Giá dầu giảm sâu - Kẻ buồn người vui

Tại thị trường London, trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giá dầu Brent giao tháng 10 ở mức 49,61 USD/thùng. Tại New York thấp hơn, dầu thô giao tháng 10 chỉ 46,05 USD/thùng. Việc giá dầu dưới mức 50 USD/thùng hiện nay ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách các nước sản xuất dầu và xu hướng giảm này sẽ còn kéo dài với việc Iran sắp trở lại thị trường thế giới. Tuy nhiên, cũng không ít quốc gia được hưởng lợi từ giá dầu thấp.
Giá dầu giảm sâu - Kẻ buồn người vui

Tại thị trường London, trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giá dầu Brent giao tháng 10 ở mức 49,61 USD/thùng. Tại New York thấp hơn, dầu thô giao tháng 10 chỉ 46,05 USD/thùng. Việc giá dầu dưới mức 50 USD/thùng hiện nay ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách các nước sản xuất dầu và xu hướng giảm này sẽ còn kéo dài với việc Iran sắp trở lại thị trường thế giới. Tuy nhiên, cũng không ít quốc gia được hưởng lợi từ giá dầu thấp.

Nhiều dầu cũng… khổ

Tất nhiên, những nước xuất khẩu dầu bị ảnh hưởng do giá dầu giảm. Trong khi một số nước như Saudi Arabia vẫn có thể sử dụng nguồn thặng dư ngân sách dồi dào, thì không ít quốc gia phải đối mặt với khó khăn do ngân sách eo hẹp. Venezuela đã phải giảm giá bán dầu cho các nước đang nợ nần chồng chất như Jamaica hay CH Dominica để có những khoản tiền cần thiết cho nền kinh tế của nước này, trong bối cảnh Venezuela phải nhập đến 60% nhu cầu lương thực và thuốc men.

Trong khi đó tại Mexico, chính phủ đối phó với tình trạng giá dầu giảm bằng cách cắt giảm hơn 8 tỷ USD ngân sách 2015 và nhiều khả năng năm tới sẽ còn cắt giảm nhiều hơn. Tương tự, không chống đỡ nổi giá dầu lao dốc, hôm 20-8, Kazakhstan đã quyết định thả nổi tỷ giá hối đoái khiến đồng nội tệ mất giá 20%. Dầu mỏ là nguồn thu ngân sách chủ yếu, đảm bảo cho Kazakhstan những năm tăng trưởng cao. Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev cho biết, không còn chọn lựa nào khác ngoài việc để đồng tiền bị phá giá, bởi việc duy trì tỷ giá hối đoái cao một cách giả tạo sẽ làm nảy sinh nguy cơ sản xuất khó cạnh tranh, trong khi dự trữ ngoại hối dần bị vét cạn. Ông Nazarbayev cảnh báo Kazakhstan về lâu về dài sẽ phải thích ứng với giá dầu thấp và một số dự án phải hoãn việc triển khai.

Ngay cả những nước công nghiệp phát triển cũng bị tác động nặng nề, chẳng hạn như Canada đang bước vào suy thoái do đầu tư của các công ty dầu khí sụt giảm mạnh. Tại tỉnh dầu khí Alberta ở miền Tây, hơn 20.000 người bị sa thải. Ngân sách Canada trong tài khóa 2015-2016, dự kiến ban đầu sẽ thặng dư, nhưng cuối cùng được dự báo sẽ bị thâm thủng 1 tỷ USD.

Theo thỏa thuận giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) vào tháng 7 vừa qua, các biện pháp trừng phạt đối với Tehran tới đây sẽ được bãi bỏ. Như vậy, dầu mỏ của Iran, quốc gia có trữ lượng dầu đứng thứ nhì thế giới, trong những ngày tới sẽ tràn ngập thị trường, kéo giá dầu xuống thấp hơn nữa. Giá dầu giảm thêm sẽ là tai họa đối với Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi và dầu mỏ chiếm đến 90% kim ngạch xuất khẩu; 80% thu nhập của chính phủ liên bang.

