(SGGP).- “350 dịch vụ y tế sẽ tăng giá do mức thu viện phí hiện nay không còn phù hợp với thực tế”. Vấn đề này đặt ra tại hội nghị tham vấn ý kiến của chuyên gia để xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 95/CP về việc thu một phần viện phí, được tổ chức ngày 14-9 ở Hà Nội.
Theo Bộ Y tế, dự kiến trong giai đoạn 2011-2012 sẽ điều chỉnh chi phí của 350 dịch vụ y tế như: giá khám - chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe, giá giường bệnh và giá các dịch vụ kỹ thuật… đáng chú ý, có 220 dịch vụ, kỹ thuật dự định sẽ tăng 2 - 2,5 lần là các dịch vụ không thường xuyên và thường rơi vào nhóm các dịch vụ y học cổ truyền và khoảng 70 dịch vụ có mức tăng 7 - 10 lần lại là những dịch vụ y tế khá phổ biến như: nội soi, gây tê, gây mê... Giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng ở mức 6.000 - 25.000 đồng tùy theo từng hạng bệnh viện, so với giá dịch vụ khám chữa bệnh quy định từ năm 1995 chỉ có 500 - 3.000 đồng/lần khám. Giường điều trị nội trú có mức giá 30.000 - 120.000 đồng/ngày (giá cũ 4.000 - 18.000 đồng/ngày).
Lý giải về việc tăng viện phí, Bộ Y tế cho rằng, mức thu viện phí hiện nay quá lạc hậu so với mặt bằng chung. Do đó, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng thu viện phí hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến huyện và tỉnh có nguy cơ đóng cửa? Bởi lẽ tổng mức thu của một bệnh viện tuyến huyện hiện chỉ hơn 1 triệu đồng/ngày, trong khi đó mức chi thường xuyên khoảng 5 triệu đồng/ngày. Bệnh viện tuyến tỉnh có tổng thu khoảng 10 triệu đồng/ngày, nhưng tổng chi phí đến 50 triệu đồng/ngày.
Trước đề xuất của Bộ Y tế, tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ, việc điều chỉnh khung viện phí đối với 350 dịch vụ y tế đang áp dụng từ năm 1995 là việc làm cần thiết, nhưng phải nằm trong khả năng chi trả của người dân và phải có chính sách hỗ trợ tối đa cho người nghèo, đối tượng chính sách, không gây ảnh hưởng an sinh xã hội. Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong quý 4-2011 Bộ Y tế trình Chính phủ về mức điều chỉnh cụ thể của 350 dịch vụ y tế, đến năm 2012 triển khai thực hiện.
KHÁNH NGUYỄN