Ngày 1-7, lệnh cấm vận dầu mỏ của EU nhằm vào Iran chính thức có hiệu lực. Cả EU và Iran đều khẳng định lệnh cấm này sẽ không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của hai bên nhưng trên thực tế cái giá phải trả cho lệnh cấm này không hề nhỏ. Giá dầu thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng này.
Iran bị kìm hãm kinh tế
Iran hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong OPEC, 80% doanh thu hàng năm của nước này là từ xuất khẩu dầu thô. Vào ngày 30-6, Bộ trưởng dầu mỏ Iran Rostam Ghasemi kêu gọi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiến hành họp khẩn cấp do giá dầu trên thị trường hiện nay hết sức phi lý. Trong phiên giao dịch cuối vào ngày 29-6, giá dầu thô Brent giao tháng 8 tăng lên 97,90 USD/thùng. Đây là mức tăng mạnh nhất trong 3 năm qua. Trong khi đó, tại phiên giao dịch New York, giá dầu giao tháng 8 tăng lên 84,96 USD/thùng, tăng 7,27 USD so với những phiên giao dịch trước. Ông Ghasemi nói nếu các nước thành viên OPEC không giám sát hạn ngạch và mức trần sản xuất của khối là 30 triệu thùng/ngày thì thị trường dầu mỏ sẽ hỗn loạn.
Iran từng đưa ra cảnh báo giá dầu sẽ leo thang lên mức 150 USD/thùng nếu phương Tây áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ lên Teheran và chính các nước này phải chịu thiệt hại nặng nhất chứ không phải Iran. Tuy nhiên, Iran cũng chịu thiệt hại không nhỏ. Một số quan chức Iran thừa nhận xuất khẩu dầu đã giảm khoảng 20%. Châu Âu hiện chiếm 1/5 thị trường toàn cầu trong xuất khẩu dầu của Iran.
Trước thời hạn vào chủ nhật này, doanh số bán dầu của Iran được cho là đã giảm từ 600.000 đến 800.000 thùng một ngày. Nhưng ngày 1-7, con số này sẽ tăng lên trên 1 triệu thùng/ngày, giảm 50% so với bình thường. Cùng với giá dầu giảm sâu trong thời gian gần đây, thu nhập cứng của Iran sụt giảm nghiêm trọng và có thể có tác động lâu dài ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của nước này. Các nhà phân tích cho rằng những cấm vận mới với quy mô và phạm vi chưa từng có tiền lệ sẽ kìm hãm kinh tế Iran nhưng không làm tê liệt được nó. Tuy nhiên, các cấm vận thực tế đang tác động lên đời sống hàng ngày của người dân. Giá trái cây, đường, thịt, cùng các sản phẩm chủ yếu khác đã tăng vọt lên gấp ba, bốn lần.
Mỹ, châu Âu cũng chịu thiệt
Giá dầu thô tăng sẽ ảnh hưởng đến số liệu kinh tế Mỹ vì Mỹ là nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất thế giới. Nếu chính phủ Mỹ không thể kiểm soát việc leo thang của giá dầu trong nước, nền kinh tế nước này sẽ bị chững lại đà phục hồi. Vấn đề này cũng đang nổi lên như là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ông Fatih Birol, chuyên gia kinh tế của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ là khu vực dễ bị tổn thương, giá dầu cao như hiện nay đang trở thành vấn đề lớn nhất, chứ không phải cuộc khủng hoảng nợ công. Giá dầu thô đã tăng 15% trong năm nay trong bối cảnh tình hình căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Iran. IEA ước tính EU sẽ phải chi số tiền kỷ lục là 502 tỷ USD trong năm nay để nhập khẩu dầu so với 472 tỷ USD năm 2011. Như vậy, con số này chiếm 2,8% GDP của EU, so với giai đoạn 2000-2010 số tiền trung bình EU bỏ ra để nhập khẩu dầu chiếm 1,7% GDP.
Mức giá dầu hiện nay trung bình cao hơn năm 2008 và như vậy có khả năng đẩy nền kinh tế toàn cầu trở lại suy thoái. Tất cả các cuộc suy thoái ở các nước công nghiệp kể từ Chiến tranh thế giới II đều bắt đầu từ giá dầu tăng trước đó. Hóa đơn nhập khẩu dầu đang tạo thêm gánh nặng cho người tiêu dùng châu Âu. Các hộ gia đình châu Âu sẽ phải chi đến 11% thu nhập cho nhu cầu sưởi ấm, ánh sáng, nấu ăn và đi lại cá nhân trong năm nay, so với mức trung bình trước đây là 6% - 7% và 9% của năm ngoái.
THANH HẰNG