Giả dối để đạt thành tích thì thành tích đó không có ý nghĩa gì, mà còn gây hại

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức -người lên tiếng mạnh mẽ với bệnh thành tích trong giáo dục
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức -người lên tiếng mạnh mẽ với bệnh thành tích trong giáo dục

Từ thực tế có những học sinh học đến lớp 3, 4 vẫn chưa đọc thông viết thạo, những ngày qua SGGPO đã mở diễn đàn “Chống bệnh thành tích trong giáo dục” với rất nhiều ý kiến tâm huyết từ thực tiễn. Tất cả đều mong muốn loại bỏ được bệnh thành tích trong giáo dục, để giáo dục thực sự là môi trường trong sạch.

Phóng viên SGGPO đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội- một trong những người có tiếng nói mạnh mẽ trong đấu tranh chống bệnh thành tích, bệnh giả dối trong giáo dục.

* Phóng viên: Ông nghĩ sao về chuyện ngay tại một số trường học của TPHCM chứ không phải ở vùng sâu vùng xa có một số học sinh lớp 3, 4 vẫn chưa đọc thông viết thạo, tình trạng này cũng không hiếm ở những các địa phương khác?

TIẾN SĨ NGUYỄN VIẾT CHỨC: Chuyện giả dối không chỉ có trong giáo dục đâu, mà xã hội chúng ta, giả dối khá tràn lan. Tại sao có “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”, chè trồng để uống, trồng để bán.. Đó chính là giả dối, không thật.

Trong ngành giáo dục cũng thế, vẫn còn bệnh thành tích, mà bệnh thành tích suy cho cùng cũng chính là giả dối. Thành tích mà không có thật thì đó chính là giả dối. Chúng ta cần thi đua, cần thành tích, nhưng nếu thành tích không có thật thì vô cùng nguy hiểm. Một lớp có 100% học sinh giỏi thì tốt quá, nhưng vấn đề  là thành tích đó không thực.

Thành tích trong các lĩnh vực đã nguy hiểm, giả dối trong giáo dục còn nguy hiểm hơn, bởi  hậu quả không chỉ cho cá nhân đó mà cho cả xã hội, không chỉ ảnh hưởng trước mắt mà cả tương lai. Vì học sinh thuộc trường hợp ngồi nhầm lớp đó không có kiến thức, sau này nếu tiếp tục ngồi nhầm ở những vị trí khác sẽ gây hậu quả lớn. Sự giả dối lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng giả dối càng ở vị trí cao hơn, ở vị trí có quyền hạn càng nguy hiểm cho đất nước.

 Do đó, dứt khoát phải nói không với giả dối. Dứt khoát phải chấm dứt bệnh giả dối. Tôi đã nhiều lần phát biểu về vấn đề này rồi. Nhiều nhà giáo dục nổi tiếng thế giới đều đã nói, trong giáo dục, chỉ pha chút giả dối là sụp đổ cả nền giáo dục đó. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng giả dối như thế.

Đặc biệt, nếu có tình trạng ngồi nhầm lớp ngay ở TPHCM là rất khó chấp nhận. Trường hợp nào khó khăn thì chúng ta giúp đỡ, nhưng không thể vì thành tích của thầy cô, trường, của địa phương mà để các em ngồi nhầm lớp. Thành tích đó không những không mang lại lợi ích gì cho ai mà thậm chí còn gây hại cho xã hội, cho cộng đồng, mà trước tiên là hại cho chính bản thân em học sinh đó. Tôi đặc biệt phản đối tình trạng ngồi nhầm lớp.

Giả dối để đạt thành tích thì thành tích đó không có ý nghĩa gì, mà còn gây hại ảnh 1 Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức:  Giáo dục muốn có một tương lai tốt đẹp thì phải loại bỏ những gì không trong sạch

Tình trạng ngồi nhầm lớp này đã xảy ra khá lâu, xã hội cũng đã từng phản ứng mạnh mẽ về điều này. Ngày 28-12-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành văn bản số 6122 /BGDĐT-TĐKT về việc khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Nhưng đến nay, tình trạng đó vẫn chưa được chấm dứt. Vậy theo Tiến sĩ, chúng ta nên nhận thức lại ra sao và có thêm giải pháp nào?

*Tôi nghĩ rằng ở đâu cũng có mặt tốt và không tốt. Cũng như báo SGGP đã phản ánh, có những trường họ không để tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp diễn ra. Vậy thì những trường đó phải được hoan nghênh, dù có thể trường đó chỉ có 50% học sinh giỏi, nhưng đó là chất lượng thực của họ.

Do đó, thanh tra giáo dục phải thanh tra cho rõ, trường nào thành tích thực thì khen đến nơi đến chốn, còn những trường có hiện tượng giả dối thì dù phát hiện 1 trường hợp thôi cũng phải nghiêm khắc xóa bỏ thành tích của trường. Cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra một số em thôi, không thể kiểm tra cả hàng ngàn em học sinh của trường. Nhưng cứ có hiện tượng ngồi nhầm lớp là cần xóa hết thành tích của trường đó, không chỉ thành tích ở thời điểm kiểm tra mà cả thành tích trước đó. Phải làm nghiêm như vậy thì mới ngăn chặn được bệnh thành tích trong giáo dục.

Nhưng dù là biện pháp nào, tôi cho rằng, quan trọng nhất là con người phải có nhận thức  được là giả dối thì nó nguy hại thế nào đối với con trẻ. Muốn con trẻ không giả dối thì người lớn không được giả dối, phải làm gương, làm mẫu. Trong mọi hoạt động từ kinh tế đến văn hóa, xã hội đều phải loại bỏ bệnh giả dối. Làm sao trong xã hội phải tôn trọng sự thật. Dẫu việc đi đến đích cuối cùng còn nhiều gian khó nhưng sự thật phải là tối thượng, bởi thành tích nếu ảo, sẽ ru ngủ chúng ta, làm chúng ta tự thỏa mãn với thành tích dối trá.

 Lẽ đời, lần này dối trá ít mà vẫn thành công thì lần sau người ta sẽ dối trá nhiều hơn. Đó như một trào lưu xấu và chúng ta phải chấm dứt.

Theo đó, tôi cho rằng có 2 biện pháp cần làm mạnh: trừng phạt nghiêm các trường hợp, đơn vị, cá nhân giả dối, nhưng đồng thời khen thưởng, tôn vinh xứng đáng những tập th, cá nhân trung thực. Muốn thế phải tăng cường kiểm tra, giám sát thì mới rõ trường nào trung thực, trường nào thành tích ảo.

- Sự nghiệp đổi mới của chúng ta thành thành công, trong đó có nguyên nhân quan trọng là nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng nói thật.

Không nên vì còn hiện tượng thành tích ảo mà không tiếp tục đẩy mạnh thi đua. Thi đua là tốt. Không có lĩnh vực nào không thi đua cả, chỉ có điều cái gì không tốt phải được chấn chỉnh.

Những phong trào thi đua nếu đưa ra những chỉ tiêu không có thật thì phải bị dẹp bỏ. Thi đua để dạy tốt học tốt là rất cần thiết. Nhưng nếu thi đua mà cả trường đều học sinh ngoan, giỏi thì không thực chất. Chỉ tiêu thi đua phải trên cơ sở thực chất, tiêu chí khả thi,  kết quả đạt được cũng phải thực chất, trung thực.

Ví dụ chúng ta ai cũng muốn tất cả giáo viên phải giỏi ngoại ngữ, nhưng chắc chắn không thể đạt tất cả. Những giáo viên đã 40-50 tuổi trở lên thì phải được miễn điều này, họ đang dạy giỏi môn nào thì phát huy môn đó, không thể yêu cầu họ giỏi ngoại ngữ được. Hoặc giáo viên tiểu học thì cũng không thể đạt yêu cầu ngay. Do đó chỉ tiêu đưa ra phải thực chất. Để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên thì yêu cầu ai tốt nghiệp sư phạm năm 2025 mà không có chứng chỉ ngoại ngữ thì không cho tốt nghiệp, còn các trường hợp trước đó thì không thể yêu cầu như vậy. Nếu cứ áp đặt chỉ tiêu, họ sẽ mua chứng chỉ, tức là lại quay về với bệnh giả dối. Do vậy, tất cả những điều gì có thể tạo ra bệnh giả dối cho xã hội phải thực sự chấm dứt.

* Hồi ông làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chúng ta đã nhìn nhận và đấu tranh với bệnh thành tích trong giáo dục ra sao?

* Hồi đó,bệnh thành tích trong giáo dục cũng khá trầm trọng, xã hội cũng đấu tranh rất mạnh mẽ.  Năm 2003, tôi đã có bài phát biểu dài tại diễn đàn Quốc hội về vấn đề này. Tôi đã đề nghị hãy chấm dứt bệnh thành tích trong giáo dục, chấm dứt nói những điều hay ho mà hãy nhìn thẳng vào thực trạng nền giáo dục nước ta. Sau đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng GD-ĐT cũng đã đặt vấn đề phải chống tiêu cực trong giáo dục.

Năm 2006, Chỉ thị số 33 của Thủ tướng về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục đã chỉ ra tại thời điểm đó các biểu hiện tiêu cực (gian lận trong thi cử, trong cấp và sử dụng văn bằng chứng chỉ, tiêu cực trong tuyển sinh, chuyển trường ở các cấp học, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước...) và bệnh thành tích trong giáo dục đã và đang xói mòn các nguyên tắc cơ bản của giáo dục và gây tác hại lâu dài cho xã hội. Trước tình hình đó, Bộ GD-ĐT mở cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" (thường gọi là cuộc vận động "2 không").

“Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là hai mục tiêu lớn trong năm học 2006-2007 mà Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát động. Ngay tại kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2007 - năm đầu thực hiện cuộc vận động "2 không", tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT nhiều tỉnh sụt giảm đột ngột, có tỉnh chưa đạt 15%. Thậm chí có nơi, cả trường bị trượt tốt nghiệp.

Thời điểm đó, xã hội có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều người nghi ngờ phong trào “2 không”, nhưng tôi thì rất đồng tình. Bởi đơn giản thôi, muốn vẽ thì trước tiên phải làm sạch tờ giấy, tờ giấy đã bẩn thì không thể vẽ gì đẹp được. Trong giáo dục cũng vậy, muốn có một tương lai tốt đẹp thì phải loại bỏ những gì không trong sạch.

Tóm lại, tất cả những gì giả dối, vì tiền đều sẽ không tốt đẹp. Giả dối để đạt thành tích thì thành tích đó không có ý nghĩa gì cả, mà còn gây hại.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Những phong trào thi đua nếu đưa ra những chỉ tiêu không có thật thì phải bị dẹp bỏ. Thi đua để dạy tốt học tốt là rất cần thiết. Nhưng nếu thi đua mà cả trường đều học sinh ngoan, giỏi thì không thực chất. Chỉ tiêu thi đua phải trên cơ sở thực chất, tiêu chí khả thi,  kết quả đạt được cũng phải thực chất, trung thực.

Tin cùng chuyên mục