Giá dầu giảm - người giàu cũng khóc

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu xung quanh mốc 30-40 USD/thùng gây tác động xấu với nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ. Ngay cả các nước giàu có từ dầu ở vùng Vịnh cũng phải điều chỉnh các mục tiêu kinh tế khi giá dầu giảm.
Giá dầu giảm - người giàu cũng khóc

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu xung quanh mốc 30-40 USD/thùng gây tác động xấu với nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ. Ngay cả các nước giàu có từ dầu ở vùng Vịnh cũng phải điều chỉnh các mục tiêu kinh tế khi giá dầu giảm.

Các vua dầu mỏ bị tác động

Theo báo cáo được công bố ngày 17-12 của Công ty tình báo toàn cầu IHS đặt tại London, giá dầu thấp đã buộc các nước Arab khu vực vùng Vịnh cắt giảm ngân sách quốc phòng lần đầu tiên trong vòng một thập niên qua và dự kiến sẽ cắt giảm sâu hơn năm 2016. Theo IHS, bất chấp sự can thiệp quân sự của các nước Arab trong khu vực vào Yemen và Libya, việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria và các cuộc không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tổng chi tiêu cho quốc phòng đã giảm từ 86,7 tỷ USD năm 2014 xuống 81,6 tỷ USD năm 2015. Chi phí quân sự đã giảm tại Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), trong khi Oman chi phí tăng nhẹ. Sự cắt giảm ngân sách quốc phòng năm nay diễn ra trong bối cảnh các nước trong khu vực nỗ lực kiềm chế chi tiêu công do giá dầu giảm ảnh hưởng tới nguồn thu tài chính tại các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn này.

Ngành dầu khí Saudi Arabia vẫn tiếp tục tăng sản lượngkhai thác bất chấp giá dầu giảm

Nhu cầu về thiết bị quốc phòng đã tăng mạnh tại khu vực trong bốn năm qua sau khi nổ ra các cuộc nổi dậy trên khắp thế giới Arab. Bên cạnh đó, các nước Arab vùng Vịnh còn tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa chống lại mối đe dọa từ Iran. Những mối lo ngại an ninh này, cùng với doanh thu dầu mỏ tăng vọt, đã đưa Trung Đông trở thành thị trường vũ khí khu vực phát triển nhanh nhất thế giới.

Tại Saudi Arabia, do giá dầu giảm, cán cân thanh toán nước này cũng đang rơi vào tình trạng thâm hụt, dòng tiền gửi vào ngân hàng sụt giảm và dự trữ ngoại hối giảm khiến nước này trong năm 2015 lần đầu tiên phải phát hành trái phiếu nước ngoài kể từ năm 2007.

Nigeria, nước xuất khẩu dầu hàng đầu của châu Phi, 182 triệu dân nước này phụ thuộc vào 75% doanh thu từ dầu. Nguồn thu này phải đáp ứng cho cơ sở hạ tầng mới phục vụ  số dân tăng hàng ngày là 13.000 người. Sau một thập kỷ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5%/năm, tăng mạnh nhất châu Phi, tăng trưởng của Nigeria quý 3-2015 chỉ còn 2,8% so với mức 6,5% cùng kỳ năm 2014. Một nửa số bang của nước này không có tiền trả lương cho công chức.

Venezuela với 95% nguồn thu của chính phủ từ dầu. Vì vậy, giá dầu hạ đã đẩy nước này vào thời kỳ suy thoái kinh tế liên tục từ năm 2013 đến nay. Iran, Iraq và nhiều nước khác cũng đã phải cắt giảm chi tiêu do nguồn thu từ dầu sụt giảm.

Tương lai giá dầu

Mặc dù giá dầu giảm gây tác động với kinh tế toàn cầu, song bất chấp lời kêu gọi từ các nước khác, Saudi Arabia vẫn không chấp nhận cắt giảm sản lượng dầu khai thác. Đã vậy, OPEC lại bãi bỏ mức trần khai thác dầu 30 triệu thùng/ngày. Sau cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cách đây 1 tuần, giá dầu đã giảm gần 11%, còn chưa đầy 38 USD/thùng. 