Báo Độc lập (Nga) ngày 4-9 dẫn lời cựu Bộ trưởng Năng lượng Nga Yuri Shafranik nhận định, giá dầu có thể giảm sâu xuống mức 25 USD/thùng. Trong khi đó, chuyên viên phân tích của hãng Verum Option, ông Alexander Krasnov, lưu ý trong 30 năm qua, giá dầu đã giảm 2 lần xuống còn 20 - 30USD/thùng. Năm 1998, giá dầu thậm chí còn xuống mức 18USD/thùng sau khi lên đến đỉnh điểm 104USD/thùng vào năm 1980. Vì vậy, chẳng hạn nếu cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc tiếp tục kéo dài, giá dầu có thể tiếp tục giảm.

Nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân Iraq.

Hiện nước Nga, một trong những cường quốc xuất khẩu dầu mỏ, cũng đang xem xét kế hoạch ngân sách quốc gia năm 2016, trên cơ sở ước tính giá dầu xuống mức 40USD/thùng, thay vì 55 - 60USD/thùng như Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo trước đó cho giai đoạn 2016-2018. Giá dầu giảm đã khiến đồng rouble của Nga mất 20% trị giá so với đồng USD.

Thúc đẩy tăng trưởng

Các nước nhập khẩu dầu mỏ được hưởng lợi rất nhiều từ việc dầu rớt giá. Mỹ nhập khẩu gần 50% nhu cầu dầu mỏ, giá dầu rẻ đã giúp đẩy mạnh sức tiêu dùng của người dân. Giá xăng hiện nay của Mỹ đã giảm 24% so với thời điểm tháng 6-2014. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, nhờ giá xăng giảm, trong mùa thu này dân Mỹ sẽ đi du lịch nhiều hơn, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Bloomberg, GDP của Mỹ dự báo sẽ tăng 0,2% trong năm 2015. Trong khi đó, IMF đưa ra con số khả quan hơn: từ 0,5% -1% cho năm 2015 và 1% - 1,2% cho năm 2016. Ngoài ra, dầu rớt giá còn giúp lạm phát của Mỹ giảm bởi giá hàng hóa và dịch vụ giảm theo giá dầu.

Châu Âu cũng được hưởng lợi rất nhiều. Người ta tính toán rằng cứ giá dầu giảm 10% sẽ giúp kinh tế tăng trưởng 0,1%. Giá nhiên liệu giảm đang hỗ trợ rất nhiều cho các nước đang gặp khó khăn về kinh tế tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Tại châu Á, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu đến 75% nhu cầu dầu mỏ. Giá dầu ở mức thấp sẽ giúp quốc gia Nam Á giảm được thâm hụt ngân sách. Theo giới quan sát, nếu dầu thô tiếp tục duy trì ở mức giá như hiện nay, Ấn Độ sẽ cắt giảm được 2,5 tỷ USD tiền trợ cấp nhiên liệu trong năm nay. Các quốc gia khác như Trung Quốc hay Nhật Bản cũng tiết kiệm cho ngân sách khoản tiền không nhỏ khi nhập khẩu dầu với giá thấp.

Dù vậy, những quốc gia đang hưởng lợi từ giá dầu thấp vẫn bị những tác động nhất định từ việc dầu rớt giá. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp trong ngành khai thác dầu mỏ rất cao. Theo thống kê của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ, số người thất nghiệp trong lĩnh vực dầu mỏ năm 2015 là 6,5%. Bang Texas, một trong những địa phương có ngành khai thác dầu mỏ phát triển, đã chứng kiến số lượng người mất việc kỷ lục trong năm nay với 340.000 người. Trong khi đó, giá dầu hiện nay đang đe dọa nỗ lực tăng tỷ lệ lạm phát tại Nhật Bản lên mức 2%.

Và một trong những điều được rất nhiều nhà hoạt động môi trường quan tâm đó là giá dầu thấp sẽ có thể cuốn bay đi mọi nỗ lực trong việc phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, góp phần làm Trái đất xanh, sạch hơn.

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục