Người bị đánh ghen bị xé áo, cắt tóc, xát ớt vào vùng kín, bị chửi bới, lột đồ kéo đi bêu khắp phố. Và cũng có rất nhiều tin về những vụ đàn ông ghen tuông tàn nhẫn đến mức giết vợ.
Hành vi tàn nhẫn
Mấy ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một phụ nữ bị đánh ghen. Theo nhân chứng, cô này 26 tuổi, cặp bồ với một người đàn ông 60 tuổi và cô đang mang bầu 5 tháng. Khi phát hiện sự việc, vợ của người đàn ông đó đã tìm đến đánh ghen. Cô bị lột hết quần áo, trói hai tay, buộc ngồi giữa phố. Trước đây, đã có rất nhiều vụ ghen tuông dẫn đến hành xử bạo lực kinh hoàng. Ngày 11-10-2016, tại tỉnh Vĩnh Long, một phụ nữ 28 tuổi bị vợ của người tình dùng dao lam rạch nhiều nhát vào mặt. Ngày 13-8-2016, tại tỉnh Gia Lai, một phụ nữ bị nhóm 5 người phụ nữ chửi bới, xởn tóc, đánh hội đồng đến ngất xỉu. Ngày 15-6-2016, tại Hà Nội, một cô gái trẻ bị nhóm 4 phụ nữ đánh ghen, lột quần áo. Ngày 19-3-2016, tại tỉnh Bình Dương, một phụ nữ đã bị đánh ghen dã man bằng cách hành hung, xát muối ớt vào vùng kín…
Vì ghen tuông, tức giận, tinh thần đang bị kích động mạnh, nhiều người đã không làm chủ được hành động của mình, đánh ghen với hành vi bạo lực, phạm pháp, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Một người đàn ông ở Bắc Giang cắt phăng bộ phận sinh dục của tình địch ngay tại nhà nghỉ khi bắt gặp người này quan hệ bất chính với vợ mình. Mới đây, một người đàn ông ở Quảng Trị bị tòa tuyên án tử hình vì đã ra tay giết cả vợ và tình địch.
Trong dư luận, có ý kiến bênh vực người đánh ghen, cho rằng vì họ uất ức khi bị giật chồng, giật vợ, vì lo sợ gia đình tan vỡ, con cái thiệt thòi, nên đã bức xúc thóa mạ, hành xử bạo lực với “kẻ thứ ba”. Thực ra, “kẻ thứ ba” cũng là con người, không được phép đối xử tàn nhẫn như vậy, họ làm sai thì đã có pháp luật xử lý. Với việc ghen tuông dẫn đến hành xử bạo lực, chính các nạn nhân biến mình thành tội phạm.
Luật còn kẽ hở
Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 (thay thế Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 1999) quy định: “Người nào đang có vợ, có chồng, mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng, mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ một chồng, mà vẫn duy trì quan hệ đó”. Quy định này cũng thống nhất với tinh thần của khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014. Ngoài ra, Điều 48 Nghị định 110/2013 cũng quy định phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi ngoại tình (mà chưa dẫn đến hậu quả để phải bị xử lý hình sự như nêu trên).
Tuy nhiên, giới luật gia cho rằng, chính khái niệm “chung sống như vợ chồng” là rào cản để thực thi điều luật này. Theo hướng dẫn Thông tư liên tịch 01/2001 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, thì: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.
Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó”. Thế nhưng, thực tế phần lớn những trường hợp ngoại tình thường là quan hệ lén lút với người tình, không đầy đủ những yếu tố chung sống như vợ chồng, nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật điều chỉnh hành vi ngoại tình đều có đủ (từ biện pháp xử lý hành chính đến xử lý hình sự), nhưng do quy định chung chung nên người vi phạm dễ dàng lách luật. Và, vì không thể nhờ pháp luật can thiệp xử lý nên việc hành xử bạo lực đối với “kẻ thứ ba” vẫn diễn ra.