Nông dân ở vùng giáp ranh mặn - ngọt chọn mô hình sản xuất nào, nông dân trồng mãng cầu liệu có đầu ra ổn định, mô hình nào sản xuất bền vững nào cho các xây dựng nông thôn mới… đó là nhiều câu hỏi đặt ra của nông dân. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã từng bước giải quyết vấn đề thông qua các buổi tọa đàm trực tiếp với nông dân.
Cùng cánh đồng nên trồng cùng giống lúa
Những ngày tháng 3-2017, ranh mặn đã lấn đến nhiều xã của huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Nông dân có đất sản xuất ở ngoài vùng đê bao chống mặn, nhiều người lo xa, chạy mua máy độ mặn để phòng ngừa. Cùng lúc này, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức tọa đàm với nông dân xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ - nơi chịu mặn xâm nhập từ hai hướng biển Tây và biển Đông. Tỉnh đã mời các nhà khoa học, huy động ngành nông nghiệp liên tục họp dân, tổ chức tọa đàm để tìm mô hình sản xuất thích nghi với biến đổi khí hậu. Qua đó, người dân đã thống nhất chuyển từ sản xuất thuần lúa sang mô hình lúa - tôm.
Theo tính toán của nông dân đang áp dụng mô hình, chi phí đầu tư tôm - lúa từ 18 - 20 triệu đồng/ha, sản lượng thu hoạch từ 300 - 350 kg/ha, giá bán trung bình từ 160.000 - 180.000 đồng/kg, doanh thu đạt 48 - 63 triệu đồng/ha. Bước đầu, mô hình mang lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, một số nhà khoa học và các ngành liên quan của tỉnh vẫn khuyến cáo, đây là mô hình đang ở bước đầu, nông dân không nên độc canh con tôm mà nên kết hợp tôm - lúa và tính toán mùa vụ cho hợp lý. Nhiều nông dân cũng đồng tình với phương án này.
Nông dân huyện Phụng Hiệp trình bày nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang
Trong khi đó, tại xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, vùng trọng điểm trồng lúa chất lượng cao của tỉnh, nông dân vẫn còn nhiều băn khoăn. “Nông dân trồng lúa còn nhiều khó khăn, thách thức như: chất lượng sản phẩm chưa cao (còn tình trạng tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), giá lúa còn bấp bênh, tình trạng được mùa, mất giá vẫn còn xảy ra. Tình hình bao tiêu sản phẩm tuy được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế (chỉ trên 10% diện tích), đặc biệt là năm 2016, tình hình xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, chưa thật sự đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Chúng tôi mong lãnh đạo tỉnh có giải pháp để chia sẻ khó khăn cùng nông dân”, ông Bảy Ngoan, một nông dân, phát biểu tại buổi tọa đàm. Đó chỉ là 1 trong số 15 ý kiến trăn trở của nông dân. Các ý kiến đã được các nhà khoa học ở viện lúa ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ giải đáp.
“Đề nghị ngành nông nghiệp, lãnh đạo các địa phương cần cụ thể trong chỉ đạo, điều hành, có sự thống nhất về loại giống trên cùng một cánh đồng, nhất là những cánh đồng lớn, hợp tác xã điểm, tránh để tình trạng trên cùng một cánh đồng có nhiều loại giống lúa khác nhau” - ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, kết luận tại buổi tọa đàm với nông dân trồng lúa xã Vị Bình.
Nông dân hỏi, doanh nghiệp đáp lời
“Gia đình tôi có 2ha đất trồng lúa, đã chuyển sang trồng mãn công 3 công, giá bán hiện rất cao, mang lại thu nhập khá ổn định. Không chỉ tôi mà nhiều nông dân cũng đã dự định mở rộng thêm diện tích trồng mãng cầu nhưng rất lo đầu ra khó khăn, đề nghị tỉnh có khuyến cáo cụ thể”, ông La Văn Nhiều, nông dân xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp kiến nghị.
Đại diện doanh nghiệp Chế biến nông sản Tiến Thịnh (có nhà máy chế biến trái cây đặt tại Phụng Hiệp) trả lời câu hỏi: “Doanh nghiệp có 2 nhà máy chế biến với công suất 10.000 tấn/năm. Trong đó, nguyên liệu chủ lực là khóm và mãng cầu. Hiện công ty mỗi ngày cần 50 tấn nguyên liệu để chế biến. Diện tích trồng mãng cầu ở Hòa Mỹ còn nhỏ, nông dân có thể yên tâm mở rộng vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy”.
“Nông dân Hậu Giang còn nhiều bươn chải, đời sống khó khăn, nhiều gia đình có người phải ly hương, đi làm ăn xa. Các buổi tọa đàm trực tiếp với nông dân là dịp để chúng tôi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân. Từ đó, lãnh đạo tỉnh tìm ra giải pháp hỗ trợ thiết thực. Những giải đáp khuyến cáo của các nhà khoa học tại buổi tọa đàm rất sinh động, tạo độ tin cậy cao. Việc giải đáp của doanh nghiệp cũng đã khơi thông mô hình sản xuất của nông dân tại Hòa Mỹ…”, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nói.
Buổi đối thoại đã tạo được cầu nối liên hệ giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân. Qua đó, tỉnh đã có những giải pháp cụ thể và lâu dài để ổn định vùng sản xuất nông sản. Các thương hiệu nông sản như: khóm Cầu Đúc, cá thát lát, cam sành, mãng cầu, bưởi Năm Roi… của Hậu Giang ngày càng lan tỏa trên thị trường từ những buổi đối thoại như thế.
“Chúng tôi rất đồng tình với hướng dẫn của các nhà khoa học đến từ viện, trường về sử dụng phân hữu cơ. Ngành nông nghiệp cần có tính toán thật kỹ, có kế hoạch sản xuất cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Cán bộ ngành nông nghiệp cần tăng cường lội đồng, sát cánh với nông dân. Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; quan tâm đến kết nối doanh nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm, theo xu hướng nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tạo niềm tin cho người dân chủ động tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác tại địa phương”. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang TRẦN CÔNG CHÁNH |
CAO PHONG