Ghi lại từ một chuyến đi

Ghi lại từ một chuyến đi

Kết thúc hội thi Báo cáo viên giỏi kể chuyện đạo đức Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn dành cho các thí sinh một món quà đặc biệt: một chuyến hành trình vượt Trường Sơn về thăm quê Bác. Nhiều tình cảm chân thành, nhiều chuyển biến về nhận thức đã được các thành viên ghi lại trong nhật ký hành trình… Xin trích lược những dòng cảm xúc...

* Đêm tối giữa núi rừng A Lưới, cả đoàn vây quanh hai người anh hùng của dân tộc Pakô - Vân Kiều là Hồ Vai và Hồ Kan Lịch - những con người từng sống trong cảnh thiếu muối đói cơm mà làm nên những chiến công oai hùng. Họ đã tự nguyện mang họ Hồ, tự nguyện làm con cháu Bác. Những câu chuyện về Bác của họ nghe sao mà thân thương! Rồi cả đoàn lại tiếp tục hành trình vượt Trường Sơn- con đường chỉ có “rừng vắng núi mù sương” nhưng ai cũng hăng hái như đang “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”.

Hoàng Đôn Nhật Tân
(Công đoàn Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn)

Ghi lại từ một chuyến đi ảnh 1

Đoàn Báo cáo viên dừng chân trước tượng đài Bác Hồ, cao 81m tại Vinh, Nghệ An. Ảnh: KIM NGỌC

*  Có mặt tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Chao ôi! 10.263 ngôi mộ đã được quy tập về đây. Hàng trăm ngôi mộ không tên, không tuổi. Đứng trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ, mình không kìm được xúc động. Mình cầm nén hương trên tay đi thắp trên từng ngôi mộ mà lòng bồi hồi quá! Các anh đã hiến trọn cuộc đời cho hòa bình và độc lập dân tộc”.

Nguyễn Văn Tuyến
(Khách sạn Sài Gòn Morin Huế)

*  “Thắp nén hương cho các anh, các chị, thế hệ chúng tôi phải cố gắng rèn luyện, học tập, công tác tốt hơn, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp hơn để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các liệt sĩ đã ngã xuống.

Phạm Huỳnh Thu Trang
(Công ty Dịch vụ Du lịch Thủ Đức)

*  Ngã ba Đồng Lộc ngày chúng tôi đến không có nắng nóng miền Trung và gió Lào bỏng rát. Mộ của các chị Tần, Cúc, Nhỏ, Hà, Hợi, Hường, Rạng, Xanh, Xuân (Nguyễn), Xuân (Dương) nằm ở lưng đồi. Mình nhìn thấy trên mộ có gương, lược và cả trái bồ kết mà ai đó đã trân trọng đặt lên. Phải rồi, nhà thơ Vương Trọng đã viết về các chị:

“Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm trong mộ rồi, mái đầu chưa gội/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”… Chúng ta đã được nghe, được học rất nhiều về sự tàn khốc của chiến tranh. Cứ ngỡ rằng ta đã hiểu. Nhưng đến khi được đặt chân lên mảnh đất lịch sử mới cảm nhận những điều thiêng liêng trong sách vở ấy gần gũi và xúc động đến nghẹn lời!

Nhìn mộ những người con gái tuổi đôi mươi chưa một lần yêu nhưng biết sống quên mình, tôi chợt nhìn lại bản thân mình - dù biết sự so sánh là quá khập khiễng. Tôi vượt Trường Sơn đến đây bằng xe hơi máy lạnh mà đã thấy mệt mỏi. Còn các chị, với đôi vai trần vác xẻng, đêm đêm thông đường cho xe qua, bảo vệ con đường cách mạng, con đường mà tôi đang đi hôm nay.

Tôi hàng ngày đi làm với phấn son, quần là áo lụa, còn các nữ anh hùng có bao giờ nghĩ sẽ được gì khi hy sinh cả tuổi thanh xuân? Thắp nén nhang cho các chị dưới cơn mưa tầm tã, không biết nước mưa hay nước mắt đã làm nhòe đi dòng chữ: “Võ Thị Hà. Năm sinh 1951”. Chị đã hy sinh khi mới tròn 17 tuổi! Tôi đã quay ra xe tiếp tục cuộc hành trình với một tâm trạng ngẩn ngơ xúc động, nhớ hoài câu nói của anh hướng dẫn viên: “Các cô gái đã mang trên đôi vai mình cả sứ mệnh lịch sử của Tổ quốc”. Tôi thấy hổ thẹn khi tự vấn mình đã làm được gì cho quê hương, đất nước mình…

Mai Kim Trúc
(Công ty cổ phần Eden)

“Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta/ Bố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc/ Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba / Tất cả những ngã ba trên, con có thể học, biết/ Trong sách địa dư, trên những bản đồ/ Mai sau lớn lên con có thể đến thăm và chụp ảnh…/ Xong rồi, con có thể quên/ Nhưng con ơi, con chớ quên ngã ba Đồng Lộc”… (Huy Cận)

Rời Đồng Lộc để tiếp tục hướng về quê Bác, tôi tự nhủ phải tìm cho được bài thơ Ngã ba Đồng Lộc của Huy Cận để chia sẻ cùng các anh chị trong đoàn. Chính bản thân tôi sẽ phải chiêm nghiệm lại những ngã ba trong cuộc đời mà mình đã đi qua. Và tôi biết mình sẽ không thể nào quên ngã ba làm bằng xương máu này!
 

Nguyễn Thị Kim Ngọc
(Công ty cổ phần Khách sạn Quê Hương)
 

*  15 giờ ngày thứ tư, đoàn đặt chân lên mảnh đất Hoàng Trù. Thưa Bác, chúng con đã đến nơi! Những ngày chuẩn bị đề cương dự thi, đứng trên bục thuyết trình, ai cũng cố tưởng tượng ra những hình ảnh thân thương, giản dị của Bác; giờ đây chúng con mới được tận mắt nhìn thấy ngôi nhà lá, chiếc võng tre, cả cái rương đựng lương thực của Bác, ôi sao đơn giản mà gần gũi vô cùng! Tôi không cầm được nước mắt khi nghe kể về cuộc đời của Bác: 5 tuổi mồ côi mẹ, 21 tuổi ra đi tìm đường cứu nước và mãi 50 năm sau Bác mới về thăm lại quê nhà…

Những báo cáo viên của hội thi càng có thêm niềm tin vững chắc vào những điều mình đã kể. Ca khúc Dấu chân phía trước luôn được các thành viên hát vang trong suốt cuộc hành trình: “Bác đã là người đi trước, khai rừng, băng sông, mở lối, cho tôi có cả cuộc đời…”

Phạm Huỳnh Thu Trang
(Công ty Dịch vụ Du lịch Thủ Đức)

*  Kết thúc hành trình đến, đoàn trở về cũng chính trên cung đường Trường Sơn, ghé thăm thêm những địa danh như Thành cổ Quảng Trị - mảnh đất mà mỗi tấc đất đều thấm máu xương; Đức Phổ, Quãng Ngãi - nơi liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã để lại mãi mãi tuổi trẻ… Trên chặng đường về, chúng tôi gặp những thanh niên đang tiếp tục xây dựng những công trình trên đường Trường Sơn.

Tôi khâm phục thế hệ cha anh đã anh dũng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, giờ đây còn có thêm duyên cớ để tự hào về lớp trẻ hôm nay - những bạn trẻ dám bỏ lại phố phường nhộn nhịp để về đây xây dựng những công trình mới trên chính mảnh đất anh hùng…

Ngô Thị Kim Oanh (Phòng Kế hoạch Tổng công ty)

Nhận xét về chuyến đi, ông Hoàng Đôn Nhật Tân, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho biết: “Những cảm xúc thật, những điều mắt thấy tai nghe về lịch sử, về những tấm gương anh hùng đã thật sự tác động đến nhận thức, tình cảm của các thành viên. Giữa những chặng hành trình, chúng tôi tổ chức giao lưu, kể chuyện về Bác. Nhật ký là những tình cảm thật mà anh em trực tiếp viết trong suốt hành trình. Khi trở về, các bạn đã chia sẻ với đồng nghiệp những câu chuyện, những nhận thức và cảm xúc mà mình đã trải qua. Điều đó không sách vở hay buổi giảng dạy về chính trị nào làm được…”.

MAI HƯƠNG (ghi)

Tin cùng chuyên mục