vài lần là bẹ chuối nát… Cuối cùng các cô nảy ra sáng kiến mặc áo may ô làm “cọc tiêu” di động “dẫn” xe qua truông.

Bà Thông cười bảo: “Chu choa! Thời đó các cô gái tụi tui có được cái áo may ô là không chi bằng. Nhưng áo đã được tụi tui mang vô trận địa. Khi tổ quốc cần, tổ quốc lâm nguy thì tuổi thanh xuân, cả tính mạng cũng không tiếc… chứ tiếc chi tấm áo”. Có những chuyện không bao giờ bà Thông có thể quên được. Không ít ngày chị em chỉ ăn khoai cầm bữa. Khi có một chuyến xe chở lương thực bị bom, đường sữa văng tứ tung nhưng không ai đụng đến dù chỉ một chút, vì luôn nghĩ đó là nguồn lương thực quý vận chuyển vào Nam cho bộ đội và nhân dân miền Nam đánh Mỹ… Nhiều chị em lo san lấp đường đến nỗi 2 - 3 ngày không tắm được, đồng đội sắp xếp cho nghỉ thì ô tô bị bom, các chị lại lao vào cứu người, cứu hàng… Có nhiều chị lo dập lửa, cứu thương binh nên tóc và lông mi bị lửa cháy sém, đến khi về đơn vị mới phát hiện ra, soi gương rồi cười…

Sáng 31-10-1968, Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông cùng Tiểu đội 2 đang san lấp hố bom thì một tốp máy bay Mỹ từ biển bay vào ném bom. Sự việc diễn ra quá nhanh. 13 cuộc đời tươi trẻ anh dũng hy sinh.

Bà Thông ngậm ngùi: “Trong số 13 người có 7 người không tìm được thân thể toàn vẹn. Cùng hy sinh với chị em có 2 nam. Anh Hạp là người được cấp trên điều xuống trợ giúp chị em đã đành, thương nhất là anh Hòa. Anh Hòa ở đơn vị khác, đang được nghỉ phép nên đến thăm người yêu là o Tâm. Anh ở lại lao động với chị em bữa nớ vui lắm. Nhưng ai biết được máy bay lại ập đến… Hai người khi sống thì luôn phải xa cách, nằm xuống mới cùng một nơi…”. Nói đến đó nước mắt bà ứa ra, giọng nghẹn lại.

Một hồi sau bà mới thốt nên lời: “Số tui may hơn chị em. Nghe kể lại thì tui được cứu sống nhờ có nòng súng lòi lên mặt đất, mọi người cầm lắc đầu súng thì nghe tiếng rên và cứu được tui. Tỉnh dậy mới biết tất cả đồng đội mình không còn. Bao nhiêu dự định mới đó đã bị bom vùi trong đất. O Dung chuẩn bị làm đám cưới. O Tâm, Phúc, rồi Hiên có giấy gọi đi học ngoài Hà Nội. O Đoàn đã có quyết định được đi học ngành y…”. Tất cả đều ngưng lại với đường và đất Truông Bồn.

Trước khi chia tay, bà Thông chia sẻ: “Chừ thì tui thấy an lòng, thấy ấm lòng vì đồng đội đã được quan tâm. Bữa trước khánh thành nhà thờ tui cũng được mời đi dự, được nhận quà. Tui chừ chỉ mong có sức khỏe, để được lên thăm, thắp cho đồng đội nén hương là tui toại nguyện lắm rồi”.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục