
Dù đã đến tuổi mà người ta nói “tri thiên mệnh”nhưng ông Nguyễn Lương Cảnh vẫn luôn cho rằng, mình cũng chưa biết hết về mình. Tuy nói đùa nhưng ngẫm lại cuộc đời ông quả cũng không sai, điển hình là những bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông. Sinh ra trên miền quê nắng cát Quảng Bình, tần tảo với đồng ruộng, học hành vừa đủ để biết đọc biết viết nhưng ông lại là nhân vật chính trong việc vẽ nên bản đồ hệ thống đường 559. Sau giải phóng chính ông là tác giả thiết kế nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và khi đất nước mở cửa ông lại trở thành một doanh nhân thành đạt...
Từ ông bản đồ...
Sinh ra trên miền quê nắng cát Quảng Bình, tần tảo với đồng ruộng, học hành vừa đủ để biết đọc biết viết nhưng luôn được thầy khen là người viết chữ đẹp. Năm 1965, Nguyễn Lương Cảnh tham gia thanh niên xung phong lên mở đường, làm cầu trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, chưa đầy nửa năm sau, ông được điều về bộ phận khắc bia đá cho các liệt sĩ với lý do đơn giản là có chữ viết đẹp. Và rồi cũng chỉ vài tháng sau, Nguyễn Lương Cảnh được vào bộ đội và được điều về Phòng tác chiến Bộ Tham mưu Đoàn 559 với lý do “là người có hoa tay”.
“Khi đó tôi cũng chẳng biết mình có hoa tay và cứ nghĩ mãi, bộ đội ta cần người có hoa tay để làm gì? Nửa năm trời vừa làm công việc sắp xếp và học vẽ bản đồ, càng học tôi càng vỡ ra rằng mình có khiếu về nghề này và càng khâm phục những người đã chọn mình về đây…”, ông Cảnh nhớ lại.
Chỉ chưa đầy 2 năm sau ông trở thành người phụ trách công việc tập hợp, vẽ bản đồ mạng lưới đường 559 phục vụ cho các lực lượng của Binh đoàn 559. Ông tâm sự: “Bản đồ thì luôn lạc hậu vì khi đó mạng lưới đường 559 liên tục phát triển, có ngày vài nhánh mới được mở ra, các đơn vị thì luôn thay đổi vị trí đóng quân… và nhiệm vụ của chúng tôi là phải thường xuyên cập nhật, bổ sung…”.
Dựa vào bản đồ “gốt” của Trung Quốc, Mỹ cộng với nguồn tư liệu từ trinh sát mang về ông cùng đồng đội ngày đêm miệt mài với những tấm bản đồ, sau khi hoàn thành thì trực tiếp đi thực địa để chỉnh lý cho chính xác.
“Chỉ cần vẽ sai vài centimét trên bản đồ cũng có thể dẫn đến trật vài kilômét trên thực tế và hậu quả có thể pháo quân ta bắn vào lưng quân mình. Tuyến đường 559 sau này là đường Hồ Chí Minh có 4 trục chính, hàng ngàn nhánh nhỏ, rất nhiều điểm đóng quân các lực lượng của ta…”, vừa kể ông vừa nhớ lại từng tuyến đường, từng điểm đóng quân…

Cựu chiến binh Nguyễn Lương Cảnh (bìa trái) với Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.
Trong suốt 20 năm vẽ bản đồ, kỷ niệm sâu sắc và cũng là bài học lớn đối với ông là lần được Đại tá, Phó tổng tham mưu trưởng Binh đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên giao nhiệm vụ vẽ bản đồ bố trí toàn bộ lực lượng 559 trên các cung đường Trường Sơn với tỷ lệ 1/500.000 để báo cáo với Bộ Chính trị và Bác Hồ vào giữa năm 1969. Trong thời hạn 3 tháng, từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4-1969 phải hoàn thành.
Ông Cảnh nhớ lại: Ngày 28-4 tôi trực tiếp cầm bản đồ vừa hoàn thành lên báo cáo với đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, sau khi xem xét kỹ anh Nguyên nhìn tôi một lúc rồi nói: “Đồng chí mang về sửa lại 20 ngày sau mang đến nộp”.
Quả thật lúc đó tôi rất hoảng, bao nhiêu người làm việc trong 3 tháng mới hoàn thành, nay chỉ còn 20 ngày làm sao sửa được, đồng thời cũng lo vì mình đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi mạnh dạn hỏi lại: “Vì sao phải sửa, sai chỗ nào thủ trưởng nói để tôi sửa, còn có 20 ngày không thể làm lại được…”, anh Nguyên nhẹ nhàng nói: “Tôi nói đồng chí sửa lại không phải do sai, mà do quá chính xác. Nếu tôi đi chuyến này không may bị phục kích, bản đồ lọt vào tay địch thì hậu quả không lường, chỉ trong thời gian ngắn toàn bộ lực lượng của ta sẽ bị đánh sạch trơn…” nghe đến đây tôi thở phào nhẹ nhõm và hỏi: “Vậy sửa thế nào?”.
Anh Nguyên dặn: “Cũng như thế này nhưng... đánh lệch các vị trí khoảng 5km…”, chỉ sau một tuần chỉnh lý, tấm bản đồ đã được đồng chí Đồng Sĩ Nguyên trực tiếp cầm ra miền Bắc để báo cáo với Bộ Chính trị và Bác Hồ. “Đây là kỷ niệm và cũng là bài học kinh nghiệm quý giá đối với tôi về tính cẩn thận và tính bảo mật các thông tin quan trọng của đất nước…” ông Cảnh bồi hồi nói.
Đến người thiết kế nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Năm nay bước sang tuổi 65, ông vẫn nhớ như in ngày đất nước toàn thắng, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên giao nhiệm vụ cho ông tìm kiếm khu đất rộng, xây dựng nghĩa trang cho bộ đội Trường Sơn. Quảng Trị với địa danh Cồn Tiên, Dốc Miếu (Gio Linh) được cấp trên chọn giao ông soi xét kỹ lưỡng. Hai địa điểm này rất thuận lợi cho nhân dân cả nước thăm viếng nhưng đất hẹp, nếu làm sẽ chiếm diện tích đất trồng trọt của cư dân nghèo. Ông đành chọn nơi khác.
Lên cầu Bến Tắt, cạnh đường 15 (một phần hệ thống đường Hồ Chí Minh), đứng trên quả đồi cao nhất trong cụm bảy quả đồi chụm lại, ông phấn chấn tâm trạng vì đã chọn địa điểm hợp phong thủy, có đồi, có núi, có sông… Báo cáo với thủ trưởng Đồng Sĩ Nguyên, ông được chỉ đạo gấp rút thiết kế nghĩa trang tầm cỡ quốc gia, với lời dặn - các chi tiết đều phải được giải thích rõ ràng, ý nghĩa của việc đưa ra ý tưởng thiết kế trên. Bởi đó là nơi trú ngụ của hàng vạn linh hồn chiến sĩ bộ đội Trường Sơn.
Ông Cảnh kể: “Dù đã qua hơn ba chục năm thiết kế nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tôi vẫn còn nhớ như in những hạng mục quan trọng”. Nói xong ông lấy bút ra vẽ cái cổng vào to cao, khu hành lễ, khu tiếp khách.
Ông giải thích con đường từ cổng vào khu trung tâm được thiết kế đúng 2.100m, tượng trưng cho biểu tượng hệ thống đường Hồ Chí Minh dài 21.000km. Tượng đài trung tâm được thiết kế ba cạnh, mặt chính hướng về núi rừng Trường Sơn, nơi những bộ đội Trường Sơn từng một thời chiến đấu cho tự do độc lập của quê hương. Nhưng ba cạnh của tượng đài cũng hàm nghĩa đất nước có ba miền Bắc-Trung-Nam đều có lính Trường Sơn xả thân vì Tổ quốc.
Đó cũng là biểu trưng cho chiến trường 3 nước Đông Dương có bộ đội Trường Sơn đứng chân, đó cũng là sự hợp thành của 3 binh chủng anh hùng lục quân, hải quân và không quân: Và cao hơn hết là tình cảm keo sơn của 3 nước anh em Việt Nam-Lào-Campuchia.
Khi nói về việc thiết kế nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nói rằng: “Việc này phải giao cho anh Cảnh, con người trong sáng, dũng cảm, chữ tâm bao phủ tất cả”.

Cựu chiến binh Nguyễn Lương Cảnh (đứng thứ 2 từ phải qua) hướng dẫn các cựu chiến binh xem các học viên Lào học nghề tại cơ sở của gia đình.
Và doanh nhân thời mở cửa
Sau khi đất nước thống nhất, ông “bản đồ” Nguyễn Lương Cảnh được điều về Tổng cục Xây dựng kinh tế của quân đội, tham gia Ban tổng kết soạn thảo và hoàn thành sử liệu đường Trường Sơn. Năm 1980 thì ông về hưu và từ đây, ông phát hiện mình có tài kinh doanh. Sau nhiều năm lận đận kiếm sống, khi đất nước mở cửa, với hai bàn tay trắng ông cũng nhảy ra làm kinh tế.
Ông Cảnh kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, từ vẽ ảnh truyền thần đến mở cơ sở sản xuất cửa kính, cửa nhôm, đồ gõ mỹ nghệ… Làm ăn được ông lại kéo bạn bè, đồng đội đến cùng tham gia sản xuất, năm 2003 ông được mời đi dự hội nghị Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi toàn quốc. Hiện tổng số tài sản của ông Nguyễn Lương Cảnh có trên 5 tỷ đồng, với gần 100 điểm sản xuất, lắp ráp cửa nhôm, kính, đồ gỗ mỹ nghệ, vận tải… với trên 400 lao động, trong đó đa số là cựu chiến binh.
“Quả thực trước đây tôi cũng không nghĩ mình có thể làm kinh tế được cũng như trước đây không nghĩ rằng mình có hoa tay, có năng khiếu về vẽ bản đồ và bây giờ tôi lại chưa biết mình có khả năng gì tiếp theo…”, ông vừa cười vừa nói.
Từng có mặt trên các tuyến đường Trường Sơn, được người dân Lào cưu mang che chở. Những tình cảm dạt dào đó mãi mãi không phai trong tâm trí ông. Đất nước mở cửa, ông mở doanh nghiệp nhôm kính Hải Quân, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Khi ổn định, ông nhớ lại những tình cảm người dân đất nước Lào dành cho người chiến sĩ Việt Nam.
“Nhớ lắm những cung đường Trường Sơn có năm phần nằm trên đất Lào”, ông nghĩ thế và quyết phải làm gì đó để giúp những người dân Lào, cho dù đó chỉ là việc làm nhỏ bé so với ân nghĩa đã nhận.
Nói là làm, năm 2006 ông sang tỉnh Khăm Muộn (Lào), liên hệ với những đồng đội cũ và động viên 14 người con của các bạn Lào sang Đồng Hới ăn học. Không chỉ cung cấp nơi ăn chốn ở cho các đứa “con” từ Lào sang, ông Cảnh còn cung cấp các đồ dùng thực hành nghề nhôm kính cho chúng. Một năm, những con em của các người bạn Lào đã thuần thục công việc, ông mua tặng họ ba bộ máy hiện đại trị giá hàng trăm triệu đồng họ về Khăm Muộn lập nghiệp. Nay các cháu đã phát triển được nghề nhôm kính ở Khăm Muộn.
Thu nhập ổn định, thoát được nghèo, bắt đầu vươn lên làm giàu chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm. Học viên Khăm Phòng khi trở lại thăm ông đã nói: “Nếu không có ông Cảnh, nhiều con em Lào vẫn không biết nghề nhôm kính, và chắc chắn không biết tới một con đường thoát nghèo từ đó”.
Bây giờ, dự định sắp tới của ông là sẽ đưa thêm 86 con em Lào qua Việt Nam học việc và ông Cảnh cũng sẽ mua tặng máy móc, giúp đỡ vốn liếng cho họ về Lào mở tiệm phát triển sản xuất như ông đã giúp Khăm Phòng vậy. Với ông, làm được gì cho người Lào, ông đều cật lực ra sức. Bởi lẽ, trong trái tim ông, cả thời gian trường kỳ kháng chiến, đất nước Lào đã đồng cam cộng khổ với Việt Nam, che chở, cưu mang cho con đường giải phóng Việt Nam.
CHIẾN DŨNG - MINH PHONG