- Chỉ số Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 18.000 điểm
(SGGPO).- Với tốc độ tăng trưởng ngoạn mục nhất trong hơn một thập kỷ qua của nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ, đã làm giá cổ phiếu Dow Jones trong ngày 23-12, lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 18.000 điểm.
Trước khi đóng cửa ngày 23-12, (sáng sớm ngày 24-12 giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn, doanh nghiệp lớn đạt 18.069,22 điểm, tăng 175% so với thời điểm cách đây 11 năm.
Chỉ số Standard & Poor 500 ngày thứ 5 liên tiếp tăng giá, lên 2.082 điểm. Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, chỉ số chứng khoán của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ đã ghi kỷ lục 51 phiên tăng giá mạnh.
Giới đầu tư hân hoan khi chỉ số Down Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 18.000 điểm.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, tất cả các nhà đầu tư đều ngạc nhiên với thông báo cùng ngày của Bộ Thương mại Mỹ, khi biết tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý III-2014 đạt 5%, mức cao kỷ lục trong vòng 11 năm qua.
Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức dự báo 3,9% trong báo cáo lần đầu đưa ra hồi tháng 10-2014 và cao hơn cả mức dự kiến 4,2% của các chuyên gia. Đây là mức tăng nhanh kỷ lục của Mỹ kể từ năm 2003. Trong quý II và III vừa qua kinh tế Mỹ đều đạt mức tăng ấn tượng lần lượt là 4,6% và 5%.
Nguyên nhân chủ yếu đẩy tốc độ tăng GDP của Mỹ nhanh hơn trong quý III là do chi tiêu của người tiêu dùng tăng. Tiêu dùng là yếu tố đóng góp 2/3 vào các hoạt động kinh tế, trong quý tăng 3,2%. Trong khi đó, chi tiêu và đầu tư của các doanh nghiệp tăng 8,9% thay vì 7,1% như báo cáo hồi tháng 10.
Một lý do nữa khiến các nhà đầu tư phấn khích là chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 12-2014 đạt 93,6 điểm, so với 88,8 điểm hồi tháng trước. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của người tiêu dùng Mỹ kể từ tháng 1-2009, phản ánh tâm trạng lạc quan hơn vào thực trạng và viễn cảnh của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Trong năm 2014, kinh tế Mỹ được nhìn nhận là điểm sáng nhất trong bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu. Đà phát triển ổn định của kinh tế Mỹ cũng là động lực chính giúp Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định ngừng toàn bộ chương trình cứu trợ hơn 4.000 tỷ USD theo đuổi từ năm 2008, dù vẫn giữ lãi suất cơ bản gần bằng 0 để tiếp tục thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Chi Hạnh