Giá dầu giảm đang gây khó khăn cho nguồn thu nhiều nước

Các nước ngoài OPEC chủ động cắt giảm sản lượng dầu khai thác khoảng 300.000 thùng/ngày trong tháng 11 so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên,  Saudi Arabia và Iraq lại tăng sản lượng bù vào. Hai nước này chiếm phần lớn sản lượng dầu khai thác trong OPEC tăng đến 1,8 triệu thùng/ngày so với cách đây một năm. Báo Financial Times dẫn lời ông David Hufton, giám đốc điều hành tập đoàn môi giới dầu khí PVM “Thông điệp cho năm 2016 thật rõ ràng. Viễn cảnh giá dầu vẫn đáng thất vọng cho các nhà sản xuất”. Ông dự báo kỷ lục giá dầu thấp ở mức 36,20 USD/thùng giá dầu thô Brent vào năm 2008 sẽ bị phá vỡ.

Vấn đề nằm ở chỗ, Saudi Arabia đang ganh đua với ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ và không muốn mất mặt trước Washington. Đồng thời, nếu duy trì mức trần khai thác, Saudi Arabia không tin tưởng các thành viên khác trong OPEC như Iraq (và đặc biệt là đối thủ Iran khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ) không phá vỡ mức trần 30 triệu thùng/ngày, vì vậy chi bằng “tiên hạ thủ vi cường”, cứ bãi bỏ mức trần khai thác trong OPEC  bất chấp chính Saudi Arabia cũng phải nhận hậu quả.

Ngoài ra, Saudi Arabia cũng không muốn để Nga hưởng lợi khi trở thành nước khai thác dầu lớn nhất thế giới một khi OPEC cắt giảm sản lượng. Sản lượng dầu khai thác của OPEC hiện nay vẫn chiếm 1/3 tổng sản lượng toàn cầu, đạt 31,695 triệu thùng/ngày trong tháng 11, tăng hơn 230.000 thùng/ngày so với tháng 10.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng giá dầu sớm muộn gì cũng tăng trở lại. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt từ 5% đến 6%/ năm so với trung bình hàng năm 9% - 10% trước đây song kinh tế Trung Quốc vẫn dựa vào dầu. Lượng dầu sử dụng nước này năm sau vẫn cao hơn năm trước ngay cả khi tăng trưởng chậm lại. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA),  trong năm 2015, Trung Quốc tiêu thụ 11,2 triệu thùng dầu/ngày, tăng 2,8% so với năm 2014 và dự báo sẽ tăng 2,8% trong năm 2016.

IEA cũng dự báo Mỹ sẽ cắt giảm 6,1% dầu phiến đá trong năm 2016. Các chuyên gia cho rằng dầu đá phiến của Mỹ sẽ giúp điều tiết sự gia tăng giá dầu trong tương lai gần. Trong năm 2015, lượng giàn khoan quốc tế của Mỹ ở nước ngoài cũng giảm 16% sản lượng. Nhưng khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh trở lại, nhu cầu dầu trên toàn thế giới không thể chỉ phụ thuộc vào chỉ một mình dầu đá phiến của Mỹ.

Trên toàn bộ thế giới, đầu tư thăm dò và sản xuất dầu đã giảm từ  700 tỷ USD trong năm 2014 còn  550 tỷ USD trong năm 2015. Việc cắt giảm nhân công và đầu tư vào ngành khai thác dầu cũng là cách để đưa giá dầu tăng trở lại trong tương lai dài hơn vì một lần trì hoãn, các dự án không thể khởi động lại một cách nhanh chóng. Hơn nữa, việc sa thải gần 200.000 công nhân trong các công ty dịch vụ dầu khí và thiết bị cũng khiến sẽ khó thu nạp lại nhanh chóng khi nhu cầu về dầu tăng lại.


THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục