Ghép tạng - Cầu nhiều, cung ít

Trong thực tế, nhu cầu ghép tạng (tim, gan, thận, phổi) kể cả trên thế giới lẫn trong nước là rất lớn, còn nguồn cung thì không đáp ứng đủ. Không chỉ thế, trong phẫu thuật ghép tạng, mọi quy trình lấy tạng lẫn cấy ghép cần phải tuân thủ kỹ thuật y khoa nghiêm ngặt.
Ghép tạng - Cầu nhiều, cung ít

Trong thực tế, nhu cầu ghép tạng (tim, gan, thận, phổi) kể cả trên thế giới lẫn trong nước là rất lớn, còn nguồn cung thì không đáp ứng đủ. Không chỉ thế, trong phẫu thuật ghép tạng, mọi quy trình lấy tạng lẫn cấy ghép cần phải tuân thủ kỹ thuật y khoa nghiêm ngặt.

Nhu cầu cao

Tháng 5-2016 vừa qua, một lần nữa Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TPHCM đã vận động thành công thân nhân một thiếu nữ bị tai nạn giao thông chết não đồng ý hiến tạng cứu sống được 6 người, trong đó có 2 trường hợp bệnh nhân tại Hà Nội. Nội tạng của người chết não được chuyển đi hàng ngàn cây số, phải chạy đua giành giật từng phút với tử thần để nối dài sự sống cho bệnh nhân. Đây cũng là ca ghép tạng xuyên Việt thứ hai được thực hiện thành công.

Theo PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, mới đây, BVcũng đã ghép gan thành công cho 2 trường hợp được hiến từ người cho còn sống. Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân 60 tuổi, ngụ Bến Tre, bị ung thư gan, xơ gan nặng, viêm gan siêu vi B. Người hiến gan là con trai, 32 tuổi. Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ 66 tuổi, ngụ TPHCM, bị xơ gan giai đoạn cuối, nhiễm viêm gan siêu vi C, có khối ung thư gan. Người hiến gan là con trai, 37 tuổi...

Theo TS Phạm Hữu Thiện Chí, Phó khoa Ngoại Gan mật tụy BV Chợ Rẫy, mặc dù phẫu thuật ghép gan từ người cho còn sống rất phức tạp nhưng phần lớn thành công, an toàn cho cả người cho lẫn người nhận. Từ năm 2012 đến nay, BV Chợ Rẫy TPHCM đã thực hiện 6 ca ghép gan, trong đó có 5 ca ghép gan từ người cho sống, một ca ghép gan từ người cho đã chết não.

Ngoài BV Chợ Rẫy, BV Việt Đức (Hà Nội), BV Trung ương Huế cũng đã thực hiện nhiều ca ghép tạng thành công. Không chỉ lấy tạng và ghép tại chỗ mà nguồn tạng còn được “vận chuyển” qua lại giữa hai đầu TPHCM - Hà Nội. Ngoài nguồn tạng từ người thân cho người thân, nguồn tạng hiến từ người cho chết não cũng chiếm một phần đáng kể.

Từ năm 2008 đến nay, BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận 10 trường hợp hiến tạng từ người cho chết não. Nguồn tạng này đã được sử dụng để ghép, cứu sống hơn 20 trường hợp. Một người chết não nếu hiến tạng có thể cứu sống được 7 người bệnh với thận, gan, tim, phổi và tụy tạng. Tuy nhiên, nguồn tạng vẫn không đáp ứng được nhu cầu bệnh nhân. Theo Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy, hiện cả nước có hơn 16.000 người bị suy thận, suy gan, suy tim, hỏng giác mạc… đang mòn mỏi chờ được ghép trong tuyệt vọng!

Một ca ghép gan mà nguồn tạng được chuyển từ TPHCM ra Hà Nội. Ảnh: MINH KHANG

Kỹ thuật ngang tầm quốc tế

Mãi đến năm 1992, Việt Nam mới có ca ghép thận đầu tiên, trong khi thế giới đã đi trước hàng chục năm. Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kỹ thuật ghép tạng đã được các y, bác sĩ trong nước quan tâm từ rất sớm, ca ghép thận đầu tiên là tại BV Quân y 103. Từ thành công ban đầu đó, đến nay đã có 140 cơ sở y tế trên cả nước đủ điều kiện ghép tạng. Từ việc chỉ thực hiện ghép thận, gan trên người cho sống, nay Việt Nam đã thực hiện thành công các ca ghép tim.

“Thay vì trước đây người dân phải đi Trung Quốc, Singapore, Thái Lan và cả Mỹ để ghép thận, gan, tim, thì nay Việt Nam làm tốt, chi phí lại rẻ”, ông Khuê khẳng định.

Theo các chuyên gia y tế, trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Một số nước khác cũng đang cử bác sĩ sang Việt Nam để học hỏi. PGS-TS Nguyễn Tấn Cường, nguyên Trưởng khoa Ngoại Gan mật tụy BV Chợ Rẫy, cho biết ghép tạng là một trong những kỹ thuật khó nhất trong việc ghép các bộ phận cơ thể. Hiện nay, nhu cầu cần ghép tạng rất lớn, tuy nhiên việc tìm được nguồn tạng phù hợp rất khó khăn. Ngoài việc phải đảm bảo các chỉ số phù hợp, người cho tạng cần phải vượt qua được rào cản tâm lý.

Không phải bệnh nhân nào cũng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu người hiến (người sống phải là thân nhân của bệnh nhân hoặc người đã bị chết não). Để lấy tạng ra khỏi ổ bụng, các bác sĩ phải tuân thủ theo một quy trình ngặt nghèo và thực hiện trong điều kiện vô trùng tuyệt đối. Do đó, thông tin bắt cóc trẻ em rồi đưa đến một nơi hoang vắng mổ lấy tạng là quá thất thiệt, không tưởng.

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, chuyên gia ghép tạng hàng đầu Việt Nam, để lấy được tạng phải trải qua rất nhiều công đoạn với những máy móc đặc biệt, dung dịch đặc biệt. Hơn nữa, khi tạng lấy ra thì phải có người để ghép ngay. Nhưng điều này cũng rất khó, bởi rất ít người có chỉ số trùng nhau, có khi phải làm xét nghiệm hàng trăm trường hợp mới có một trường hợp trùng chỉ số giữa người cho và nhận tạng.

Tại các BV, do đã có danh sách chờ ghép với các chỉ số đã được phân tích nên bác sĩ chỉ việc đối chiếu chỉ số giữa người cho và nhận. Đó là chưa kể, thời gian bảo quản tạng chỉ được chừng từ 10 - 15 tiếng. Quá thời gian trên, tạng sẽ hỏng không thể ghép được nữa.

Mặc dù đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực ghép tạng nhưng cho đến nay, trên cả nước ta, số người được ghép tạng vẫn khá khiêm tốn. Sau 23 năm kể từ khi kỹ thuật ghép tạng được thực hiện tại Việt Nam, đến nay mới có khoảng hơn 1.200 trường hợp được ghép thận, 46 trường hợp ghép gan, 10 trường hợp ghép tim và 1 trường hợp ghép thận tụy.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục